Bệnh viện K dùng robot phẫu thuật, xạ trị ung thư

Bệnh viện K vừa ký kết với Viện Ung thư châu Âu về chuyển giao, đào tạo phẫu thuật bằng robot trong điều trị, phòng chống ung thư.

Robot sẽ hoạt động vào tháng 8 - giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết tại Hội thảo phòng chống ung thư quốc gia diễn ra ngày 18-19/7, tại Hà Nội. Hệ thống phẫu thuật robot là một dạng phẫu thuật xâm lấn tối thiểu thích hợp để can thiệp, cắt bỏ khối u. Robot cho phép thực hiện những thủ thuật chính xác, dễ dàng, hỗ trợ bác sĩ trong việc điều trị ung thư.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá cao về sự phát triển của Bệnh viện K vì đã có nhiều cải tiến kỹ thuật cũng như quá trình ứng dụng công nghệ điện tử để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ung thư. Bệnh viện đã sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ lựa chọn phác đồ điều trị ung thư, xây dựng hệ thống y tế trực tuyến Telemedicine nhằm hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (big data), sử dụng robot trong phẫu thuật và xạ trị ung thư.

Bệnh nhân ung thư thực quản được phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện K. Ảnh: Lê Nga.

Theo Thứ trưởng Tiến, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn cho xã hội. Tại Việt Nam, số ca mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 người năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và đạt gần 165.000 người vào năm 2018. Dự báo con số này sẽ vượt 200.000 ca vào năm 2020.

Tỷ lệ mắc mới ung thư của Việt Nam không phải cao nhất, xếp thứ 99/186 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng tỷ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị trí 56, với tỷ lệ 104/100.000 dân.

"Hiện tại các kỹ thuật của nước ta chưa phải đứng đầu thế giới nhưng đã bắt nhịp. Điều cần quan tâm nhất là người dân thường phát hiện muộn và đến viện muộn dẫn tới tỷ lệ tử vong cao", Thứ trưởng Tiến nhìn nhận.

Giáo sư Trần Văn Thuấn cho biết hơn 70% bệnh nhân ung thư đến bệnh viện ở giai đoạn muộn nên điều trị rất khó khăn. Riêng ung thư gan, ung thư phổi, tỷ lệ điều trị ở giai đoạn muộn lên tới 80-90%.

"Ung thư vú, cách đây 10 năm, tỷ lệ chữa khỏi là 40% thì hiện đạt 75%, tương đương với thế giới. Điều này một phần do người dân đi khám nhiều hơn, phát hiện sớm bệnh", ông Thuấn nói.

Để giảm tỷ lệ tử vong do ung thư, giáo sư Thuấn khuyến cáo người dân cần có thói quen khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm ung thư. Với các trường hợp gia đình có người thân mắc ung thư vú, ung thư đại tràng... cần đi tầm soát ung thư sớm hơn. Để ngừa ung thư, nên ăn uống và sinh hoạt khoa học, tập thể dục đều đặn, tránh hút thuốc, uống rượu bia...

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói