Bộ hài cốt hơn 7.000 năm tuổi tại Indonesia hé lộ lịch sử loài người

Bộ hài cốt cuộn theo tư thế bào thai và được chôn cất cách đây khoảng 7.200 năm, được phát hiện ở một hang động đá vôi tại tỉnh Nam Sulawesi của Indonesia vào năm 2015.

Bộ hài cốt hơn 7.000 năm tuổi tại Indonesia hé lộ lịch sử loài người

Các nhà khảo cổ phát hiện bộ hài cốt ở một hang động đá vôi tại tỉnh Nam Sulawesi (Indonesia) vào năm 2015. (Nguồn: taylordailypress.net)

Một nhóm nghiên cứu quốc tế, do các nhà khảo cổ học Australia dẫn đầu, đã tiến hành phân tích mẫu AND thu được từ một bộ hài cốt có niên đại hơn 7.000 năm tuổi ở Indonesia. Kết quả phân tích đã hé lộ cách thức mà loài người có thể đã di cư đến Australia từ rất sớm.

Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature ngày 25/8, bộ hài cốt nói trên xác định là của một thiếu nữ khoảng 17-18 tuổi. Các nhà khảo cổ phát hiện bộ hài cốt này ở một hang động đá vôi tại tỉnh Nam Sulawesi, Indonesia, vào năm 2015.

Bộ hài cốt được cuộn theo tư thế bào thai và được chôn cất cách đây khoảng 7.200 năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy đây là bộ hài cốt đầu tiên được tìm thấy từ nền văn hóa cổ đại mang tên Toalean và nền văn hóa này chưa từng được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Theo Giáo sư khảo cổ học Adam Brumm tại Trung tâm Nghiên cứu sự tiến hóa con người của Đại học Griffith, người Toalean là tộc người săn bắn hái lượm ban đầu sống ẩn dật trong các khu rừng ở Nam Sulawesi từ khoảng 8.000 năm trước cho đến 1.500 năm trước.

Họ săn lợn rừng và bắt các loài giáp xác ở các con sông. Họ đã tạo ra những công cụ bằng đá rất đặc biệt, trong đó có cả những đầu mũi tên nhỏ. Những công cụ này được gia công khá kỹ và cho đến nay chưa tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên đảo hoặc trên toàn lãnh thổ Indonesia.

Kết quả phân tích gene cho thấy bộ hài cốt có khoảng 50% cấu tạo gene giống với người Australia bản địa ngày nay và những người ở Papua New Guinea - một quốc đảo cách Australia khoảng 150km về phía Bắc.

Giáo sư Brumm cho biết hàng nghìn năm trước, khi mực nước biển thấp hơn nhiều so với ngày nay, Australia và Papua New Guinea là một phần của vùng đất được gọi là Sahul - siêu lục địa xuất hiện trong kỷ Pleistocene (Kỷ Băng hà).

Những người đi biển, săn bắn hái lượm là những cư dân sớm nhất của Sahul. Để đến được Sahul, những con người tiên phong này đã vượt đại dương, nhưng hiện có rất ít tài liệu về hành trình của họ.

Bằng chứng sớm nhất về sự xuất hiện của con người ở khu vực ngày nay là Australia có từ cách đây 65.000 năm. Các nghiên cứu cho thấy tổ tiên của thiếu nữ nói trên có thể nằm trong số những người đầu tiên thực hiện hành trình xuyên đại dương.

Giáo sư Brumm nhấn mạnh việc phát hiện bộ hài cốt thiếu nữ này và ý nghĩa về tổ tiên của cô cho thấy ngày nay chúng ta vẫn biết rất ít về lịch sử loài người và việc khám phá kho tàng lịch sử đó là vô hạn.

Theo Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.