Chuyện tình đẹp của vợ chồng cựu chiến binh ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Năm 1971, bà Phan Thị Vân viết đơn tình nguyện nhập ngũ và gặp ông Phạm Anh Quế (cùng ở thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh) trên thao trường trước khi ra trận. 5 năm sau, trong chuyến về phép, ông tình cờ gặp lại bà và cùng nhau xây dựng tổ ấm.

Chuyện tình đẹp của vợ chồng cựu chiến binh ở Hà Tĩnh

Vợ chồng cựu chiến binh Phan Thị Vân và Phạm Anh Quế.

Đất nước chiến tranh, chia tay nhau không lời hẹn ước

Nhớ lại ngày mình xung phong viết đơn tình nguyện đi bộ đội khi tuổi vừa 18, bà Phan Thị Vân (SN 1953, ở tổ dân phố 1B, thị trấn Nghèn, Can Lộc) kể: “Năm 1971, khi tôi vừa hoàn thành chương trình phổ thông cũng là lúc chiến tranh ác liệt. Mặc dù đã có giấy báo trúng tuyển đi học trung cấp cơ khí và trường sư phạm, nhưng tôi chỉ muốn được vào bộ đội để ra chiến trường đánh giặc. Biết mẹ không đồng ý, tôi năn nỉ người bác lúc đó đang là Bí thư Đảng ủy xã Yên Lộc (nay là xã Khánh Vĩnh Yên) thuyết phục mẹ và viết đơn tình nguyện. Cuối cùng mẹ tôi cũng đồng ý”.

Tháng 5/1971, bà Phan Thị Vân nhập ngũ và được biên chế vào Đoàn 22 (Quân khu 4), đóng tại huyện Hương Sơn. Trong những ngày huấn luyện đầu tiên trên thao trường, bà đã gặp chồng mình bây giờ là ông Phạm Anh Quế (SN 1948, quê ở xã Kim Song Trường), lúc đó đang là tiểu đội trưởng, đội huấn luyện tân binh của bà. 3 tháng trên thao trường huấn luyện đầy vất vả nhưng cũng đã để lại cho bà nhiều kỷ niệm và ấn tượng về người “thủ trưởng” hết sức nghiêm khắc nhưng cũng nhiệt tình, ấm áp.

Đợt huấn luyện kết thúc cũng là lúc ông Phạm Anh Quế vào chiến trường miền Nam chiến đấu tại Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3), còn bà được điều sang tỉnh Savanakhet nước bạn Lào làm công tác hậu cần cho Đoàn 22 (Quân khu 4) đang chiến đấu ở đó.

Ông Phạm Anh Quế kể: “Lúc đó, thấy cô ấy nhỏ nhắn mà kiên cường muốn ra trận đánh giặc, tôi đã rất có cảm tình, nhưng xác định mình sẽ vào chiến trường chiến đấu, không biết sống chết thế nào nên tôi vẫn giữ khoảng cách”. Bà Vân cũng cảm nhận được tình cảm của ông nhưng cũng toàn tâm cho mục tiêu ra chiến trường đánh giặc. Đất nước đang chiến tranh, bà Vân và ông Quế chia tay nhau không một lời hẹn ước.

Chuyện tình đẹp của vợ chồng cựu chiến binh ở Hà Tĩnh

Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, vợ chồng ông Quế, bà Vân cùng các cựu chiến binh thị trấn Nghèn ôn lại truyền thống.

Hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc sống thời bình

Tháng 2/1972, sau thời gian chiến đấu ở Lào, bà Phan Thị Vân được điều về đi học ở huyện Thanh Chương (Nghệ An). Một năm sau, bà về Trung đoàn 80 (Quân khu 4) đóng tại Nam Đàn, công tác với vai trò nhân viên báo vụ, đảm bảo thông tin liên lạc giữa các chiến trường và trung tâm chỉ huy). Nhờ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bà được đề bạt giữ vai trò Tiểu đội trưởng, Tiểu đội 3, Đại đội 7, Trung đoàn 80 (Quân khu 4).

Còn ông, trong một trận đánh ở Tây Nguyên trên đường Nam tiến thì bị trúng đạn bị thương. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục vừa điều trị vừa cùng đơn vị tham gia các trận đánh. Sáng 30/4/1975, ông cùng đồng đội Sư đoàn 320 tiến thẳng vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và trưa hôm đó có mặt tại dinh Độc Lập cùng các đơn vị khác giải phóng Sài Gòn.

Chuyện tình đẹp của vợ chồng cựu chiến binh ở Hà Tĩnh

Ông Quế, bà Vân và 3 cô con gái.

Nói về kỷ niệm ngày 30/4/1975, trong lúc ông Phạm Anh Quế cùng đồng đội đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất thì ở Trung tâm Báo vụ Quân khu 4, bà Vân là người nhận ca trực đài thu điện khẩn. Bà Vân kể: “Đầu chiều hôm đó, tin chiến thắng bay về, tôi cùng chị em trong tiểu đội vỡ òa hạnh phúc. Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, điều tôi chợt nghĩ là không biết anh ấy còn sống không?”.

Tháng 2/1976, bà Phan Thị Vân xuất ngũ và chuyển công tác về Hội LHPN huyện Can Lộc. Bất ngờ một ngày vào tháng 10/1976, sau khi rời trụ sở làm việc về khu nhà tập thể của cơ quan thì ông xuất hiện. Sau phút ngỡ ngàng, xúc động, cả hai cùng ôn lại chuyện cũ và kể về quãng thời gian chiến đấu trên chiến trường. Một thời gian sau, ông bà làm đám cưới...

Chuyện tình đẹp của vợ chồng cựu chiến binh ở Hà Tĩnh

Vợ chồng ông Quế, bà Vân cùng 3 con gái và các cháu ngoại của mình trong một chuyến du lịch năm 2019. Ảnh: NVCC

Sau lễ cưới được 1 tháng, ông Quế trở lại đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam, sau đó là biên giới phía Bắc. Năm 1984, ông xuất ngũ với quân hàm đại úy, thương binh hạng 4/4, chuyển công tác về tại Công ty Xuất nhập khẩu Hà Tĩnh và nghỉ hưu vào năm 2001. Ông bà có 3 cô con gái, hiện cả 3 đều tốt nghiệp đại học và làm việc ở các cơ quan nhà nước.

Chuyện tình đẹp của vợ chồng cựu chiến binh ở Hà Tĩnh

Dù nghỉ hưu nhưng nhiều năm nay, với sự ủng hộ của ông Quế, bà Phan Thị Vân vẫn miệt mài với công tác xã hội.

Bản thân bà Phan Thị Vân tiếp tục cống hiến tại Hội LHPN huyện Can Lộc từ năm 1976 đến năm 2008 với vai trò Phó Chủ tịch hội. Quá trình công tác, bà nhiều lần được UBND tỉnh và các cấp, hội tặng giấy khen, bằng khen.

Sau khi nghỉ hưu, với sự ủng hộ của chồng, bà Vân vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội. Hiện bà là Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng TDP kiêm Chi hội trưởng Hội CCB, Chi hội trưởng Nông dân Tổ dân phố 1B (thị trấn Nghèn).

Vợ chồng bà Phan Thị Vân và ông Phạm Anh Quế không chỉ là những người lính có nhiều chiến công trên mặt trận chống Mỹ mà trong thời bình họ cũng không ngừng cống hiến tạo nên những giá trị cho xã hội. Đặc biệt, bà Phan Thị Vân hàng chục năm nay dù nghỉ hưu nhưng vẫn liên tục đảm nhận các vị trí lãnh đạo tại tổ dân phố.

Vợ chồng bà Vân, ông Quế xứng đáng là những CCB gương mẫu luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ trong cuộc sống.

Đại tá Phạm Tiến Thích - Chủ tịch Hội CCB huyện Can Lộc

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.