Cách Hàn Quốc vươn lên trở thành nhà cung cấp vũ khí toàn cầu

Thành công này có được là nhờ Seoul đã triển khai chiến lược phối hợp giữa nhà nước và các công ty quốc phòng trong nước.

Bùng nổ làn sóng “K-Arsenal”

Tháng 8 vừa qua, Ba Lan đã ký hợp đồng mua xe tăng và pháo tự hành của Hàn Quốc trị giá hơn 5,7 tỷ USD. Đây là một phần trong thỏa thuận mua bán vũ khí lớn nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc , được hai nước ký kết vào tháng trước. Các bên chưa công bố giá trị của toàn bộ thương vụ, song truyền thông Hàn Quốc ước tính lên tới 15 tỷ USD.

Trước khi bán cho Ba Lan 48 máy bay chiến đấu FA-50 do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc (KAI) sản xuất, 180 xe tăng chiến đấu K2 do Hyundai Rotem sản xuất và một số lượng pháo tự hành K9 do Hanwha Defense chế tạo, trong năm 2022, Seoul đã bàn giao hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Cheongung cho Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trị giá 3,6 tỷ USD, cũng như bán pháo tự hành K9 cho Ai Cập trong một thỏa thuận trị giá 1,7 tỷ USD.

Cách Hàn Quốc vươn lên trở thành nhà cung cấp vũ khí toàn cầu

Xe tăng K2-niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Bên cạnh đó, để cạnh tranh trực tiếp với các “ông lớn” quốc phòng châu Âu, các tập đoàn Hàn Quốc cũng bán thiết bị quân sự cho Philippines, New Zealand, Thái Lan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Senegal trong những năm gần đây. Các nhà phân tích gọi sự gia tăng hợp đồng buôn bán vũ khí này là làn sóng “K-Arsenal”, một cách nói ám chỉ đến sự phổ biến trên toàn thế giới của âm nhạc “K-Pop”.

Bùng nổ các thỏa thuận buôn bán vũ khí trên đã giúp Hàn Quốc cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Theo SIPRI, Hàn Quốc hiện đứng thứ 8 về xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới, tăng 23 bậc so với thời điểm năm 2000. Năm 2022 được đánh giá là năm thành công của Hàn Quốc khi nước này ký được nhiều hợp đồng bán vũ khí với tổng trị giá 20 tỷ USD, tăng gần 10 lần so với năm 2012.

“Thành công trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc được xây dựng dựa trên khả năng sản xuất thiết bị quân sự công nghệ trung bình nhưng chất lượng cao và giá cả cạnh tranh”, Richard Bitzinger, chuyên gia của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận xét.

Tham vọng lọt vào tốp 5

Hiện nay, Hàn Quốc không giấu giếm tham vọng lọt vào tốp 5 các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, nơi hiện đang do các cường quốc nắm giữ lần lượt là Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức. “Hàn Quốc coi sản xuất vũ khí là chiến lược công nghiệp ưu tiên. Nước này duy trì mức chi tiêu quân sự cao, dành ngân sách đáng kể cho việc nghiên cứu và phát triển, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu vũ khí”, chuyên gia Richard Bitzinger giải thích.

Chiến lược sản xuất vũ khí được xây dựng theo sáng kiến của cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và được Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk-yeol tiếp tục thúc đẩy. Theo ông Richard Bitzinger, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Hàn Quốc đang tìm cách tăng cường khả năng quốc phòng của mình bằng cách giành quyền tự chủ về công nghiệp và nhân rộng các mối quan hệ đối tác quân sự quốc tế.

Mới đây, ngày 27-9, Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) cho biết nước này sẽ xúc tiến thành lập quỹ đầu tư công nghiệp quốc phòng trị giá khoảng 120 tỷ won (83,9 triệu USD) tới năm 2025 để hỗ trợ các công ty quốc phòng chuyên về trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái và các lĩnh vực khác. Ngân hàng Hana sẽ đầu tư 60 tỷ won từ năm 2023 đến 2025 để thành lập “quỹ mẹ”.

Trong khi đó, Tập đoàn Đầu tư tăng trưởng Hàn Quốc đã được chọn để quản lý quỹ mẹ và tạo ra 3 quỹ trực thuộc, sẽ thu hút tổng cộng 60 tỷ won từ các nhà đầu tư tư nhân trong giai đoạn 2023-2025. Các quỹ phụ sẽ hoạt động trong khoảng 10 năm. Việc lựa chọn ngân hàng và đơn vị quản lý quỹ được thực hiện thông qua quá trình đấu thầu công khai.

DAPA cho biết mục đích của việc thành lập quỹ này là cải thiện tính đổi mới của hệ sinh thái trong ngành quốc phòng nhằm ứng phó với những thay đổi trong môi trường tổng thể. Theo DAPA, các doanh nghiệp quốc phòng vừa và nhỏ sẽ có cơ hội tiếp cận các công nghệ quốc phòng tiên tiến trong những lĩnh vực khác nhau, bao gồm năng lượng, hàng không vũ trụ và chất bán dẫn.

Theo QĐND

Đọc thêm

Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có cách làm hay, ghi dấu ấn, tạo tiền đề quan trọng trong cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Vượt hơn 200 hải lý, niềm mơ ước trong tôi về một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa đã trở thành hiện thực. Trong tầm mắt tôi và các đồng nghiệp, hình ảnh một Trường Sa thân thương và căng tràn sức sống, hiên ngang giữa trùng khơi đã xua tan những mệt mỏi sau một hành trình dài lênh đênh trên biển cả.
Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Nhân dịp đón Tết cổ truyền của Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Bolikhămxay (CHDCND Lào), Đại tá Khên Von Lo Văn Xay - Phó Giám đốc Công an tỉnh gửi đến cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng.
Xuân biên cương ấm tình quân dân

Xuân biên cương ấm tình quân dân

Những người lính quân hàm xanh trên hai tuyến biên giới đang có nhiều hoạt động ý nghĩa, trách nhiệm hướng về Nhân dân khu vực biên giới để Tết cổ truyền nơi đây ấm áp, thắm đượm tình quân dân.