50 năm Chiến thắng Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào: Ký ức Đồi Không tên

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quốc lộ 9 hay Đường 9 tuyến đường huyền thoại về ý chí, khát vọng độc lập-tự do-thống nhất đất nước.

50 năm Chiến thắng Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào: Ký ức Đồi Không tên

Xác máy bay trực thăng của Mỹ bị quân giải phóng Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) bắn rơi trên đồi Không Tên. (Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN)

Trên dải đất của Tổ quốc, có những tuyến đường xuôi Nam, ngược Bắc mang theo nỗi nhớ, niềm vui, sự háo hức của những hành trình khám phá.

Nhưng có những tuyến đường lại là biểu tượng cho những khát vọng của dân tộc Việt Nam.

Quốc lộ 9 hay Đường 9 là một trong những biểu tượng như vậy. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là tuyến đường huyền thoại về ý chí, khát vọng độc lập-tự do-thống nhất đất nước.

Nay Quốc lộ 9 nằm trong “hệ thống mạch máu” giao thông vùng duyên hải miền Trung, trở thành hành lang kinh tế nối Lào-Thái Lan và Myanmar, nối đôi bờ Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, như biểu tượng, động lực cho quan hệ hữu nghị, hợp tác, phát triển của Hành lang kinh tế Đông-Tây, góp phần hiện thực khát vọng Hùng cường-Thịnh vượng của đất nước.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (23/3/1971-23/3/2021), TTXVN trân trọng giới thiệu loạt bài viết “Con đường của khát vọng.”

Bài 1: Ký ức Đồi Không tên

Tháng 2 năm 1971, Phạm Huy Dật cùng một tổ 6 chiến sỹ “có nhiệm vụ đi bắt liên lạc với Đường dây 559” để giải quyết việc thiếu người dẫn đường, thiếu bản đồ tác chiến, thiếu đạn, thiếu lương thực-những khó khăn lớn của Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 trước Chiến dịch Đường 9-Nam Lào.

Sau hàng giờ đồng hồ men theo những con đường mòn trong đại ngàn Trường Sơn , ông bừng niềm vui khi nghe giọng con gái Hà Tĩnh quát đanh, gọn: “Ai, đứng lại, bỏ súng xuống!”...

Từ ngày đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, căn nhà nhỏ ở đường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội của gia đình đại tá Phạm Huy Dật là một trong các “điểm hẹn” của những người lính già thuộc Trung đoàn 64 Sư đoàn 320- đơn vị góp phần quan trọng vào chiến thắng Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.

Sau 50 năm, đại tá Phạm Huy Dật giờ đã bước sang tuổi 80, nhớ như in những ngày sôi sục đỏ lửa năm 1971. Tiếng đạn pháo nổ chát chúa, mảnh đạn văng vù vù và quầng khói lửa đỏ rực bùng lên từ những chiếc trực thăng của địch, không khí thì nồng nặc mùi cỏ cháy, mùi thuốc súng...

Ký ức về vùng chiến sự khốc liệt trên con đường chiến lược số 9 từ biên giới Việt-Lào đến Lao Bảo, Đông Hà (Quảng Trị) vẫn hằn sâu trong tâm trí ông như chỉ mới ngày hôm qua.

Nhắc đến tấm bản đồ chiến dịch có tỷ lệ 1/100.000 trong bức ảnh “Chỉ huy Trung đoàn 64 họp bàn kế hoạch tác chiến,” ánh mắt người sỹ quan tác chiến năm xưa như bừng sáng.

Đầu năm 1971, Trung đoàn 64 đang hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ thì nhận được lệnh dừng hành quân đường dài, quay sang Trạm 4 ở Bản Đông-Nam Lào để nhận nhiệm vụ mới: Địch đã đổ quân xuống khu vực Bản Đông, Trung đoàn khẩn trương chuẩn bị và tổ chức chiến đấu.

Thiếu úy Phạm Huy Dật khi đó được Trung đoàn giao nhiệm vụ chỉ huy một tổ 7 chiến sỹ có nhiệm vụ bắt liên lạc với Đường dây 559 để giải quyết việc thiếu người dẫn đường, thiếu bản đồ tác chiến, thiếu đạn, thiếu lương thực-những khó khăn lớn của Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 trước giờ nổ súng Chiến dịch.

Sau hàng giờ đồng hồ men theo những con đường mòn trong đại ngàn Trường Sơn, niềm vui của các chiến sỹ bừng lên chính vào lúc một giọng con gái Hà Tĩnh quát đanh, gọn: Ai, đứng lại, bỏ súng xuống!...

“Chúng tôi được hai nữ chiến sỹ trong đường dây 559 đưa về binh trạm, bắt liên lạc với chỉ huy của bộ phận tác chiến của Binh đoàn. Với tấm bản đồ chiến dịch Binh đoàn cung cấp, chúng tôi đã kịp thời trinh sát, vạch kế hoạch tác chiến…,” Đại tá Phạm Huy Dật nhớ lại.

Nhắc đến những trận đánh của Trung đoàn 64 tại khu vực Đường 9-Nam Lào hồi 50 năm trước, Đại tá Phạm Huy Dật nói ngắn gọn: Đồi Không tên thuộc địa phận ngã 3 Cha Phi, án ngữ Đường 16 đi xuống Tập đoàn cứ điểm Bản Đông, cách điểm cao 543 khoảng hai cây số. Đây là điểm cao rất quan trọng, có thể khống chế toàn bộ khu vực phía Bắc của Đường 9.

Ngày 8/2/1971, máy bay địch đổ quân xuống chiếm giữ điểm cao 543 và lập Sở chỉ huy Lữ đoàn dù 3 tại đây. Những ngày sau đó, trực thăng địch đổ quân xuống Đồi Không tên nhằm tạo thành tiền đồn án ngữ nhưng nơi này, lực lượng của Trung đoàn 64 đã chốt giữ, chặn đánh địch.

50 năm Chiến thắng Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào: Ký ức Đồi Không tên

Quân giải phóng chiếm công sự của địch để đánh trả đợt phản kích. (Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN)

Chiều tối ngày 13/2 thì địch bỏ chạy, bị ta truy kích, tiêu diệt phần lớn. Ba ngày tiếp theo, quân ta tiếp tục đuổi đánh đám tàn quân Ngụy. Ngày 16/2, ta đã làm chủ hoàn toàn Đồi Không tên, tạo bàn đạp để tiếp tục tiến đánh điểm cao 543, nơi có sở chỉ huy Lữ đoàn dù 3 của Ngụy đang chiếm giữ.

“Bầu trời sáng 13/2 rợp máy bay địch. Nó lờ mờ và từ từ hiện rõ. Những chiếc trực thăng bay rà thấp, to như chiếc thuyền lớn. Gió mạnh từ cánh quạt làm nghiêng ngả các ngọn cây. Chúng lượn vòng tròn rồi đổ quân xuống đồi Không tên, đúng vào đội hình phục kích của Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64. Súng quân ta liên tục bắn vào những toán lính dù. Đạn nổ chát chúa như xé màng nhĩ. Tiếng quân địch rền rĩ kinh hoàng át cả tiếng động cơ, cánh quạt trực thăng...,” ông Phạm Huy Dật nhớ lại.

Nhớ lại việc trận đánh ở Đồi Không tên và điểm cao 543, Đại tá Nguyễn Công Dung (nguyên Phó Cục trưởng Cục quân lực, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) người sỹ quan quân lực năm xưa của Trung đoàn 64 nói rằng, ông cũng như đồng đội Phạm Huy Dật và các chiến sỹ trong Trung đoàn 64 cùng các đơn vị hiệp đồng, phối thuộc khi đó không thể hình dung được, sau này những trận chiến ấy đã đi vào lịch sử.

Đó là hai vị trí trọng yếu, án ngữ, bảo vệ trục đường chiến lược số 9 và khống chế toàn bộ khu vực phía Bắc của Đường 9 từ Quảng Trị tới tận Tập đoàn cứ điểm Bản Đông ở thung lũng Xê Pôn bên nước bạn Lào.

Thắng lợi này trở thành chiến thắng then chốt tại Đường 9-Nam Lào, một chiến dịch có tính xoay chuyển cục diện, một trong những chiến dịch lớn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đặc biệt, Trung đoàn 64 đã tiêu diệt Lữ đoàn 3 dù, bắt sống đại tá Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ và toàn bộ Ban tham mưu cùng hàng trăm tên địch. Sau đó, Trung đoàn 64 do Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến và chính ủy Ðặng Văn Trượng chỉ huy tiếp tục xốc tới Xê Pôn (Lào) phối hợp cùng các đơn vị khác bao vây tiến công dồn dập Tập đoàn cứ điểm Bản Ðông.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 18/3, quân địch phải bỏ Bản Ðông tháo chạy. Nắm bắt thời cơ, bộ đội ta nhanh chóng chuyển sang truy quét địch. Ngày 23/3/1971, Chiến dịch Ðường 9-Nam Lào kết thúc thắng lợi.

Cũng mãi sau này, những người lính quả cảm năm xưa mới biết tường tận về kế hoạch và âm mưu của Mỹ-Ngụy tại khu vực Ðường 9-Nam Lào.

Mùa khô năm 1970-1971, Mỹ-Ngụy đã tổ chức 3 cuộc hành quân quy mô lớn đánh phá tuyến chi viện chiến lược Bắc-Nam, trong đó cuộc hành quân “Lam Sơn-719” đánh phá vào Đường 9-Nam Lào là lớn nhất và thâm hiểm nhất.

“Chúng tính toán nơi đây tập trung nhiều kho tàng, dự trữ chiến lược của ta, là “cuống họng” của đường Hồ Chí Minh, nếu chiếm giữ được địa bàn chiến lược này, chúng chẳng những đe dọa miền Bắc Việt Nam, uy hiếp cách mạng Lào mà còn bịt được “”con đường sống“” của ta vào chiến trường miền Nam, từ đó chặn đứng khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của ta,” ông Nguyễn Công Dung nói.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.