Cán bộ Ban quản lý KBTTN Kẻ Gỗ thực hiện nhân giống các loài lan.
Để có cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn gen các loài lan, tháng 7/2020, Ban quản lý KBTTN Kẻ Gỗ thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn một số loài lan rừng quý, hiếm và có giá trị kinh tế tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh”.
Đề tài đã xây dựng được vườn lữu trữ và nhân giống lan rừng.
Anh Nguyễn Hữu Sơn - Cán bộ Phòng khoa học bảo tồn và hợp tác quốc tế (Ban quản lý KBTTN Kẻ Gỗ) chia sẻ, hiện nay, nhu cầu thị trường và nguồn lợi kinh tế từ những giá trị (chữa bệnh, thẩm mỹ) của các loài hoa lan mang lại khá lớn. Cùng với thực trạng thiếu việc làm và cuộc sống của người dân vùng đệm còn phụ thuộc nhiều vào nguồn lợi từ rừng là nguyên nhân làm suy giảm quá mức tài nguyên các loài lan phân bố tự nhiên trên địa bàn KBTTN Kẻ Gỗ nói riêng và trong tỉnh Hà Tĩnh nói chung.
Hoa lan vũ nữ chân dài.
Trong khi đó, công tác bảo tồn, lưu trữ, quản lý khai thác và sử dụng chưa được quan tâm đúng mức, chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nên các loài lan dần cạn kiệt và đang có nguy cơ mất nguồn gen. Vì vậy, việc bảo tồn, phát triển nguồn gen các loài lan không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn là cơ sở để tái tạo lại nguồn tài nguyên đang bị khai thác cạn kiệt.
Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã điều tra, thống kê được 28 loài lan thuộc 11 chi tại KBTTN Kẻ Gỗ. Trong đó, 11 loài trước đây đã được ghi nhận có ở KBTTN Kẻ Gỗ (do Trung tâm Môi trường và Phát triển nông thôn - Đại học Vinh ghi nhận năm 2011) và 17 loài lan ghi nhận được trong đợt điều tra này.
Theo đó, có 14 loài được ghi nhận qua quan sát trực tiếp ngoài thực địa; 3 loài được ghi nhận qua mẫu vật lưu giữ tại các hộ dân.
Vườn lưu trữ và nhân giống lan rừng của BQL KBTTN Kẻ Gỗ hiện đang lưu trữ 620 giò/28 loài, qua theo dõi các loài sinh trưởng và phát triển binh thường.
Mặc dù đây chưa phải là danh lục đầy đủ nhất, vì các tuyến điều tra hẹp, theo phỏng vấn còn nhiều loài chưa phát hiện, quan sát ngoài thực tế, tuy nhiên, đã bao hàm những loài lan đặc trưng của các hệ sinh thái ở KBTTN Kẻ Gỗ.
Đáng nói, có 4 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, gồm: lan gấm trung bộ (lan kim tuyến), kiều tím, hạc vỹ, nhất điểm hồng. Riêng lan gấm trung bộ đã được quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP về “Thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và nhiều loài đặc hữu hẹp của vùng Bắc Trung Bộ và của Việt Nam”.
Giò lan xích ngọc kiếm nguyên bản (loài lan hiếm).
Giám đốc Ban quản lý KBTTN Kẻ Gỗ Nguyễn Viết Ninh - chủ nhiệm đề tài cho hay: Chúng tôi đã xác định được bản đồ phân bố, bản đồ điểm nóng các loài lan rừng tại KBTTN Kẻ Gỗ. Theo đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn các loài lan quý hiếm. Ban cũng đã xây dựng được vườn lưu trữ và nhân giống lan rừng rộng 150m2. Hiện tại, số lượng lưu trữ tại vườn là 620 giò/28 loài, qua theo dõi các loài sinh trưởng và phát triển bình thường. Đồng thời, đơn vị triển khai nhân giống bằng phương pháp tách nhánh và thân giả hành, hiện nay, đã nhân giống được 1.380 cây giống/5 loài có giá trị kinh tế cao.
Cây hoa lan kiều tím miền trung - là loài có trong Sách đỏ Việt Nam.
Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, thời gian tới, các ngành chức năng cần thực hiện việc giám sát diễn biến quần thể đối với 2 loài kim tuyến trung bộ và lan kiều tím. Thu thập đúng pháp luật một lượng giới hạn 2 loài lan quý hiếm đề làm nguồn giống, thực hiện nhân giống 2 loài lan quý hiếm phục vụ công tác bảo tồn (phục hồi các quần thể trong tự nhiên) và sản xuất thành hàng hóa nhằm giảm áp lực khai thác của loài này ngoài tự nhiên.
Lan hạc vỹ tại KBTTN Kẻ Gỗ.
Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về nhân giống và gây trồng các loài lan quý hiếm nhằm phục vụ công tác bảo tồn và phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm khu bảo tồn. Theo đó, cần chuyển giao kỹ thuật để người dân vùng đệm khu bảo tồn có thể trồng, nhân giống lan rừng, vừa tạo thu nhập vừa hỗ trợ có hiệu quả cho công tác bảo tồn và phát triển các loài lan quý tại Hà Tĩnh.
Đề tài hiện đã được Hội đồng KH&CN cấp tỉnh đồng ý nghiệm thu, đánh giá, xếp loại đạt yêu cầu. Việc thực hiện đề tài này không những có ý nghĩa về mặt bảo tồn lan rừng mà còn kỳ vọng sẽ có giá trị thiết thực trong việc khai thác phát triển nghề trồng lan để phục vụ nhu cầu của xã hội, giảm áp lực đối với các loài lan trong tự nhiên.