Cần Giờ - “sân ga” của những loài chim di cư

Nguyễn Anh Thế quan sát các loài chim di cư quý hiếm như rẽ cổ đỏ, choắt lớn mỏ vàng ở rừng ngập mặn, ruộng muối ven biển Cần Giờ.

Rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2000, rộng hơn 75.000 ha, thuộc vùng châu thổ rộng lớn của các sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Hơn 20 năm khu rừng giữ vai trò lá phổi xanh của Sài Gòn, nơi sinh sống của hàng trăm loài động, thực vật trên cạn và thủy sinh. Đặc biệt, khu hệ chim có hơn 130 loài, gồm các loài di cư tại các sinh cảnh khác nhau tạo nên bức tranh thiên nhiên sinh động.

Du khách đến khu du lịch Vàm Sát, đảo Khỉ hoặc các tuyến đường xuyên qua rừng chụp được loài sả khoang cổ (còn gọi chẽo chẹt), một loài bói cá ấn tượng với bộ lông màu da trời nổi bật và khoang cổ trắng.

Bức ảnh do hướng dẫn viên, nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Nguyễn Anh Thế (thường gọi Andy Nguyễn, sinh năm 1984, TP HCM) thực hiện.

Anh Andy Nguyễn hiện là chủ website Vietnambirds, thường tổ chức các tour xem chim (bird watching), trong đó có các chuyến quan sát chim ở Cần Giờ. Chỉ hơn một giờ xe chạy, du khách đến với một không gian của rừng đước ngút tầm mắt, những chuyến đò ngang và biển rì rào sóng vỗ.

Những người yêu thiên nhiên trong quá trình săn ảnh tại Cần Giờ có thể gặp loài chim nhỏ vành khuyên họng vàng (ảnh), có bộ lông màu vàng ô liu, vòng khoen màu trắng quanh mắt và cổ họng màu vàng. Ngoài ra, du khách khi lang thang trong rừng còn thấy loài diệc lửa, cà kheo cánh đen, bạc má, bông lau mày trắng hay loài bông lau tai vằn.

Choắt đốm đen có chân dài vàng nhạt, thường kiếm ăn ven rừng ngập mặn. Ngoài các loài chim bản địa, vùng ven biển, ruộng muối Cần Giờ còn là trú đông của các loài chim biển, trong có nhiều loài quý hiếm, cực kỳ nguy cấp vẫn ghé thăm Cần Giờ hằng năm, đây là một điều đặc biệt mà không dễ tìm thấy ở nơi khác.

Choắt nâu đang chao nghiêng, một loài chim biển di cư phổ biến có mỏ màu đỏ thẳng với đầu mỏ màu đen.

Mòng biển đuôi đen (trên) và đàn Nhạn biển Caspi (có tài liệu gọi là Nhàn Caspi). Hằng năm, trong hành trình dài từ phương Bắc về phương Nam, từ cuối tháng 9, các loài chim biển di cư bắt đầu xuất hiện và mật độ ngày càng đông đúc, có thời điểm lên đến hàng ngàn con nhộn nhịp trên vùng bờ biển Cần Giờ.

Theo anh Andy Nguyễn, du khách xem chim dùng ống nhòm hoặc thiết bị chụp ảnh là lý tưởng để quan sát, chụp khoảnh khắc chúng kiếm ăn theo đàn, như cảnh đàn rẽ lưng nâu đang tập trung kiếm ăn trên các ruộng muối.

Du khách có thể đi thuyền trên vịnh Gành Rái để ngắm vẻ đẹp bờ biển Cần Giờ và các loài chim biển bám theo đuôi tàu để kiếm thức ăn. Trên ảnh là vũ điệu uy nghi của loài nhạn biển mào lớn khi đang bay sát theo đuôi tàu trên biển. Cách kiếm ăn của loài chim này là bay liên tục trên không trung và bất ngờ sà xuống mặt biển để bắt cá.

Trong số các loài chim di cư, khó có thể bỏ qua nét dễ thương và cuốn hút của những chú choi choi khoang cổ bước lon ton trên bãi cát đầy những vỏ sò.

Choắt mỏ thẳng đuôi vằn là một loài di cư tương đối phổ biến

Nhiều loài chim di cư như rẽ bụng nâu, rẽ lớn ngực đốm, choi choi nhỏ, nhạn nhỏ kiếm ăn trong cùng một khu vực. Dựa vào thủy triều khi nước rút, chúng sẽ ra bãi biển kiếm ăn và khi nước lớn sẽ tập trung nghỉ ngơi trên bờ biển hoặc các đồng muối gần đó.

Rẽ cổ đỏ có ngoại hình chim bé nhỏ, chỉ bằng khoảng ½ chim sẻ. Chúng đã vượt qua quãng đường hơn 10.000 km từ đông bắc nước Nga xa xôi để đến với bờ biển Cần Giờ, nơi trù phú thức ăn là các loại nhuyễn thể, giáp xác.

Choắt lớn mỏ vàng, một loài chim mà số lượng toàn cầu ước lượng chỉ còn 1.200 - 2.000 cá thể, đang bên bờ vực của sự tuyệt chủng. Sau mùa sinh sản hằng năm, loài chim này vẫn di cư theo một quãng đường dài từ miền Viễn Đông, phía đông vùng Siberia nước Nga, xuôi về phương Nam và chọn bãi biển Cần Giờ làm bến đỗ để kiếm ăn. Để chụp được ảnh loài chim hiếm này, cần kỹ năng quan sát, hiểu tập tính của chúng, do đó thường phải có những hướng dẫn viên xem chim chuyên nghiệp và các nhiếp ảnh gia còn cần phải có sự may mắn nhất định.

“Hệ sinh thái Cần Giờ đa dạng, còn nguyên sơ và cần được bảo vệ hiện trạng để tạo môi trường sống, một trạm dừng chân lý tưởng trên đường di cư hằng năm của các loài chim từ phương Bắc xa xôi”, anh Andy Nguyễn chia sẻ.

Theo Huỳnh Phương/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói