Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

Mùa giải 2022/23 đánh dấu 10 năm Manchester United không thể vô địch Premier League. Lần gần nhất Man Utd đăng quang đã từ năm 2013. Đối với bất kỳ đội bóng nào khác, một thập niên không danh hiệu chắc chắn dẫn đến sự sa sút và sụp đổ không chỉ trên sân cỏ mà cả khía cạnh kinh tế. Duy chỉ có Man Utd là ngoại lệ. "Quỷ đỏ" thành Manchester vẫn cứ là đề tài tranh luận hấp dẫn bậc nhất địa hạt túc cầu.

Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

Doanh thu của Quỷ đỏ vẫn thuộc “hàng top” CLB làm ăn thành công nhất. Cho dù vậy, bất chấp hiện tượng kỳ khôi và kỳ vĩ ấy, Man Utd sẽ chẳng thể mãi “ăn mày dĩ vãng”.

Nếu Man Utd thất bại thêm 10 năm nữa, chẳng ai hình dung sự sụp đổ khủng khiếp nào sẽ đến với đội bóng này, nhất là khi thế hệ người hâm mộ cũ đang già đi cùng ký ức về kỷ nguyên Sir Alex Ferguson.

Dưới đây là góc nhìn tổng quan về 10 năm khủng hoảng và hỗn loạn của Man Utd qua ngòi bút của những cây viết Sky Sports. Cười hoặc khóc, tùy thuộc vào tình yêu bạn dành cho đội bóng này!

Khi Robin van Persie nã cú hat-trick vào lưới Aston Villa (trong đó có tuyệt phẩm vô lê chẳng biết ai còn nhớ ai đã quên) để mang về chức vô địch bóng đá Anh thứ 20 cho Man Utd trong mùa giải cuối cùng của Sir Alex Ferguson, ít ai ngờ đội bóng này sẽ phải chờ đợi hơn một thập niên cho chức vô địch tiếp theo.

Trong diễn ngôn chia tay, huyền thoại người Scotland kêu gọi “người hâm mộ hãy ủng hộ vị tân huấn luyện viên trưởng của chúng ta” và nhắc nhở về sự kiên nhẫn mà cổ động viên (CĐV) đã dành cho ông vào những thời khắc khó khăn.

Kể từ đó, Man Utd đã sử dụng 5 huấn luyện viên (HLV), 2 Giám đốc điều hành, chỉ có chủ sở hữu là không đổi. Đội chủ sân Old Trafford đã chi 1,43 tỷ bảng vào thị trường chuyển nhượng và 40 triệu bảng cho các HLV trong khi nợ gần 1 tỷ bảng. Tuy nhiên, điều đáng nói, Man Utd không một lần đăng quang Premier League.

Từ phương châm “tấn công, tấn công, tấn công” đến “sa thải, sa thải, sa thải”, gã khổng lồ của bóng đá Anh rơi vào tình trạng khủng hoảng bản sắc nghiêm trọng thời hậu Sir Alex.

Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

“Lần đầu ngồi vào chiếc ghế này cảm giác lạ lắm”, David Moyes bộc bạch khi nhậm chức HLV Man Utd vào tháng 7/2013. “Tôi chỉ thử ngồi khi chẳng có ai nhìn. Tôi phải xem cảm giác này như thế nào nhưng không muốn ai nhìn thấy rồi nghĩ tôi bị ngớ ngẩn”. Hình ảnh “Người được chọn” ngồi trong căn phòng làm việc cũ của Ferguson sẽ trở thành biểu tượng giễu nhại cho nhiệm kỳ ngắn ngủi của ông tại Old Trafford.

Khá chậm trễ, Moyes nhận ra mọi hành động của ông đều nhận sự chú ý kỹ lưỡng. Chỉ vài tuần sau khi nhậm chức, trong chuyến du đấu trước mùa giải mới, người kế nhiệm của Sir Alex giống như con cá mắc cạn.

Ông dẫn toàn đội Man Utd đến bãi biển Bondi, Sydney để tập luyện tương tự cách vẫn làm ở Everton bình phàm. Kết quả là người dân vây kín lấy những nhà vô địch Ngoại hạng Anh. Có thông tin cho rằng vài cầu thủ Man Utd phải trèo trên sân thượng một hộp đêm để tránh sự hiếu kỳ.

Đánh giá tổng quan, Moyes không chỉ tạo ra sự hỗn loạn tại Man Utd mà còn kế thừa sự hỗn loạn vốn có dưới sự nhào nặn của Ed Woodward, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành đội bóng.

Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

Woodward nắm tường tận thảm họa của Moyes trong mùa hè đầu tiên tại Man Utd, khi nhà cầm quân người Scotland này không đủ sức hút để tranh giành những bản hợp đồng đẳng cấp thế giới như Gareth Bale của Tottenham hay Cesc Fabregas của Barcelona.

Vị Phó Chủ tịch của Man Utd lại khiến mạng xã hội một phen dậy sóng vào tháng 7/2013 khi thông báo ngắn gọn rằng ông sẽ quay lại Anh sau chuyến du đấu ở Sydney vì “sự cấp thiết của kế hoạch chuyển nhượng”. Nhiều tuần trôi qua, Woodward cũng chẳng ký được bản hợp đồng nào ra hồn.

“Với chúng tôi, những nhà báo, đề tài này thật hấp dẫn để khai thác”, nhà báo Jackson chia sẻ. “Nhưng tại sao lại tiết lộ thông tin như thế? Chẳng bao giờ thấy ông ta trong chuyến du đấu nữa. Woodward hơi ngây thơ. Mùa hè ấy, Man Utd săn đuổi mọi ngôi sao. Như một trò hề”.

Sau 47 ngày đồn đại và hoài nghi, Woodward ký hợp đồng với Marouane Fellaini trong ngày cuối chuyển nhượng. Thay vì chấm dứt những trò chọc giận người hâm mộ, Woodward bây giờ lại trở thành chủ đề để cười nhạo. Đó là cách làm việc của những người quản lý mới ở Manchester United.

“Cuộc gọi từ Man Utd là điều mọi đội bóng đều trông chờ”, Gary Neville, cựu thủ quân Man Utd, miêu tả. “Ai cũng muốn Woodward gọi vì biết rằng sẽ nhận được khoản tiền rất lớn cho cầu thủ ông ta muốn chiêu mộ”.

Moyes không bao giờ lấy lại được danh tiếng từ mùa hè bi kịch ấy. Cựu HLV Everton xây dựng uy tín bằng lối chơi thực dụng, nhưng chỉ chừng đó thôi là không đủ cho Man Utd. Vị chiến lược gia người Scotland chỉ giành một chiến thắng trước Big Six. Man City và Liverpool rời Old Trafford với 3 bàn thắng trong khi West Brom và Everton lần lượt giành chiến thắng đầu tiên trên sân Man Utd sau 35 năm và 21 năm. Nhà hát của những giấc mơ trở thành Nhà hát kinh hoàng bị ma ám.

Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

“Người được chọn” kế nhiệm Sir Alex đánh mất hết niềm tin từ cầu thủ và Man Utd kết thúc mùa giải với “thành tích” lần đầu tiên không giành vé dự Cúp châu Âu kể từ năm 1980. Phải chăng Moyes kế thừa đội bóng đang sa sút? “Thật vớ vẩn”, Rene Meulensteen, trợ lý của Ferguson từ 2007-2013, quả quyết. “Các cầu thủ không thể trở nên tồi tệ chỉ sau một đêm. Đó là hậu quả của sự thay đổi sai lầm. Tôi không nghĩ rằng họ lường trước được hết tình hình”.

Mọi chuyện có thể đã khác nếu Moyes gặp nhiều may mắn hơn tại League Cup. Man Utd bị Sunderland đánh bại trong trận bán kết ngay tại Old Trafford, sau loạt đá luân lưu giàu tính giải trí. Thời khắc tuyệt vời hiếm hoi của Quỷ đỏ dưới sự dẫn dắt của Moyes chỉ đến từ Champions League. Đỉnh cao là cú sút sấm sét của Patrice Evra đưa Man Utd vượt lên dẫn trước Bayern Munich tại tứ kết. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc ấy chỉ kéo dài ngắn ngủn 73 giây, trước khi Hùm xám gỡ hòa và loại Quỷ đỏ khỏi đấu trường danh giá nhất châu Âu.

“Tử thần” ghé đến triều đại của Moyes trong chuyến hành quân thật trùng hợp đến Goodison Park, sân nhà của Everton. Man Utd để thua 0-2 và khuôn mặt nhợt nhạt, vô hồn như “chờ chết” của vị chiến lược gia người Scotland trở thành đề tài giễu nhại của người hâm mộ. Moyes bị sa thải sau tròn 50 trận, cho dù hợp đồng có thời hạn tận 6 năm.

“Đó là khoảnh khắc tồi tệ nhất thập kỷ”, Neville bình luận. “Trao cho HLV bản hợp đồng 6 năm, dù đúng hay sai, rồi sa thải ông ta sau 8 tháng, đối với tôi đều là dấu hiệu cho kỷ nguyên tăm tối”. Những lời kêu gọi của Ferguson dành cho người kế nhiệm đã không còn giá trị. “Người được chọn” hóa ra là “Người bị chọn nhầm”.

Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

Louis Van Gaal như một ông giáo làng. Mọi cử chỉ của vị chiến lược gia người Hà Lan luôn mực thước. Hiếm khi ông biểu lộ cảm xúc hay có những hành vi thái quá trước đám đông. Van Gaal có niềm tin sắt đá vào triết lý ông theo đuổi. Mọi chỉ dẫn xáo trộn chiến thuật đều khi lâm trận đều thừa thãi. Vì thế, nếu Van Gaal lao ra đường biên như một thầy hiệu trưởng khả kính, cả Old Trafford biết điều kinh khủng gì sắp xảy đến. Lão đồ gàn này đã không nhẫn nhịn được nữa. Nhưng không ai mong đợi điều đó xảy ra.

Khi Van Gaal nằm lăn dưới chân Mike Dean, vị trọng tài thứ tư, và diễn lại pha ăn vạ của Alexis Sanchez bên phía Arsenal bằng cách ngã vật ra sân, mọi con mắt từ cầu trường đến cả thế giới bóng đá đều đổ dồn vào ông. “Trông ông ta thật vui nhộn”, nhà báo Jackson bình phẩm. “Với những cây bút, Van Gaal là bụi vàng. Ông ta lôi cuốn và vui nhộn. Một phong cách rất Van Gaal khiến bạn không thể nhịn cười”.

Hình ảnh hài hước và kỳ khôi của Van Gaal lan đi như địa chấn và gây nhiều tranh cãi. Ngay trong khoảnh khắc ấy, đằng sau gương mặt đăm chiêu đặc trưng của HLV Arsene Wenger là phản ứng đối nghịch trên khán đài. Có người vỗ tay tán thưởng nhưng cũng đầy người tỏ ra ngạc nhiên và khó chịu.

Số phận của Man Utd có lẽ đã khác nếu Woodward kiên định với kế hoạch ban đầu. Vị Phó Chủ tịch này đã cố gắng ký hợp đồng với Jurgen Klopp từ Dortmund. Tuy nhiên, đề nghị rằng Old Trafford là “vùng đất vui nhộn của người lớn” không đủ thuyết phục nhà cầm quân tài ba người Đức.

Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

“Là CLB giàu có nhất hành tinh và thừa thãi nguồn lực nhưng lại không chiêu mộ được những nhà cầm quân ưu tú như Pep Guardiola hay Klopp thì có gì đó sai sai ở đây”, Jackson tiếp tục. “Điều đó phản ánh sự yếu kém trong quản lý từ trên xuống dưới!”.

Van Gaal được xem là lựa chọn tối ưu tiếp theo và trở thành HLV của Man Utd vào tháng 7/2014. Moyes quá thiếu kinh nghiệm dẫn dắt đội bóng lớn nhưng Van Gaal lại quá cũ kỹ. Trong khi Moyes lẩn tránh “ánh đèn sân khấu”, sức hút của Van Gaal được khai thác tối đa. Sự kiêu hãnh của vị chiến lược gia người Hà Lan không kém cạnh Man Utd. Thế nên khi đặt chân đến “vùng đất vui nhộn”, ông mạnh miệng tuyên bố: “Có thể đây là đội bóng lớn. Không chỉ về mặt thể thao mà cả thương mại. Tôi phải thích nghi với CLB này, nhưng tôi nghĩ CLB này cũng phải thích nghi với Louis van Gaal”.

