Sinh ra trong gia đình thuần nông, từ nhỏ, chị Phan Thị Tuyết đã quá quen thuộc với thực trạng các loại nông sản của bà con Vũ Quang, trong đó có hạt lạc thường xuyên gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Điệp khúc “được mùa, mất giá” cứ luẩn quẩn với người nông dân.
Xuất phát từ thực tiễn đó, với vai trò là Giám đốc HTX Môi trường và dịch vụ tổng hợp xã Đức Liên, cuối năm 2018, chị Phan Thị Tuyết đã “khăn gói" sang Nghệ An để học hỏi kinh nghiệm từ các cơ sở ép dầu lạc của tỉnh bạn, với mong muốn có thể xây dựng được một cơ sở giúp bà con thu mua lạc với giá ổn định, đồng thời tạo ra sản phẩm chất lượng và có chỗ đứng trên thị trường.
Chị Tuyết cho biết, bằng những kiến thức, kỹ năng tích lũy được tại các cơ sở ép dầu lạc Nghệ An, cùng một ít vốn tích góp được, đầu năm 2019, chị đã cùng 9 thành viên trong HTX Môi trường và dịch vụ tổng hợp xã Đức Liên quyết định thành lập cơ sở sản xuất dầu lạc Tuyết Châu, với số vốn gần 500 triệu đồng.
Được biết, ngày bắt đầu mở xưởng, nguồn vốn có hạn nên chị Tuyết và các thành viên HTX đã gặp không ít khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu. Mặt khác, nghề ép dầu lạc là nghề mới ở địa phương, do đó, chị phải đầu tư nhiều về thời gian, công sức để chuyển giao các kỹ thuật học hỏi được cho các thành viên. Dẫu vậy, những gập ghềnh trên con đường xây dựng thương hiệu sản phẩm “Dầu lạc Tuyết Châu” không làm nữ giám đốc này nản chí.
Để sản phẩm dầu lạc có chỗ đứng trên thị trường, bền vững đầu ra, cuối năm 2019, chị Tuyết bắt tay vào xây dựng sản phẩm OCOP. Với quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh, nguồn nguyên liệu xuất xứ rõ ràng nên dầu lạc Tuyết Châu đã được Hội đồng thẩm định công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Từ đây, sản phẩm dầu lạc của HTX đã được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...
Chị Tuyết cho biết, hiện tại, mỗi năm, cơ sở sản xuất dầu lạc Tuyết Châu thu mua trên 100 tấn lạc cho bà con trong huyện, với mức giá 22 nghìn đồng/kg, cao hơn thị trường 2 - 3 nghìn đồng/kg. Cơ sở luôn chú trọng đến quy trình sản xuất nên sản phẩm làm ra được khách hàng tin tưởng sử dụng.
Chị Tuyết phấn khởi nói: "Bình quân mỗi năm, HTX của chúng tôi sản xuất, cung cấp ra thị trường gần 10.000 lít dầu lạc; hỗ trợ người dân ép hơn 8.000 lít dầu, với tổng doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng".
“Quả ngọt” từ dầu lạc Tuyết Châu đã mở ra hướng đi mới cho các sản phẩm nông nghiệp Vũ Quang. Từ chỗ khó tìm đầu ra, bà con đã biết chế biến sâu các loại nông sản để nâng cao giá trị sản xuất, từng bước nâng tầm nông sản quê nhà.
Thành công từ “giấc mơ” dầu lạc đã giúp chị Tuyết tiến gần hơn với những dự định mới. Nhằm giúp bà con Vũ Quang tiêu thụ ổn định sản phẩm cam, chanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tháng 8/2021, chị Tuyết đã thành lập HTX Sản xuất, thu mua và chế biến nông sản Vũ Quang.
Chị Tuyết cho biết, HTX Sản xuất, thu mua và chế biến nông sản Vũ Quang được ra đời dựa trên tổ hợp tác thu mua nông sản do chị và 7 thành viên thành lập vào năm 2020 để tiêu thụ cam cho bà con. Năm ngoái, tổ hợp tác của chị tiêu thụ được hơn 3.000 tấn cam cho bà con, với mức giá khá cao. Năm nay, các thành viên đã quyết định thành lập HTX để có đủ tư cách pháp nhân, thuận tiện cho việc giao dịch với các đối tác lớn.
Chị Tuyết chia sẻ: “Hiện tại, tôi đang gửi hồ sơ năng lực, đàm phán giá cả và hình thức vận chuyển hàng cho hệ thống siêu thị VinMart và đối tác nước ngoài để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Khi được đối tác chấp thuận, đồng ý ký hợp đồng, sản phẩm cam Vũ Quang ngoài mở rộng được thị trường sẽ còn ổn định được giá cả và tạo liên kết trong sản xuất”.
Hiện nay, chị Tuyết đang khảo sát các tổ hợp tác trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn để thu mua số lượng lớn khi vào chính vụ. Trên địa bàn Vũ Quang hiện có hơn 1.000 ha cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đây sẽ là nguồn hàng dồi dào, đảm bảo chất lượng để HTX cung cấp cho hệ thống siêu thị VinMart và thị trường châu Âu sau khi được ký hợp đồng.
Ông Lê Văn Dũng, chủ vườn cam VietGAP ở thôn Liên Hòa (xã Đức Liên) vui mừng nói: “Trước đây, khi cam bắt đầu vào vụ, gia đình tôi phải chủ động tìm kiếm thị trường trước để đảm bảo đầu ra. Tuy nhiên, hai năm lại đây, được các thành viên của HTX Sản xuất, thu mua và chế biến nông sản Vũ Quang đến tận nhà đặt hàng cả vườn, gia đình rất phấn khởi và yên tâm. Tôi luôn mong HTX kết nối được nhiều thị trường tiềm năng để cam Vũ Quang ngày càng vươn xa, giúp bà con tăng nguồn thu từ nghề trồng cam”.
Ngoài tìm kiếm thị trường tiêu thụ “tiềm năng” cho cam, hiện tại, HTX Sản xuất, thu mua và chế biến nông sản Vũ Quang cũng đang tập trung tiêu thụ chanh cho bà con Đức Lĩnh.
Chị Tuyết chia sẻ: "Năng suất chanh năm nay cao hơn so với mọi năm nhưng bà con Đức Lĩnh vẫn không vui vì sản phẩm khó tiêu thụ. Nhằm giúp bà con, tôi và các thành viên trong HTX đã liên hệ đầu mối thu mua ở Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ cho bà con. Dù mới kết nối thị trường được gần 1 tháng nhưng HTX của chúng tôi đã xuất bán được trên 50 tấn cho bà con.
Hiện tại, bình quân mỗi ngày, HTX Sản xuất, thu mua và chế biến nông sản Vũ Quang xuất bán giúp bà con từ 1 - 4 tấn chanh. Dự kiến từ nay đến hết tháng 10, HTX sẽ cố gắng thu mua hết sản lượng chanh cho bà con Đức Lĩnh.
Ngày cũng như đêm, bất kể khi nào có đơn hàng, chị Tuyết đều tranh thủ đến từng vườn chanh để thu mua cho bà con. Chia Tuyết tâm sự: "Bản thân sinh ra trong gia đình nông dân, lớn lên bên những vườn cam, đồi keo nên tôi rất hiểu những ước mong, kỳ vọng của bà con vào những sản phẩm của mình. Bởi lẽ đó mà tôi luôn cố gắng đồng hành cùng bà con trên con đường “tam nông”.
Cùng lúc đảm đương hai vị trí “đầu tàu”, công việc bận rộn nhưng chị Tuyết luôn cố gắng hài hòa công việc. Luôn tranh thủ tối đa thời gian để giúp bà con, nỗ lực đưa nông sản “made in Vũ Quang” được “chắp cánh” vươn xa.