Bên trong một quán trà sữa Toco Toco ở Việt Nam (Ảnh: Nikkei Asian Review)
Ở trung tâm thủ đô Hà Nội, một quán trà sữa Ding Tea thường đông đúc khách hàng nữ. Du nhập vào Việt Nam từ cuối năm 2013, sau 5 năm phát triển, từ 1 cửa hàng đầu tiên trên con phố Lê Đại Hành, Hà Nội, cho đến nay, số cửa hàng Ding Tea đã tăng lên đến 200 cửa hàng phủ sóng khắp toàn quốc, trở thành chuỗi cửa hàng trà sữa lớn nhất Việt Nam.
Một cốc trà sữa Ding Tea có giá dao động từ 30.000 đến 60.000 đồng, đắt hơn một tách cà phê. Tuy nhiên, mức giá tương đối cao này không làm giảm đi sức hút của trà sữa đối với học sinh, sinh viên và những người đi làm. Trà sữa Đài Loan có nét giống chè – món tráng miệng truyền thống của người Việt Nam, giúp cho loại đồ uống này dễ dàng được người bản địa đón nhận.
Bên cạnh Ding Tea, Toco Toco – thương hiệu trà sữa của người Việt, cũng là một trong những “ông lớn” trên thị trường này. Cung cấp các sản phẩm với mức giá tương tự Ding Tea, nhiều cửa hàng của Toco Toco được đặt tại các khu vực trung tâm thành phố hoặc gần trường học, hoạt động dưới dạng cửa hàng “take-away” (mang đi).
Nguyễn Bích Ngọc, một nữ khách hàng Hà Nội, cho biết, cô đến Toco Toco ít nhất 3 lần một tuần. Cô không thích vị đắng của cà phê mà chọn trà vì “dễ uống hơn và ngon như món tráng miệng” khi thêm thạch và trân châu.
Việt Nam hiện có 30 thương hiệu trà sữa hoạt động với trên 1.500 cửa hàng, các thương hiệu Đài Loan như Gong Cha và Co Co nằm trong số này.
Doanh số bán trà sữa cũng đang tăng tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ. Co.opmart, một chuỗi siêu thị lớn ở TP HCM, bắt đầu bán trà sữa tại khu vực ăn uống từ tháng 10 năm ngoái. Trà vị hoa quả đang rất đắt hàng tại Citimart, một chuỗi siêu thị thuộc sở hữu của nhà bán lẻ Nhật Bản Aeon. Chuỗi cà phê The Coffee House vừa mở một cửa hàng trà sữa vào tháng 11/2017 và dự kiến sẽ tăng thêm 40 cửa hàng trong năm nay.
Người Việt từng thích cà phê hơn trà kiểu phương Tây được sử dụng trong món trà sữa Đài Loan. Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới sau Brazil. Năm 2017, tiêu thụ cà phê đạt 150.000 tấn trong khi trà chỉ bằng 1/5, với 30.000 tấn. Tuy nhiên khoảng cách đang dần bị thu hẹp, khi doanh thu của các chuỗi cửa hàng trà sữa đang tăng trưởng với tốc độ trên 20% mỗi năm.
Văn hóa quán cà phê được Pháp giới thiệu trong thời kỳ thuộc địa từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Sự phổ biến của các quán cà phê trong nước là một phần di sản của thời kỳ này.
Kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, các sản phẩm nước ngoài lần lượt du nhập vào. Nhiều công ty nước ngoài đã xây dựng sự hiện diện, gây ảnh hưởng văn hóa phương Tây nhiều hơn tại Việt Nam. Trà sữa Đài Loan phù hợp với xu hướng này, giúp tăng sự phổ biến của đồ uống theo phong cách phương Tây trên khắp đất nước.
Sự lan tỏa của cơn sốt trà sữa cũng đến từ số lượng ngày càng tăng những người tiêu dùng có ý thức về sức khỏe. Trong khi hút thuốc lá được cho phép tại hầu hết các quán cà phê truyền thống, điều này không phổ biến tại các cửa hàng trà sữa. Nước trái cây trong trà sữa cũng mang lại cảm giác tốt cho sức khỏe hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể điều chỉnh hàm lượng đường mình muốn trong món đồ uống này.