Dù Van Gaal không ưa đội bóng bị biến thành cỗ máy in tiền, song đó trở thành điều kiện để ông đốt tới 281,5 triệu bảng trong 2 năm. Tính cả lạm phát, con số ấy tương đương 400 triệu bảng vào thời điểm hiện tại.

Tuy chi rất nhiều tiền nhưng lối chơi của Man Utd dưới thời Van Gaal rất nhàm chán, đơn điệu với những đường chuyền ngang “tẹt ga”, hay bị cộng đồng CĐV chế giễu là lối chơi “taca-dada” (tạt cánh, đánh đầu). Vị chiến lược gia người Hà Lan lý giải rằng do không có được những cầu thủ như mong muốn nên mới sinh ra lối chơi nhạt nhẽo. Nhưng thực tế, ông ứng xử với các cầu thủ chẳng khác nào những đứa trẻ. Bản năng của các cầu thủ bị Van Gaal vùi dập bởi cách “gõ đầu trẻ” cứng nhắc nhằm nhồi nhét triết lý cũ kỹ của bản thân.

“Đó không phải công thức phù hợp cho Manchester United”, Meulensteen đưa ra quan điểm. “Ông ta rất thực dụng, đưa ra nhiều chỉ dẫn cho các cầu thủ, điều này ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo và cảm hứng trình diễn của họ. Phong cách này đối nghịch hoàn toàn đội bóng của Sir Alex”.

Van Gaal hơn Moyes ở chỗ giành được suất dự Champions League với vị trí thứ tư ở mùa giải đầu tiên. Tuy nhiên, vị chiến lược gia người Hà Lan cũng trải qua nỗi ê chề như người tiền nhiệm. Thảm bại 0-4 trước MK Dons, một đội bóng League One sẽ găm sâu trong ký ức người hâm mộ như một trong những kết quả tệ hại nhất thời hậu Ferguson.

Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

Sự tương tác phần nào bù đắp cho phong cách dẫn dắt buồn ngủ của Van Gaal. Nhà cầm quân này đã nổi đóa với Rafa Benitez sau khi bị Sam Allardyce chỉ trích chỉ biết chơi bóng dài và mang số liệu thống kê đến buổi họp báo để chứng minh tại sao HLV của West Ham đã sai.

Ngay cả nhân viên phụ trách truyền thông của Man Utd, bà Karen Shotbolt, người ngồi cạnh Van Gaal trong buổi họp báo cũng phải nhăn mặt ngán ngẩm.

Ức chế với phương pháp huấn luyện của Van Gaal, một làn sóng ra đi xuất hiện trong mùa hè thứ hai của vị chiến lược gia người Hà Lan tại Old Trafford. Angel Di Maria, bản hợp đồng kỷ lục của CLB với trị giá 60 triệu bảng chuyển sang PSG với vỏn vẹn 4 bàn thắng cùng sự bức xúc với Van Gaal.

“Ông ta là HLV tồi tệ nhất trong sự nghiệp của tôi”, tiền vệ người Argentina cho biết. “Tôi sẽ ghi bàn, kiến tạo và hôm sau, lão ta chỉ dạy rằng những đường chuyền của tôi không đúng chỗ”.

Woodward cũng bị chỉ trích vì ký hợp đồng với Bastian Schweinsteiger trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm đó. Trước khi gia nhập Man Utd, Schweinsteiger chỉ thi đấu 13 trận tại Bundesliga trong 2 năm cuối đầy sóng gió tại Bayern Munich.

Chức vô địch FA Cup không đủ cứu vãn Van Gaal vì không thể giành vé dự Champions League. Di sản hiếm hoi của Van Gaal tại Old Trafford là sự xuất hiện của Marcus Rashford. Câu chuyện cổ tích đầy mộng mơ về sự xuất hiện của biểu tượng mới khi Wayne Rooney dần sa sút là chút bấu víu cho người hâm mộ. Woodward ký quyết định sa thải “ông đồ gàn” cùng ngày toàn đội ăn mừng tại Wembley. Tiền bây giờ đáng giá hơn danh hiệu. Con quái vật in tiền Van Gaal luôn kinh sợ rốt cuộc đã nhai nát và nhổ sự nghiệp của ông ra khỏi “vùng đất vui nhộn” Man Utd.

Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

Sau khi Man Utd đánh bại Ajax để vô địch Europa League vào năm 2017, hình ảnh Mourinho ôm Paul Pogba, cầu thủ đắt giá nhất thế giới, trở thành biểu tượng của hy vọng cho tương lai.

Man Utd liên tục mắc kẹt ở vị trí thứ 6 trong mùa giải đầu tiên dưới sự dẫn dắt của Mourinho (2016-2017), với lão tướng 35 tuổi Zlatan Ibrahimovic lĩnh ấn tiên phong. Nhưng với 2 chiếc cúp, là 3 theo cách tính cả Community Shield của Người đặc biệt, mọi chỉ trích tan biến. Đây được xem là nền tảng cho điều gì đó đặc biệt. 2 danh hiệu này sẽ là bệ phóng. Song, Man Utd không giành thêm danh hiệu nào nữa trong 6 năm tiếp theo.

Đêm đó tại Thụy Điển, Mourinho phải cắn răng chịu đựng. Man Utd giành chiến thắng trước Ajax theo phong cách quen thuộc của Người đặc biệt. Peter Bosz, HLV Ajax chỉ trích chiến thuật “bóng dài” của Mourinho nhưng nhà cầm quân người Bồ Đào Nha chẳng thèm đoái hoài. “Có nhiều thi sĩ trong bóng đá”, ông nói. “Nhưng các thi sĩ không giành được nhiều danh hiệu”.

“Khoảnh khắc tuyệt vời nhất từ khi Sir Alex nghỉ hưu là chức vô địch Europa League”, Meulensteen đưa ra quan điểm. “Rốt cuộc danh hiệu chính là thứ Man Utd hướng đến. Chiến thắng là trên hết. Mourinho không ngừng giành chiến thắng trong cả sự nghiệp. Vấn đề là ông ấy cần kết hợp giữa phong cách và cùng thành tích. Việc này gây ra những khó khăn”.

Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

Man Utd kết thúc mùa giải thứ hai bằng ngôi á quân Premier League, với 19 điểm kém hơn Man City của Pep Guardiola. Mourinho vẫn gọi đó là thành tựu vĩ đại nhất của ông ở Old Trafford. Tuy nhiên, lối chơi “chúng ta chống lại họ” của vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha dần hết hạn sử dụng. Mourinho dần trở nên cô độc trong cái “chúng ta” vì những hành xử khó lường của ông khiến những người chung quanh xa lánh.

“Người đặc biệt” say sưa phàn nàn trong 12 phút để bảo vệ thành tích bản thân sau khi chịu chỉ trích vì Man Utd bị Sevilla loại ở vòng 1/8 Champions League. Ông nói với các học trò rằng họ cần phải trưởng thành và lý giải việc Man Utd bị loại sớm chẳng có gì bất ngờ nếu nhìn vào thành tích gần đây của đội bóng tại đấu trường châu Âu.

“Lúc ấy, tôi thực sự thất vọng về Mourinho”, Meulensteen nói. “Ông ta là HLV ở CLB hàng đầu thế giới và cứ mỗi lần họp báo, ông ta lại nói như thể đang gánh chịu công việc tồi tệ nhất hành tinh”.

Từ hậu trường, mối quan hệ giữa Mourinho và Woodward cũng dần xấu đi. Quyết định chiêu mộ Victor Lindelof thay vì Virgil van Dijk nhằm cắt giảm chi phí là vết nứt đầu tiên. Họ sẽ còn tranh cãi về tương lai của Antony Martial trong mùa hè cuối cùng của “Người đặc biệt” tại Old Trafford.

Mặc dù Woodward gật đầu không chớp mắt để chi 500.000 bảng mỗi tuần cho Alexis Sanchez, Mourinho không bao giờ sử dụng hiệu quả cựu tiền đạo Arsenal, cầu thủ có màn trình diễn ấn tượng nhất trong màu áo Man Utd từ cây đàn dương cầm.

Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

Mourinho tiếp tục gây mất lòng nhiều thành viên của Man Utd và tạo ra chia rẽ. Uy tín của “Người đặc biệt” chạm đáy khi mối thù hận giữa ông và Pogba bị phát hiện. Hình ảnh Pogba lườm Mourinho phủ định khoảnh khắc ôm nhau ăn mừng vô địch Europa League.

Tận cùng bĩ cực và bất lực của Mourinho dĩ nhiên vẫn được thể hiện trong phòng họp báo. Sau thất bại 0-3 ngay tại Old Trafford trước Tottenham, Mourinho đã giơ ra 3 ngón tay và hỏi tay phóng viên: “Cậu có biết kết quả là gì không? 3-0! 3-0! Cậu có hiểu ý nghĩa là gì không? 3 cũng là số chức vô địch Premier League của tôi. Tôi vô địch còn nhiều hơn 19 HLV còn lại. 3 cho tôi và 2 cho họ (Pellegrini và Pep Guardiola). Tôn trọng, tôn trọng, hãy tôn trọng”. Ông nói và bỏ đi.

Không lâu sau, Mourinho ra đi theo cách bế tắc và bực bội như cái cách rời phòng họp báo, sau thất bại 1-3 trước Liverpool. Man Utd chấp nhận chi 14 triệu bảng đền bù hợp đồng để Mourinho không còn xuất hiện ở Old Trafford.

Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

Sau khi Mourinho bị sa thải, Solskjaer được tung vào vị trí HLV trưởng (tháng 12/2018) hệt như cái cách ông được Sir Alex tung vào sân trong những phút giây lịch sử của trận chung kết Champions League 1999.

Và vẫn đúng vai trò “siêu dự bị”, Solskjaer lấp đầy những khuyết thiếu khi thay thế Mourinho. Vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha đã khiến bầu không khí Old Trafford trở nên quá độc hại và huyền thoại người Na Uy xuất hiện như lời nhắc nhở về khoảng thời gian tươi đẹp trước đây.

Bất chấp khó khăn, Solskjaer giúp Man Utd trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử Champions League ngược dòng thành công trong thế bị dẫn 2 bàn sau trận lượt đi trên sân nhà. Ông cũng giành chiến thắng 14 trên tổng số 17 trận trong vai trò HLV tạm quyền sau khi đánh bại PSG.

Evra và Pogba nô đùa ăn mừng ngay trong khu vực khán đài VIP của sân Công viên các Hoàng tử. Sir Alex và Eric Cantona xuất hiện trong phòng thay đồ để chia vui. Sự pha trộn mãnh liệt của hoài niệm khiến nhiều người tin Solskjaer sẽ tái sinh kỷ nguyên vàng son của Ferguson. Cựu trung vệ Rio Ferdinand còn quả quyết Man Utd phải ký hợp đồng với Solskjaer bằng bất cứ giá nào và tuyệt đối tin tưởng Quỷ đỏ sẽ trở lại.

Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

Phát ngôn của Ferdinand sau này được phát đi phát lại hàng triệu lần để giễu nhại vì đó là phán quyết sai lầm. Mọi nhận định được đưa ra khi phấn khích tột độ thường đem đến thất bại hoàn toàn. Man Utd chỉ thắng 2 trong số 12 trận còn lại trong mùa giải, bao gồm thất bại trước Barcelona tại tứ kết Champions League. Đội bóng chỉ kết thúc ở vị trí thứ 6 chung cuộc tại Premier League nhưng Solskjaer vẫn được ký hợp đồng dài hạn.

“Ban đầu tôi nghĩ,”Cái quái gì đang xảy ra vậy?“. Đây là Manchester United”, nhà báo Jackson chia sẻ. “Nhưng quả thực tôi cũng bị ấn tượng bởi sức hút từ Solskjaer. Ông ta tới đây và không hề sợ hãi. Người hâm mộ yêu mến ông ấy, không chỉ vì bàn thắng vào năm 1999. Ông ấy chơi bóng theo phong cách Man Utd, khá hỗn loạn trên mặt trận tấn công. Ông ấy luôn vội vã”.

Solskjaer là HLV đầu tiên của Man United thiết lập kế hoạch chuyển nhượng rõ ràng khi tìm cách xây dựng đội bóng chơi phản công, dựa trên nòng cốt là những cầu thủ trẻ người Anh. Khoản tiền lớn để chiêu mộ Harry Maguire (80 triệu bảng) và Aaron Wan-Bissaka (50 triệu bảng) phải trả giá đắt.

Ký hợp đồng với Bruno Fernandes (67,7 triệu bảng) mới là phát hiện lớn. Đánh giá về Bruno, Gary Neville nhận định: “Trong 10 năm qua, xét về cách thể hiện, kiến tạo và ghi bàn, cậu ấy chính là bản hợp đồng thành công nhất. Cậu ấy biến đội bóng dưới thời Solskjaer trở nên có vẻ đáng sợ”.

Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

Vị thế huyền thoại giúp chiến lược gia người Na Uy có được sự kiên nhẫn, điều những người tiền nhiệm không có. Cơn thịnh nộ được chuyển sang nhà Glazer và Woodward. Cấu trúc ọp ẹp của ban lãnh đạo Man Utd cùng sự thờ ơ từ giới chủ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Việc tham gia xây dựng kế hoạch giải đấu ly khai European Super League càng làm đổ thêm dầu vào lửa. Ngay cả Woodward cũng phản đối với kế hoạch của nhà Glazer và từ chức.

Bất chấp căng thẳng gia tăng và ảnh hưởng của đại dịch Covid, sự ổn định ở mức thấp của Man Utd cho thấy khả năng của Solskjaer chỉ có vậy. Dưới thời nhà cầm quân người Na Uy, Quỷ đỏ luôn giành vé dự Champions League nhưng chưa bao giờ vượt qua vòng bảng. Ngoài ra, Man Utd cũng không giành được danh hiệu nào. Thất bại tại chung kết Europa League 2021 sau loạt đá luân lưu với Villarreal chứng minh cho sự hạn chế của Solskjaer.

Sự cám dỗ từ doanh thu và số lần nhấp chuột trên mạng xã hội quá lớn khiến nhà Glazer không thể khước từ Cristiano Ronaldo đã 36 tuổi vài tháng sau. Đề nghị từ Man City phóng đại thêm về chiến tích chiêu mộ thần tượng cũ đã giành 5 Quả bóng vàng.

Song, bản hợp đồng với Ronaldo đã định đoạt số phận Solskjaer. Cảm xúc về sự trở lại của Ronaldo làm xua tan lý trí. Giống như cuộc gặp gỡ với Solskjaer, ký ức ngự trí trong trí óc và CĐV Man Utd đắm chìm trong hào quang rực rỡ của ngày hôm qua. Tuy nhiên, thực tế sự già nua và thiếu cơ động của Ronaldo đồng nghĩa Solskjaer phải điều chỉnh cả hệ thống. Hiện thực trở nên tồi tệ khi những thảm bại trước Liverpool và Watford tiễn Solskjaer khỏi vị trí người cầm lái. Siêu dự bị đã không còn kiểm soát được chiếc vô lăng.

Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

Khi Ten Hag đứng dậy rời phòng họp báo sau trận chung kết tại Wembley, ông bỏ quên một thứ: Chiếc Cúp Carabao, danh hiệu đầu tiên của Man Utd sau 6 năm chờ đợi. Nhìn thấy vậy, cánh phóng viên bật cười khúc khích. Tiếng cười khiến Ten Hag sực nhớ và ông nhún vai rồi nở nụ cười tinh quái: “Tôi có thể bỏ chiếc Cúp này lại đây vì chúng tôi sẽ hướng tới chiếc Cúp tiếp theo”.

Ten Hag nửa đùa nửa thật. Không nói thẳng song tân HLV Man Utd biết điều gì đó thật đặc biệt đang dần thành hình tại Old Trafford. Ten Hag đang chứng minh những ai dự đoán ông sẽ là Erik Ten Months - chỉ tại vị được 10 tháng - đã sai.

Tuy vậy, những người tiền nhiệm của Ten Hag cũng từng nghĩ như vậy trong buổi bình minh triều đại và rốt cuộc bị thực tại bi thảm xé nát.

Van Gaal cũng ngồi ở chiếc ghế ấy với chiếc Cúp FA và đúng hôm đó bị sa thải. Thành công của Mourinho tại League Cup chỉ giúp ông có thêm Europa League. Solskjaer không thể vượt qua giới hạn. Moyes càng không có cơ hội.

Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

“Nếu so sánh với các HLV khác, Ten Hag thực sự là lựa chọn đúng đắn”, Jackson nhận định. “Man Utd dường như tình cờ tìm đúng người sau 10 năm”.

Erik Ten Hag đến Man Utd vào tháng 4/2022 và mang đến nhiều kỳ vọng sau thành công ở Ajax. Ten Hag kế thừa Man Utd tệ hại nhất trong kỷ nguyên Premier League. Thử nghiệm Ralf Rangnick thổi bay mọi danh tiếng và tầm vóc của Quỷ đỏ. Nhà cầm quân người Đức bị sa thải sau 6 tháng thảm hại và mất luôn cả vị trí cố vấn được hứa hẹn.

Dù vậy, Rangnick không phải không hữu ích. Sự thẳng thắn của ông về những khó khăn Ten Hag phải đối diện là sự thay đổi đầy mới mẻ so với cách xử lý các vấn đề nội bộ của Solskjaer, đồng thời chỉ ra những bất cập trong cấu trúc quản lý của Man Utd.

Đúng như Rangnick dự đoán, nhiệm kỳ của Ten Hag khởi đầu đầy giông bão. Nhưng bằng cách nhanh chóng tiễn Ronaldo sau cuộc phỏng vấn chấn động với Piers Morgan, đồng thời đưa ra những bản hợp đồng phù hợp và hồi sinh những ngôi sao sa sút, nhà cầm quân người Hà Lan đã vượt qua thử thách đầu tiên.

Hình phạt khắc nghiệt với các học trò, và cũng tham gia chạy bộ 10km sau thất bại 0-4 trước Brentford là một bước ngoặt. Và, mặc dù nhận thêm nhiều thất bại nữa, trong đó không có gì tệ hơn thảm bại 0-7 tại Anfield, Man Utd luôn đứng dậy sau mỗi cú ngã.

Man Utd và 10 năm khủng hoảng: Cả một trời yêu bao giờ trở lại?

“Man Utd trên đà trượt dốc sau khi Sir Alex ra đi”, Meulensteen nói. “Bây giờ với Ten Hag, mọi thứ dần ổn định hơn. Tôi nghĩ mọi thành viên Man Utd đều cảm thấy đến lúc tìm được sự cân bằng. Khi không giành được danh hiệu, sẽ luôn có hoài nghi”.

Man Utd vẫn đang trên hành trình trở lại Champions League và vẫn có thể giành 2 danh hiệu trong mùa giải này. Chiến thắng trước Mikel Arteta, Jurgen Klopp, Antonio Conte và Pep Guardiola làm nổi bật sự tiến bộ đạt được dưới thời Ten Hag. Nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nằm ngoài tầm kiểm soát của HLV. Đó là tương lai của chính đội bóng.

Man Utd đến lúc cần những ông chủ mới. Ten Hag đã ổn định lòng quân, nhưng thượng tầng cũng cần sự ổn định. Nhà Glazer không có tiền để đầu tư vào sân bóng mới, không có tiền đầu tư vào sân tập mới và nợ lại cứ tăng, hiện ở mức 1 tỷ bảng. Giới chủ của đội bóng đã chấp nhận lắng nghe những đề nghị nhưng luôn lưỡng lự để chờ ai đó đặt 6 tỷ bảng lên bàn đàm phán.

Cần nhấn mạnh rằng, một trong những yếu tố quyết định đến tương lai và thành công của Man Utd nằm ở ban lãnh đạo. Ten Hag và chiếc Cúp Carabao là không đủ. Nếu ông chỉ giành được Carabao Cup càng không đủ. Và sẽ có lúc, ông cũng bị bỏ lại như cái Cúp ông suýt quên.

Theo Dân Trí

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast