Cụ Lâm Đức Chuân (97 tuổi, xã Thượng Lộc, Can Lộc).
Về xã Thượng Lộc trong những ngày địa phương này vừa hoàn thành xây dựng các tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, bên cạnh cơ sở hạ tầng khang trang, tôi ấn tượng với những khu vườn mẫu sum suê cây trái. Điều bất ngờ, trong số 96 vườn mẫu đạt chuẩn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm của xã có sự đóng góp của một cựu binh chống Pháp, năm nay tuổi đã gần “bách niên” là cụ Lâm Đức Chuân.
Sinh năm 1924 trong một gia đình nông dân ở xã Thượng Lộc, từ nhỏ cuộc sống của cụ Chuân chịu nhiều cơ cực. Bố mất khi mới 10 tuổi, mẹ đi lấy chồng, cụ phải đi ở đợ cho địa chủ để sống qua ngày. Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra con đường sáng cho những người cùng khổ như cụ.
Tháng 10/1949, theo tiếng gọi của Tổ quốc, cụ Chuân tham gia nhập ngũ tại Đại đội 2, Tiểu đoàn 237, Trung đoàn 45, Sư đoàn 351. Cụ đã cùng đơn vị chiến đấu trong nhiều chiến dịch, trong đó có chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau 5 năm xây dựng vườn mẫu, đến nay khu vườn rộng 1 ha cam, bưởi của cụ Lâm Đức Chuân cho thu nhập 120 triệu đồng/năm.
Kháng chiến chống Pháp kết thúc, năm 1957, cụ Chuân trở về địa phương tiếp tục tham gia cống hiến với nhiều vai trò, như: Xã đội trưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc. Từ năm 1969 - 1970, cụ Lâm Đức Chuân tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến tại Lào. Năm 1971, cụ trở về tiếp tục gánh vác nhiều vai trò như: Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, Trưởng ban Tín dụng xã Thượng Lộc...
Năm 1995, về nghỉ hưu, cụ Chuân tiếp tục được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Thanh Mỹ trong suốt nhiều năm liền...
Quá trình rèn luyện trong quân ngũ và miệt mài lao động đã giúp cụ Lâm Đức Chuân có sức khỏe dẻo dai. Vào năm 2016, khi xã Thượng Lộc bước vào xây dựng NTM, dù đã ngoài 90 tuổi, cụ vẫn đăng ký xây dựng vườn mẫu, hưởng ứng phong trào chung của xã.
Ông Nguyễn Xuân Diệu - Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: “Ban đầu, khi cụ Chuân đăng ký xây dựng vườn mẫu, chúng tôi cũng khá e ngại. Bởi, dù cụ rất tâm huyết muốn đóng góp cho phong trào chung nhưng tuổi đã cao, con cái phần lớn đều lập nghiệp ở xa. Tuy nhiên cuối cùng cụ Chuân đã làm được”.
Con cái lập nghiệp ở xa, cụ Chuân vừa làm vườn vừa chăm sóc vợ - cụ bà Nguyễn Thị Lan năm nay cũng đã 95 tuổi.
Khu vườn của cụ Lâm Đức Chuân có diện tích 1 ha, trước năm 2016 phần lớn là cây tạp. Bước vào xây dựng vườn mẫu, cùng với sự hỗ trợ ngày công của các đoàn thể, cụ đã cải tạo lại trồng 400 gốc cam, 100 gốc bưởi và 100 gốc chanh. Bắt đầu cho thu hoạch vụ cam, bưởi đầu tiên vào cuối năm 2019, đến nay vườn mẫu của cụ Chuân cho thu nhập 120 triệu đồng/năm.
Hai vợ chồng cụ có 6 người con, 2 trai, 4 gái. Trong đó, ngoài 2 người con gái lấy chồng ở cùng xã, 4 người còn lại đều lập nghiệp ở các tỉnh phía Nam. 2 năm qua, một trong 2 người con trai cụ là ông Lâm Đức Minh (hiện đang sinh sống ở Đắk Lắk) đã tranh thủ thời gian về hỗ trợ cụ Chuân trong việc làm vườn vào thời điểm chăm sóc đầu vụ và giai đoạn thu hoạch.
Một góc NTM xã Thượng Lộc hôm nay
Không chỉ xây dựng vườn mẫu, quá trình địa phương xây dựng NTM, cụ Lâm Đức Chuân cũng đã đóng góp nhiều ý kiến tham mưu với các cấp chính quyền, đồng thời, ủng hộ tiền, vật tư giúp địa phương xây dựng NTM.
Cụ Lâm Đức Chuân chia sẻ: “Cuộc đời tôi có hai điều may mắn. Đó là nhờ cách mạng, từ một người dân nô lệ, tôi được làm một công dân của đất nước độc lập; tuổi trẻ được chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và cống hiến xây dựng đất nước. Và nay đến tuổi này, tôi vẫn còn sức khỏe, nhìn thấy quê hương ngày càng đổi mới. Tôi vẫn mong muốn được cống hiến nhiều hơn”.
Tấm gương của cụ Lâm Đức Chuân khiến chúng tôi vô cùng khâm phục. Không chỉ anh dũng trong chiến đấu, cống hiến trong đời thường, khi về già, cụ Chuân luôn phát huy phẩm chất của Bộ đội cụ Hồ, là một CCB gương mẫu để mọi người noi theo.