Người lính già ở Hà Tĩnh đau đáu với hành trình tìm mộ đồng đội

(Baohatinh.vn) - Trở về từ cuộc chiến tranh máu lửa, không yên lòng khi bao đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường xưa, người cựu binh già Vương Khả Khai (SN 1938, ở xã Thạch Liên, Thạch Hà - Hà Tĩnh) vẫn đau đáu với hành trình tìm kiếm các phần mộ liệt sỹ.

Ký ức một thời hoa lửa

Không khó để tôi tìm đến căn nhà nhỏ của cựu chiến binh Vương Khả Khai ở cuối xóm bởi ở đây, không ai không biết đến ông và câu chuyện của người lính già nặng lòng với đồng đội.

Người lính già ở Hà Tĩnh đau đáu với hành trình tìm mộ đồng đội

Ông Khai chia sẻ ký ức về những trận đánh hào hùng.

Trong cuộc trò chuyện, ông say sưa kể cho tôi nghe về những ký ức của một thời thanh xuân sôi nổi đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Năm 1960, ông lên đường nhập ngũ, thuộc quân số của Tiểu đoàn 216 Quân khu 4.

Đơn vị ông được phân công nhiệm vụ chiến đấu tại chiến trường Lào. Ông cùng đồng đội đã chiến đấu anh dũng trong các trận đánh quan trọng để giải phóng nhiều địa phương của Lào như: Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng), thị trấn Mường Mahaxay (tỉnh Khăm Muộn)...

Người lính già ở Hà Tĩnh đau đáu với hành trình tìm mộ đồng đội

Những huân chương cao quý là sự ghi dấu công lao của ông trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Khi đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, tháng 2/1962, ông được xuất ngũ. Đến tháng 4/1965, trong đợt tổng động viên quân lực để phục vụ chiến trường miền Nam, ông xung phong nhập ngũ, vào Trung đoàn 31 F341 Quân khu IV, làm nhiệm vụ đào hầm, làm đường, nhà kho... từ Hương Khê cho đến đất bạn Lào. Gần một năm sau khi hoàn thành đợt huấn luyện đặc biệt, tháng 6/1967, ông và các đồng đội được “đi B dài” (vào chiến trường miền Nam chiến đấu lâu dài - PV).

“Đi B lúc ấy là niềm kiêu hãnh của cán bộ, chiến sĩ vì đó là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả với Tổ quốc. Lúc nhận nhiệm vụ, chúng tôi hiểu cuộc chiến từ nay sẽ bước sang một giai đoạn mới, một chiến trường mới cam go, khốc liệt hơn, nhưng ai nấy đều mang một khí thế, tinh thần hăng hái vô cùng” - ông Khai chia sẻ.

Người lính già ở Hà Tĩnh đau đáu với hành trình tìm mộ đồng đội

Ông Khai và cuốn hồi ký chiến tranh của mình.

Từ chiến trường Quảng Trị đến Quảng Nam, Đà Nẵng, ông Khai đã cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường, lập nhiều chiến công. Trong những trận giao tranh ác liệt đó, ông đã không ít lần bị thương. Ông vinh dự được kết nạp Đảng trong chiến trường; được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang...

“Một thời chiến tranh tàn khốc nhưng cũng là thời của tuổi trẻ sôi nổi, hào hùng và tôi không bao giờ quên được những năm tháng đó” - ông Khai rưng rưng ký ức.

Hành trình đi tìm mộ đồng đội

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Khai trở về quê nhà sống cuộc đời bình dị bên gia đình, vợ con. Nhưng trong sâu thẳm lòng mình, ông chưa bao giờ nguôi nỗi thương nhớ những người đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường xưa.

25 năm sau ngày trở về, ông quyết định đi tìm phần mộ của các liệt sỹ - những người đã cùng ông chiến đấu năm xưa; có cả những người tự tay ông chôn cất. Với đồng lương bệnh binh ít ỏi ngày ấy, ông dồn tất cả làm lộ phí đi đường để vào Quảng Nam bắt đầu hành trình tìm về quá khứ.

Người lính già ở Hà Tĩnh đau đáu với hành trình tìm mộ đồng đội

Với sự ủng hộ của vợ, ông Khai đã kiên trì cùng hành trình đi tìm đồng đội.

Ông kể: “Chuyến đi đầu tiên đó (vào năm 2000) chỉ một mình và tôi dự định tìm mộ người đồng chí thân thiết là Phạm Hùng Tiến (quê xã Sơn Giang - Hương Sơn). Khi vào đó, cảnh cũ người xưa đã đổi thay, nhiều người dân nói với tôi rằng, tìm mộ liệt sỹ khó hơn đãi cát tìm vàng, khuyên tôi chỉ có một mình thì nên bỏ cuộc. Nhưng đã hứa với đồng đội, hứa với lòng mình nên tôi vẫn kiên trì với ý định của mình”.

Trên chiếc xe đạp thuê lại của người dân, ông Khai rong ruổi khắp nơi liên hệ cơ quan chức năng, tìm đến những người đồng đội cũ nhờ phối hợp tìm kiếm. Sau những khó khăn vất vả, những lần đào bới thất bại thì may mắn đã mỉm cười với ông và đoàn tìm kiếm.

Phần mộ liệt sỹ Phạm Hùng Tiến được tìm thấy tại khu vực Ngã ba xã Hòa Khương - huyện Hòa Vang (Quảng Nam). Dù hài cốt không còn nhiều nhưng di vật là tấm dù hoa và chiếc quần dài đặt cạnh chân trái của liệt sỹ (lúc đó liệt sỹ Tiến bị gãy chân, không thể mặc quần) đã được một cựu chiến binh người địa phương có mặt lúc mai táng xác nhận.

Người lính già ở Hà Tĩnh đau đáu với hành trình tìm mộ đồng đội

Những tấm hình ông chụp lại trong các cuộc tìm kiếm phần mộ liệt sỹ.

“Tôi đã khóc vì nhớ thương nhưng đó cũng là lúc tôi hiểu rằng, hành trình tìm đồng đội sẽ không dừng lại ở đây vì còn nhiều người đang chờ mình” - ông Khai xúc động.

Trở về sau cuộc tìm kiếm thành công đó, tiếng gọi của đồng đội vẫn không nguôi thôi thúc ông tiếp tục lên đường. Với sự động viên, hỗ trợ của vợ mình là bà Bùi Thị Vẽ (SN 1936), ông đã tìm đến nhà các liệt sỹ cùng đơn vị quê Hà Tĩnh, Nghệ An để phối hợp với gia đình đối chiếu thông tin, tiến hành tìm kiếm phần mộ.

Những chuyến đi về của ông đã giúp 5 gia đình tìm và cất bốc được phần mộ của người thân: liệt sỹ Phạm Hùng Tiến (Sơn Giang - Hương Sơn), liệt sỹ Trần Thăng Long (Thạch Khê - Thạch Hà), liệt sỹ Trần Đình Kiều (Cẩm Thành - Cẩm Xuyên), liệt sỹ Phạm Minh Khải và Nguyễn Thái Hà (Thạch Kim - Lộc Hà).

Người lính già ở Hà Tĩnh đau đáu với hành trình tìm mộ đồng đội

Ông Khai chia sẻ với phóng viên về hành trình đi tìm đồng đội.

Không chỉ đưa được đồng đội mình về với người thân, ông còn thấy ấm lòng bởi người thân liệt sỹ đều coi ông như người cha, người chú thứ hai.

Bà Trần Thị Lân (thôn Tân Hương - xã Thạch Khê - Thạch Hà) - em gái liệt sỹ Trần Thăng Long chia sẻ: “Nếu không có chú Khai, chúng tôi không thể tìm và đưa được anh trai về an nghỉ tại quê nhà. Gia đình, họ hàng tôi mang ơn chú và luôn coi chú như người thân".

Day dứt vì những người còn nằm lại

Năm nay, ông Khai đã bước sang tuổi 83, dù còn minh mẫn nhưng những vết thương vì bom đạn vẫn hành hạ thân thể ông. Những năm gần đây, tuổi tác, sức khỏe không cho phép ông tiếp tục công việc nghĩa tình, với những người còn nằm lại, ông nặng lòng không thể dứt.

Người lính già ở Hà Tĩnh đau đáu với hành trình tìm mộ đồng đội

Người cựu binh luôn day dứt với những đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường xưa.

Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, người lính già không ít lần rơi nước mắt. Ông khóc nghẹn khi hồi ức của cuộc hành quân cùng cái đói, cái rét giữa đêm giao thừa năm 1969 ùa về: “Đêm đó, đơn vị hành quân cho trận đánh mới. Dừng chân bên bờ suối đón giao thừa, tân binh Nguyễn Văn Lộc (quê Thái Bình) nói với tôi rằng, ước gì giao thừa được ở nhà cùng bố mẹ rồi ôm mặt khóc rưng rức. Khóc xong, Lộc lại bẽn lẽn dặn tôi: “Anh giấu mọi người, đừng nói với ai là em khóc nhé, kẻo em xấu hổ lắm!”.

Không ngờ đó lại là lần cuối cùng tôi và cậu ấy được trò chuyện cùng nhau. Chính tay tôi đã chôn cất người em, người đồng đội yêu quý của mình, vậy mà đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm được cậu ấy”.

Người lính già ở Hà Tĩnh đau đáu với hành trình tìm mộ đồng đội

Cuốn sổ ghi chép lại cẩn thận số điện thoại liên lạc và thông tin cần thiết cho việc tìm kiếm liệt sỹ.

Đã gần 50 năm trôi qua, giờ ông Khai vẫn nhớ rõ mồn một thời gian, địa điểm hy sinh của từng đồng đội, nhưng để tìm kiếm phần mộ là một điều không hề dễ dàng. Sợ rằng, tuổi già sẽ lấy đi ký ức, ông đã ghi chép lại tất cả số điện thoại liên lạc, thông tin về đồng đội, về những chuyến đi tìm mộ và coi đó như “bảo vật”.

“Thỉnh thoảng lại mở ra xem để nhắc nhở mình những phần việc còn dang dở. Thế hệ chúng tôi rồi cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa, phải ghi chép lại để người sau còn biết mà đi tìm họ” - ông Khai lần dở từng trang sổ như nói với chính mình.

Người lính già ở Hà Tĩnh đau đáu với hành trình tìm mộ đồng đội

Tuổi tác, sức khỏe không cho phép ông Khai tiếp tục hành trình

Rời căn nhà nhỏ của đôi vợ chồng người cựu binh già khi bóng chiều đã xế, tôi chợt thấy lòng mình lắng lại những tâm tư. Những câu chuyện cảm động của ông đã cho tôi hiểu hơn về sự mất mát, đau thương của chiến tranh và nỗi cảm phục tình đồng chí, đồng đội thủy chung, son sắt của thế hệ những người đi trước.

Chủ đề CHIẾN THẮNG 30/4 VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

Đọc thêm

Xuân về cùng mùa hoa

Xuân về cùng mùa hoa

Khi thời gian dần dịch chuyển về những ngày cuối cùng của năm cũ cũng là lúc người trồng hoa, chăm bón cây cảnh ở Hà Tĩnh tất bật chuẩn bị cho một mùa xuân mới.
Thú chơi hoa ngày Tết

Thú chơi hoa ngày Tết

Chơi hoa, cây cảnh ngày Tết đối với người Việt, trong đó có người Hà Tĩnh không chỉ là nét văn hóa tao nhã mà còn mang ước muốn hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Chùa Hương Tích sẵn sàng mùa lễ hội

Chùa Hương Tích sẵn sàng mùa lễ hội

Thực hiện mục tiêu thu hút hơn 14 vạn lượt du khách trong năm 2025, các đơn vị quản lý, kinh doanh tại chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) đang tập trung nguồn lực chuẩn bị cho mùa lễ hội.
Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Lời mẹ hát

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Lời mẹ hát

Tiết mục Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Lời mẹ hát. Soạn lời: NSND Nguyễn An Ninh. Biểu diễn: Nghệ nhân Văn Sang - Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh.
Tiết mục ca trù: Làm cho tỏ mặt nam nhi

Tiết mục ca trù: Làm cho tỏ mặt nam nhi

Tiết mục ca trù: Làm cho tỏ mặt nam nhi. Thơ: Nguyễn Công Trứ. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác

Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác

Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác là sự kết nối của Đông và Tây, của các phương pháp cổ truyền và khoa học tiến bộ, của cây cỏ và máy móc, là sự tương đồng và tấm lòng của những bậc lương y, là niềm say mê và trách nhiệm đối với khoa học của những nhà bác học.