Cam Hà Tĩnh ngọt thơm, xem xét đưa vào hệ thống siêu thị của Tập đoàn Masan

(Baohatinh.vn) - Qua khảo sát, sản phẩm cam Hà Tĩnh được đại diện Bộ Công thương, Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (thuộc Tập đoàn Masan) đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã cũng như sự đầu tư bài bản trong sản xuất.

Ngày 13/11, đoàn khảo sát của Bộ Công thương, Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (Tập đoàn Masan) và Sở Công thương Hà Tĩnh đã đi khảo sát một số cơ sở trồng cam nhằm kết nối đưa sản phẩm cam Hà Tĩnh vào hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ của Tập đoàn Masan.

Đoàn đến khảo sát mô hình trồng cam tại HTX Nông nghiệp Gia Phúc.

Đoàn đã đến khảo sát tại HTX Nông nghiệp Gia Phúc (xã Thường Nga, Can Lộc). Với quy mô trang trại 40 ha, trong đó 30 ha đã được trồng các loại cây ăn quả như: mít, thanh long, cam, táo..., HTX Nông nghiệp Gia Phúc được đoàn đánh giá cao sự đầu tư bài bản, quy mô, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Theo ông Lê Vạn Hải – Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc, HTX có khoảng 3.500 gốc cam giòn hiện đang vào đợt thu hoạch. 2021 là năm đầu tiên thu hoạch nên sản lượng chỉ đạt khoảng 25 tấn. Dự kiến những năm sau, sản lượng sẽ cao hơn từ 3 - 4 lần.

Cam Hà Tĩnh được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã.

Tiếp đó, đoàn đã đến khảo sát tại HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm (xã Hương Đô, Hương Khê).

Vụ sản xuất năm nay, HTX đã tiêu thụ khoảng 30 tấn cam với giá 25 – 35.000 đồng/kg. Với diện tích 70 ha cho quả thu hoạch, dự kiến sản lượng cam năm nay của HTX đạt gần 100 tấn.

Đoàn đến khảo sát tại HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm.

Qua khảo sát, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, sản phẩm cam năm nay của Hà Tĩnh có nhiều tiến bộ về mẫu mã, chất lượng, có vị ngọt thơm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Cũng theo bà Lê Việt Nga, các nhà vườn trồng cam của Hà Tĩnh đã đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và có những định hướng tiếp cận thị trường nhưng cần đẩy mạnh hơn việc xây dựng, quảng bá thương hiệu.

Cam Khe Mây được “mắc màn” để tránh côn trùng gây hại.

Bà Phạm Huyền Trang – Giám đốc thu mua nông sản tươi sống Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce đánh giá, Hà Tĩnh là vùng nguyên liệu có tiềm năng lớn. Nhờ lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và đầu tư trong kỹ thuật trồng, cam Hà Tĩnh đạt chất lượng, có vị thơm ngon. Công ty sẽ xem xét để kết nối tiêu thụ sản phẩm cam vào hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ của Tập đoàn Masan.

Khi kết nối tiêu thụ, công ty sẽ phối hợp với địa phương để tăng tính quảng bá thương hiệu cam Hà Tĩnh đến nhiều vùng miền trên cả nước; cử cán bộ kỹ thuật cùng hỗ trợ phát triển giống, xây dựng quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đạt chất lượng cao nhất.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói