BQL Dự án NN&PTNT Hà Tĩnh “loay hoay” xử lý ruộng bị bồi lấp ở Đức Thọ

(Baohatinh.vn) - Để xử lý việc khai thác đất làm bồi lấp ruộng của 6 hộ dân, BQL Dự án NN&PTNT Hà Tĩnh đưa ra phương án trình UBND tỉnh Hà Tĩnh xin thu hồi diện tích đất bị bồi lấp để có kinh phí bồi thường. Tuy nhiên, điều này không nhận được sự đồng thuận của UBND huyện Đức Thọ.

BQL Dự án NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Đức Thọ, xã Đức Lạng kiểm tra thực tế hiện trường bồi lấp đất sản xuất nông nghiệp.

Sau khi Báo Hà Tĩnh đăng bài phản ánh “BQL Dự án NN&PTNT Hà Tĩnh chậm xử lý, đất cát bồi lấp ruộng của dân”, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh (Ban QLDA NN) đã tổ chức làm việc với UBND huyện Đức Thọ và UBND xã Đức Lạng để tìm hướng xử lý và bồi thường thỏa đáng cho 6 hộ dân bị mất đất sản xuất.

Khai thác không đúng thiết kế nên sau mỗi trận mưa là đất cát từ mỏ đất trôi tuột xuống hạ du bồi lấp đất sản xuất nông nghiệp của người dân.

Tại buổi kiểm tra thực tế và làm việc với chính quyền địa phương chiều ngày 22/4, ông Hà Văn Trà - Giám đốc Ban QLDA NN&PTNT tỉnh đã thừa nhận việc chủ đầu tư và các nhà thầu khai thác đất không thực hiện đúng cam kết với cơ quan chức năng như không xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, không đào hồ lắng trong khu vực khai thác dẫn đến tình trạng đất cát bồi lấp diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân.

Đặc biệt, việc chậm xử lý và khắc phục vấn đề này gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Ban QLDA NN&PTNT và thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng.

Gần 2 ha đất sản xuất nông nghiệp của 6 hộ dân thôn Tân Quang bị bồi lấp, phải bỏ hoang từ năm 2016 đến nay.

Cũng theo ông Hà Văn Trà, để sớm khắc phục tình trạng này, đề nghị chính quyền địa phương xã Đức Lạng và huyện Đức Thọ cùng vào cuộc với Ban QLDA NN tỉnh để tìm giải pháp.

Theo đó, Ban QLDA NN&PTNT tỉnh đề nghị xã Đức Lạng cung cấp trích lục bản đồ khu vực đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp, diện tích bị bồi lấp, loại đất…; UBND huyện phối hợp cùng Ban QLDA NN&PTNT làm văn bản gửi UBND tỉnh, xin thu hồi diện tích đất bị bồi lấp nói trên để sớm có kinh phí bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng.

Khe Chứa cấp nước cho cánh đồng hàng chục ha trồng lúa của xã Đức Lạng cũng bị bồi lấp.

Không đồng tình với phương án của Giám đốc Ban QLDA NN&PTNT Hà Tĩnh, ông Nguyễn Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho rằng: Những ý kiến của Ban này nêu ra là trái với quy định của pháp luật về việc thu hồi đất và bồi thường thiệt hại cho người dân.

Bởi lẽ, thứ nhất đây là những hệ lụy của giai đoạn 1 đã kết thúc từ năm 2019, các nhà thầu thi công đã hoàn thành dự án bàn giao và “rút quân”. Do đó, để có kinh phí bồi thường cho 6 hộ dân bị bồi lấp ruộng sản xuất là không khả thi. Bên cạnh đó, việc Ban đề nghị huyện phối hợp để làm văn bản kiến nghị UBND tỉnh thu hồi diện tích đất bị bồi lấp là không có cơ sở vì thu hồi đất thì phải có mục đích cụ thể.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Ban QLDA NN&PTNT, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Nguyễn Anh Đức cho rằng: đơn vị nào làm sai thì đơn vị đó phải tự chịu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ thẳng thắn: Không thể làm sai là đề nghị Nhà nước trích ngân sách hỗ trợ, bồi thường. Việc để đất cát bồi lấp ruộng sản xuất của người dân là trách nhiệm của Ban QLDA NN&PTNT và các đơn vị thi công. Vì thế, Ban quản lý và các đơn vị thi công phải có trách nhiệm với người dân bị ảnh hưởng chứ không thể “đá bóng” cho Nhà nước.

Như vậy, nguyên nhân dẫn đến việc đất cát từ mỏ đất phục vụ dự án xây dựng kênh chính Ngàn Trươi – Cẩm Trang làm bồi lấp gần 2 ha đất sản xuất của 6 hộ dân thôn Tân Quang, xã Đức Lạng đã rõ, tuy nhiên, đơn vị liên quan vẫn chưa có phương án khả thi để bồi thường, hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án khai thác của chủ đầu tư cam kết khi trình phê duyệt phương án khai thác, việc xây dựng hệ thống mương tách nước mưa, đào hồ lắng bùn đất trong khu vực mỏ phải được triển khai nhằm hạn chế tình trạng đất cát trôi xuống các khu vực xung quanh khi khai thác đất tại mỏ đất Rú Ná để phục vụ việc xây dựng kênh chính Ngàn Trươi – Cẩm Trang.

Tuy nhiên, theo phản ánh của chính quyền địa phương, chủ đầu tư và các đơn vị khai thác đã không thực hiện việc xây dựng hệ thống mương tách nước mưa, không đào hồ lắng trong khu vực mỏ như đã cam kết. Đó là lý do để sau mỗi trận mưa, đất cát từ mỏ Rú Ná theo Khe Chứa trôi xuống phía hạ du và bồi lấp gần 2 ha đất sản xuất lúa của 6 hộ dân thôn Tân Quang, xã Đức Lạng.

Trước đó, chính quyền địa phương các cấp đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị và tổ chức làm việc với chủ đầu tư là BQL Dự án NN&PTNT Hà Tĩnh để tìm phương án giải quyết nhưng BQL Dự án vẫn không có bất cứ động thái gì để khắc phục tình trạng nêu trên.

Tin liên quan:

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói