Hồi ức về những ngày đấu tranh ở nhà tù Phú Quốc của cựu binh Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Như những thước phim tài liệu sống động, dòng hồi tưởng của các cựu chiến binh Hà Tĩnh về những ngày bị địch tra tấn man rợ tại nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang) khiến tôi cảm nhận rõ hơn sự hy sinh của thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

“Nếu các ông bắn, tôi cũng phải mở mắt nhìn đất nước tôi trước khi chết”

“Mày vào đây làm gì?”. “Tôi vào đây là để đánh Mỹ”. “Mày bị chúng nó bắt đi lính phải không?”. “Không. Chúng tôi xung phong, tình nguyện lên đường đánh giặc”. “Mày dám tuyên truyền cho cộng sản hả?”. “Sau câu nói, nó dùng báng súng đập mạnh vào mặt khiến tôi ngất lịm” - ông Nguyễn Ngọc Ba kể lại đoạn hội thoại giữa ông và tên lính cộng hòa tại nhà tù Cần Thơ.

Sau 1 tháng tra tấn không khai thác được gì, ông Ba bị địch đưa ra giam tại nhà tù Phú Quốc. 50 năm đã trôi qua (1972 - 2022) nhưng người cựu binh Nguyễn Ngọc Ba (SN 1947, trú thôn Thượng, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) vẫn còn nhớ rõ những ngày tháng đấu tranh với địch trong gông cùm tàn khốc.

Hồi ức về những ngày đấu tranh ở nhà tù Phú Quốc của cựu binh Hà Tĩnh

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Ba (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh).

Ông Nguyễn Ngọc Ba tham gia lực lượng TNXP năm 1968, chiến đấu tại Khe Sanh. Năm 1971, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ lên đường vào Nam chiến đấu tại đơn vị Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325.

Đầu năm 1972, khi đang cùng đơn vị tham gia một trận đánh tại thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), ông Ba bị thương nặng được đưa vào điều trị tại một bệnh viện dã chiến gần biên giới Campuchia. Bệnh viện dã chiến bị lộ, địch mở trận càn, ông Ba cùng 7 đồng đội bị bắt. Sau đó bị đưa ra giam tại nhà tù Phú Quốc.

Thời gian ở nhà tù Phú Quốc là chuỗi ngày địa ngục với các chiến sỹ bị bắt giam. Chúng dùng mọi hình thức tra tấn dã man như: đánh đập, kẹp chân tay, đóng đinh vào đầu gối, nhốt vào chuồng cọp… Riêng ông Ba, kỷ niệm đáng nhớ nhất là một lần khi mới vào nhà tù chưa lâu, ông đem chuyện kể với anh em trong phòng giam về tình hình chiến sự của quân ta, không ngờ bị địch phát hiện.

Ông Ba kể: “Chúng lôi tôi lên phòng đánh đập tra khảo. Chúng bịt mắt, bắt tôi quỳ xuống. Lúc đó tôi cố nhổm dậy nói to: Các ông mở mắt tôi ra, nếu các ông bắn, tôi cũng phải mở mắt nhìn đất nước tôi trước khi chết. Một phát súng vang lên, viên đạn xuyên đầu gối đau nhói khiến tôi khuỵu xuống. Sau đó, chúng nhốt tôi vào chuồng cọp”.

Hồi ức về những ngày đấu tranh ở nhà tù Phú Quốc của cựu binh Hà Tĩnh

Cựu binh Nguyễn Ngọc Ba và vợ là bà Nguyễn Thị Hoa bên bộ sưu tập huân, huy chương được Nhà nước trao tặng về thành tích cống hiến của ông Ba.

Trong thời gian bị giam tại nhà tù Phú Quốc, ông Ba đã cùng đồng đội tổ chức vượt ngục cho 4 đồng chí cùng phòng. “Phòng chúng tôi không thể đào hầm như một số phòng khác bởi bọn địch giám sát rất kỹ.

Do vậy, chúng tôi lợi dụng chiếc thùng phuy làm hố đi vệ sinh chia làm 2 ngăn, ngăn trên đựng chất thải, ngăn dưới cho một đồng chí ngồi vào đó. Đến lịch đi đổ thải, 2 người khỏe mạnh đảm nhận việc gánh thùng phuy có đồng chí của mình đi ra bãi biển để qua mắt địch. Nhờ cách làm này, 4 đồng chí đã vượt ngục thành công” - ông Nguyễn Ngọc Ba kể lại.

Tháng 3/1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông Nguyễn Ngọc Ba cùng các đồng đội được trao trả về miền Bắc an dưỡng. Một năm sau, ông phục viên trở về quê hương. Từ đó đến nay, ông Ba liên tục tham gia lao động sản xuất và công tác xã hội tại địa phương với nhiều vị trí. Năm nay 75 tuổi, ông Ba đang là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Thượng (xã Thạch Hạ).

Hồi ức về những ngày đấu tranh ở nhà tù Phú Quốc của cựu binh Hà Tĩnh

Ông Trương Công Thành (bên trái) - Phó Chủ tịch HĐND xã Thạch Hạ bày tỏ: "Chính quyền xã rất trăn trở việc ông Nguyễn Ngọc Ba dù tham gia kháng chiến chống Mỹ bị thương và bị tù đày nhưng do mất hết giấy tờ nên đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước".

Những ngày không quên

Sinh năm 1944, tháng 5/1965, ông Lê Văn Phước (trú tổ dân phố Trung Quý, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 812, Sư đoàn 324B, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.

Sau một thời gian chiến đấu lập nhiều chiến công, ông được bầu làm Tiểu đội phó Tiểu đội Pháo binh. Tháng 3/1967, sau khi tiêu diệt một tiểu đoàn của địch, đơn vị của ông bị địch tăng cường chi viện quân lực bao vây ném bom tập kích. Trong lúc đang tham gia cứu thương đồng đội, ông Phước bị một mảnh bom ghim vào đầu khiến ông ngất đi và rơi vào tay địch.

Hồi ức về những ngày đấu tranh ở nhà tù Phú Quốc của cựu binh Hà Tĩnh

Cựu binh Lê Văn Phước (TDP Trung Quý, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh).

Tháng 9/1967, sau 6 tháng bị tra tấn ở nhà tù Đà Nẵng, địch đưa ông Phước ra nhà tù Phú Quốc. Tại đây, chúng tiếp tục dùng các cực hình để tra tấn nhưng vẫn không khai thác được gì ở người chiến sỹ cộng sản kiên trung. Tháng 12/1967, ông cùng một đồng đội tổ chức vượt ngục nhưng không thành.

“Chúng tôi đã lên kế hoạch cụ thể nhưng không thể nào vượt qua được lô cốt thép gai cuối cùng. Bị phát hiện, chúng tôi phải chịu những trận đánh đập, tra tấn dã man, nhốt vào chuồng cọp. Nhờ sự đùm bọc của đồng chí, đồng đội trong nhà tù nên mới sống sót” - ông Phước kể.

Trong thời gian này, ở quê nhà, gia đình ông nhận được giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công mang tên liệt sỹ Lê Văn Phước.

Sau 4 năm 7 tháng bị gông cùm tại nhà tù Phú Quốc, ông Phước cùng đồng đội được thả tự do, về miền Bắc an dưỡng.

Hồi ức về những ngày đấu tranh ở nhà tù Phú Quốc của cựu binh Hà Tĩnh

Cựu binh Lê Văn Phước và ông Nguyễn Đình Hòa - Chủ tịch Hội CCB phường Thạch Quý xem lại những hình ảnh về nhà tù Phú Quốc do ông Phước chụp khi trở lại đây năm 2019.

“Không thể tả xiết sự đau đớn tột cùng về thể xác trong những ngày bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc, nhưng đau đớn nhất vẫn là việc phải trực tiếp chứng kiến đồng đội của mình bị địch tra tấn, giết hại. Cũng vì vậy mà khi qua sông Thạch Hãn để trở về bên này, trong niềm vui được tự do, chúng tôi ai ai cũng ngậm ngùi, đau xót khi nghĩ về những đồng đội đã hy sinh anh dũng” - ông Phước rưng rưng kể lại.

Tạm biệt những người lính kiên trung trong một ngày chớm hạ, đâu đó tiếng ve đã râm ran trên những hàng phượng vĩ bắt đầu đơm hoa. Tháng 4 về giữa một Thành Sen khang trang, hiện đại, những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên những con đường, khu phố… lòng tôi bỗng bồi hồi nghĩ đến những hy sinh anh dũng của các bậc cha anh cho hôm nay quê hương, đất nước được thanh bình, hạnh phúc.

Hồi ức về những ngày đấu tranh ở nhà tù Phú Quốc của cựu binh Hà Tĩnh

Thành phố Hà Tĩnh ngày nay. Ảnh: Đình Nhất

Và tôi tin, trong niềm hân hoan chào mừng 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người dân cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng không bao giờ quên những hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề CHIẾN THẮNG 30/4 VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống