Vừa qua, chúng tôi có chuyến thăm đất nước Campuchia êm đềm và quyến rũ. Điểm đầu tiên là chiếc cầu Rồng cổ nhất Đông Nam Á được xây dựng từ thế kỷ XII. Đây là cầu KonPongKder (cầu Rồng) nằm trên quốc lộ 6, con đường huyết mạch dẫn vào thành phố Xiêm Riệp. Cầu có 22 nhịp, dài khoảng 85m, cao 14m, rộng chừng 14m. Cầu làm kiểu vòm với rất nhiều trụ bằng đá ong. Kiến trúc cầu tương tự như cầu vòm bằng đá do người La Mã xây ở châu Âu. Ở hai đầu cầu có tượng rắn thần Naga 7 đầu khá linh thiêng được người dân tôn thờ như thần thánh. Thân cầu cũng mang dáng dấp của loài rắn thần này.
Angcovat (Ảnh Internet)
Khi nghe tôi hỏi vì sao gọi là cầu Rồng, anh bạn Hên giải thích: Hai bên đầu cầu có đầu rắn thần Naga vì người Campuchia tự cho nguồn gốc tổ tiên mình thuộc loài rắn thần Naga 7 đầu rồng tượng trưng cho 7 sắc dân trong xã hội Campuchia cổ xưa. Cây cầu này linh thiêng lắm, nhiều lần bị chiến tranh tàn phá nhưng vẫn tồn tại, không bị hư hỏng. Suốt 1.000 năm từ ngày được xây lần đầu đến nay, cầu vẫn sừng sững.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm để vào thăm Angkor. Đây là quần thể di tích nằm giữa vùng rừng già nguyên sinh ở phía Tây Bắc biển hồ cách Xiêm Riệp 7 km về phía Bắc. Từng là kinh đô của đế chế Khơ Me hùng mạnh vào thời hoàng kim từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ XIII, khoảng thế kỷ XV, Angkor vĩ đại dần dần bị lãng quên và bị bao phủ bởi đại ngàn rừng già nguyên sinh. Mãi đến năm 1860, nhà thám hiểm người Pháp là Hessi Mouhot đã tình cờ phát hiện công trình này.
Angkor là một vùng đất rộng lớn (13 km x 25 km) bao gồm hơn 80 phức hợp công trình được xây dựng trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ IX - XIII. Đó là những kiến trúc bằng đá thuộc loại hình đền có dạng núi gọi tắt là đền - núi, trong đó đồ sộ nhất, nổi tiếng nhất là phức hợp kiến trúc Angkorvat và Angkorthom. Đường vào Angkorvat lát nhiều phiến đá sát vào nhau. Theo tiếng Khơ Me, Angkor là kinh đô, Vat là đền thờ. Đây là đền núi duy nhất ở Campuchia có lối vào chính ở hướng Tây - hướng mặt trời lặn. Cách bố cục này gây cảm giác ức chế cho người đi vào đền bởi hình ảnh khu đền đồ sộ nổi bật trên ánh sáng chói lòa. Ở đây có rất nhiều bức phù điêu miêu tả những cảnh tượng trưng trong sử thi Ấn Độ. Nhiều thần linh nam nữ vui vẻ nhảy múa trong tư thế trêu chọc. Angkorvat là kiến trúc 3 tầng nối với nhau nhờ những hành lang sâu thẳm, toàn bộ đều được ghép những phiến đá xanh. Tầng 1 là địa ngục có hồ nước dùng cho vua tắm rửa, tẩy rửa tội lỗi.
Nhiều người trong đoàn đã nằm úp mặt xuống hành lang và chụp ảnh như muốn được một lần trôi hẳn về địa ngục để mong muốn sống thọ hơn. Tầng 2 là trần gian có khoảng sân rộng được bao bọc bởi các dãy tường thành, bên trong là điện thờ các vị thần. Tầng 2 có vô số bức tranh Apxara nhảy múa với bộ ngực trần. Tầng 3 - tầng cao nhất là thiên đàng, nơi được xem là chỗ cư ngụ của thần thánh với độ cao 65m. Các cầu thang ngày trước đi lên dốc đứng gần 45 độ, hẹp và vô cùng khó leo. Các nhà quản lý Angkor đã cho xây dựng một cầu thang sắt có tay vịn và bục gỗ che chắn cho du khách dễ đi lại, vừa bảo vệ được di tích.
Du khách tham quan các di tích tại Camphuchia
Trong lịch trình của đoàn có sắp xếp tham quan đền Bayon bốn mặt với nụ cười bí ẩn hiện lên từng khuôn mặt khác nhau. Đền Bayon nằm ở trung tâm tại quần thể Angkorthom. Đây là ngôi đền ấn tượng nhất do sự hùng vĩ về quy mô cũng như về cảm xúc của nó đem lại cho người xem. Ngôi đền gồm 54 tháp lớn nhỏ. Trên mỗi tháp đều có điêu khắc khuôn mặt của thần Lokesvana tượng trưng cho sự quan sát của thần linh về 4 hướng Campuchia. Angkorthom nghĩa là “Kinh thành lớn”, là thành phố kinh đô lâu dài nhất và cũng là cuối cùng của vương quốc Khơ Me được xây dựng vào cuối thế kỷ XII. Bayon là khu đền súc tích với những trang trí chạm khắc bằng đá rất đẹp. Cấu trúc của Bayon gồm 3 tầng và giờ đây cả 3 tầng đều đổ nát, nhiều vách đá nằm ngổn ngang khắp nơi. Tầng 3 được sắp xếp theo hình tròn với nhiều tháp mà các mặt đá có hình khuôn mặt với nụ cười hết sức bí ẩn.
Có giả thiết cho rằng, Bayon được xây dựng vào thời vương quốc này được chia làm 54 tỉnh mới có 54 ngọn tháp với những đôi mắt của bức tượng này nhìn về phía muôn dân trong các tỉnh để cứu độ. Tôi gặp ở đây dãy hành lang tầng dưới là một kho tàng nghệ thuật với 11.000 bức phù điêu chạm khắc trên tường chạy dài 1.200m liên quan đến lịch sử, truyền thuyết miêu tả đời sống xã hội của nền văn minh như: cảnh đánh bắt cá, cảnh nướng lợn trên than và những sinh hoạt đời thường rất sinh động. Bên cạnh đó là những hoạt động quý tộc: diễu hành của vua chúa cũng như những trận đánh thủy bộ. Từ xa nhìn vào Bayon, các tháp cao thấp khác nhau. Có tháp thật thấp khiến khuôn mặt như nhìn thẳng vào mắt du khách.
Cuối chiều, chúng tôi đã leo núi Bakhen để ngắm cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp. Ở đây có ngôi đền Phnom Bakheng là ngôi đền Hindu được xây dựng cuối thế kỷ thứ IX hướng về phía Đông, xung quanh có 108 tháp nhỏ.
Trước khi sang Campuchia, tôi đã từng xem bộ phim của Hollywood khá nổi tiếng “Bí mật ngôi mộ cổ” với những cảnh quay lấy bối cảnh là đền Ta Prohm. Và hôm nay mới tận mắt chứng kiến sự kỳ vĩ, bí ẩn không thể tưởng tượng nổi ở nơi này, được tận tay sờ lên những bộ rễ cây tạo hình độc đáo, kỳ lạ có phần cổ quái mọc len lỏi trong những tầng đá xám khổng lồ. Đây là điểm được du khách viếng thăm nhiều nhất. Đền Ta Prohm được xây năm 1189, dài 1 km, rộng 700m, tốn 5 vạn lượng vàng, 5 vạn lượng bạc và nhiều đá quý. Ngôi mộ mẹ trong đền 4 bức tường bằng đá có gắn kim cương. Tương truyền, những đêm trăng, những hạt kim cương phản chiếu rực rỡ.
Ngày hôm sau, chúng tôi về thủ đô Phnompenh. Chúng tôi đã đến thăm cung điện hoàng gia nằm ở trung tâm thủ đô. Đây là một công trình xây dựng kiên cố, gồm nhiều tháp cao chót vót. Một kiến trúc không pha lẫn vào đâu được của đất nước chùa tháp được trang trí công phu và chăm sóc kỹ càng. Tiêu biểu công trình ở đây là phòng khánh tiết, du khách được chụp ảnh bên ngoài và vào tham quan bên trong.
Ngai vàng được đặt giữa phòng sử dụng làm lễ đăng quang cho các nhà vua. Bất chợt tôi nhớ ra khi xe chạy trên các ngả đường nông thôn Campuchia có dựng nhiều tấm pano hoành tráng, in ảnh Thủ tướng Hunxen. Còn ở đây là hình ảnh nhà vua đang tại vị - vị vua 64 tuổi đến nay vẫn chưa có hoàng hậu. Lúc chúng tôi sang đúng dịp sinh nhật nhà vua nên vẫn còn dấu ấn ngày hội toàn quốc đó. Hoàng cung còn có sân khấu ánh sáng, nơi biểu diễn các điệu múa cung đình, cũng là nơi diễn ra các bữa tiệc lớn. Cạnh đó là điện yên tĩnh, nơi nghỉ ngơi, thư giãn của nhà vua. Đặc biệt, có lá cờ xanh ngày nào kéo lên là nhà vua đang ở nhà, không cờ là vua đi vắng.
Chợ côn trùng ở Camphuchia
Ở điện Napoleon III có các biểu tượng Hoàng gia với chữ “N” trên các cửa và các mặt ngôi nhà vinh danh Napoleon tặng cho nhà vua Norodom (tên nhà vua cũng bắt đầu bằng chữ N). Ngay cửa ra vào trồng rất nhiều cây sa la - loài cây của Đức Phật Thích ca mâu ni. Ở cung điện Đồng, du khách được tận mắt nhìn thấy những trang phục biểu trưng cho hoàng gia, kể cả những chén bát sinh hoạt hàng ngày. Thật thú vị khi nhìn thấy một dãy 7 tượng cô cung nữ mặc sắc phục 7 màu khác nhau của 7 ngày trong suốt tuần lễ. Hỏi ra mới biết, ngày ấy trong cung vua không có lịch mà căn cứ vào sắc màu sắc phục cung nữ để phân biệt các thứ trong tuần từ thứ 2 đến chủ nhật.
Cạnh cung điện hoàng gia là chùa Bạc (còn có tên là chùa Phật Ngọc Lục Bảo), nền chùa được lát bằng 5.000 miếng bạc, mỗi miếng nặng 1 kg. Chùa được xây bằng gỗ năm 1892 dưới thời vua Norodom. Ở đây còn lưu giữ bức tượng Phật bằng ngọc bích màu xanh và tượng Phật đồng đen.
Trong chuyến thăm Campuchia lần này, chúng tôi còn đến thăm chợ côn trùng nằm tại thị trấn Skum thuộc tỉnh Kamphongcham, cách thủ đô Phnompenh 7 km trên đường về Xiêm Riệp trở lại Việt Nam. Côn trùng được chế biến và tẩm gia vị rất thơm khiến du khách mê mẩn. Có những loại côn trùng sống khác như nhện, bọ cạp để ngâm rượu. Còn phần lớn đã chế biến thức ăn chính như: bọ cánh cứng, dế, cào cào, rắn và các loại sâu trong một khu chợ như chợ quê Việt Nam.
Tạm biệt Campuchia, thành phố của sông Mê Kông bốn mặt và tán cây thốt nốt cùng bao kiến trúc đền chùa kỳ lạ, trong tôi vẫn còn thao thức muốn tìm câu hỏi “giải mã” những bí ẩn. Bí ẩn nụ cười Angkor. Bí ẩn điệu múa Apxara hút hồn, bí ẩn chiếc khăn truyền thống mà họ đã thêu vào đó những đường chỉ thời gian của sắc màu tâm linh, những hồi âm da diết vọng lại từ vách tầng đá của đền Angkor kỳ vĩ…