Can Lộc phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa

(Baohatinh.vn) - Trong lịch sử văn hiến của Hà Tĩnh, vùng đất Thiên Lộc xưa, Can Lộc ngày nay nổi danh là vùng địa linh, nhân kiệt với những di sản vô cùng quý giá.

Qua bao lớp sóng thời gian, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã kiến tạo nên bản sắc một vùng quê thu hút du khách cả nước và bạn bè năm châu đến viếng thăm. Phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ trên nền tảng văn hóa là một trong những mũi đột phá trong mục tiêu phương hướng của Đại hội Đảng bộ huyện Can Lộc khóa XXXV.

Nơi lắng hồn sông núi

642 năm trước, năm Quang Thuận đời vua Lê Thánh Tông (1469), Thiên Lộc là một trong 6 huyện của phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Năm 1854 niên hiệu Tự Đức, huyện được đổi thành Can Lộc do phủ Đức Thọ làm kiêm lý (năm 1822, phủ Đức Quang đổi thành phủ Đức Thọ). Được bao bọc bởi dãy Hồng Lĩnh phía Bắc và Trà Sơn phía Tây cùng con sông Nghèn với nhiều chi lưu đổ ra Cửa Sót, bao đời nay, vùng đất hội tụ nhiều linh khí này như một cái nôi nuôi dưỡng biết bao thi nhân hiền tài, nhà văn hóa, nhà khoa học, đặc biệt là những người anh hùng tô đẹp trang sử Việt Nam. Một ngày đầu thu, trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện Can Lộc lần thứ XXXV, chúng tôi đã có chuyến hành hương về các địa chỉ văn hóa và du lịch của huyện nhà.

Theo con đường từ trung tâm huyện lỵ đi về phía Tây, chúng tôi qua vùng Trảo Nha, quê hương của thi sĩ Xuân Diệu, người đã làm rung động hàng triệu tâm hồn bởi những thi phẩm lãng mạn, đầy men say. Về Trường Lộc, chợt nhớ câu phường vải thuở xa xưa, khi Nguyễn Du vượt núi Hồng, đò Cài đem theo đám trai phường nón sang hát đối đáp với các cô thôn nữ Trường Lưu. Còn đó chợ Quan, nhà thờ dòng họ Nguyễn Huy với ba cha con ông cháu nổi danh sử sách: Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ.

Can Lộc phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa ảnh 1

Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc - địa chỉ du lịch tâm linh luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Còn đây dấu tích “Phúc Giang thư viện” lưu giữ hàng trăm bản sách bằng gỗ và “Trường Lưu học hiệu”, trường học tư thục đầu tiên của nước ta đã đào tạo nên bao nhiêu hiền tài gắn với tên tuổi nhà văn hóa Nguyễn Huy Oánh. Người Trường Lưu hôm nay tuy không còn hát ví phường vải, không đi chợ Quan, không đọc sách gỗ nhưng vẫn giữ cốt cách, phong độ của những người lấy đạo học làm lẽ sống ở đời. Xa hơn một chút, phía bên kia của Sạc Sơn (núi Cài) là làng Yên Huy (Yên Lộc) nổi tiếng nói lối, rồi xã Song Lộc, quê hương của Lưỡng quốc Thám hoa Phan Kính mà gần đây sử sách nhắc đến rất nhiều.

Đi về Đồng Lộc, Phú Lộc, Thượng Lộc, Mỹ Lộc, những hình ảnh đau thương và quật khởi năm 1968 hiện về. Cầu Tùng Cóc, nơi Anh hùng liệt sĩ Võ Triều Chung ngã xuống, thi thể hòa cùng dòng nước; cầu Tối, nơi hai dũng sĩ phá bom Lê Đăng Dương và Võ Xuân Tài (Tổng đội TNXP 55) hy sinh, hòa tan máu xương mình vào đất đai quê nhà. Và đây, trọng điểm của túi bom, ngã ba Trường Thành (tên cũ của Ngã ba Đồng Lộc), nơi 10 cô gái trong trắng của Tiểu đội 4 - C555 - Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh đã hiến dâng tuổi xuân cho đất nước. Đã 47 năm trôi qua mà ngỡ còn thấy hình bóng các chị và đồng đội từ nơi xóm nhỏ Mai Long xã Xuân Lộc, phía sau dãy đồi Bãi Dịa đi ra ngã ba làm đường, san lấp hố bom với dáng vẻ hồn nhiên, bất chấp nguy hiểm.

Dù không sinh ra và lớn lên ở vùng đất này nhưng mỗi lần đặt chân đến, tôi đều cảm giác mỗi ruộng lúa, bờ tre, con đường, ngõ nhỏ ở đây đều thân thương như chính quê hương mình. Đi về phía Đông, tầm mắt tôi chạm dãy Ngàn Hống xanh thẳm nghìn trùng. Từ trên đỉnh cao nhất của ngọn Chóp Cờ - Rú Ông mây phủ có ngôi chùa Hương ẩn mình, giấu trong đó câu chuyện huyền thoại về công chúa Ba Diệu Thiện - con vua Trang Vương nương náu tu hành, trở thành Phật Bà Quan Âm Bồ Tát che chở cho chúng sinh qua khỏi bể khổ.

Hàng năm, đến mùa lễ hội, chùa Hương tấp nập du khách. Nhờ Công ty CP Đầu tư phát triển Hồng Lĩnh đầu tư hệ thống cáp treo nên bước chân lên đỉnh núi của khách thập phương đã đỡ mỏi mệt hơn. Dưới chân núi là xã Thiên Lộc anh hùng, quê hương của nhà giáo nổi tiếng Võ Liêm Sơn, người thầy của những nhà cách mạng nổi tiếng. Đó cũng là nơi hai người con gái trong Tiểu đội 10 cô gái Đồng Lộc đã gửi lại tuổi thơ với những ký ức ngọt ngào để ra đi vì non sông, đất nước. Phía bên kia là xã Tùng Lộc, quê hương của hai cha con Đặng Tất, Đặng Dung thế kỷ XV đã hy sinh thân mình để giữ trọn khí tiết, để lại cho đời hình ảnh “mài gươm bóng nguyệt” và những câu thơ bi tráng thấm đẫm tình yêu nước vang vọng với núi sông.

Nhân lên sức mạnh Xô viết anh hùng

Như mỗi người dân Việt Nam khi đi qua trung tâm thị trấn Nghèn - Can Lộc, chúng tôi ngước nhìn lên khu tượng đài Ngã ba Nghèn uy nghi, cao vọi dưới trời xanh, không khỏi bùi ngùi nhớ về những ngày tháng sục sôi khí thế cách mạng 85 năm về trước. Ngày ấy, sau khi Đảng bộ tỉnh lâm thời được thành lập trên con đò nhỏ ở bến Thượng Trụ (Thiên Lộc) do đồng chí Nguyễn Trung Thiên làm Bí thư, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh đổ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay các xô viết. Hàng vạn người nông dân áo vải từ khắp huyện Can Lộc và từ Thạch Hà kéo về ngã ba Nghèn biểu tình, bao vây huyện lỵ. Kẻ thù hung bạo đã nổ súng vào đoàn người. 42 người đã anh dũng ngã xuống cho độc lập, tự do của dân tộc nhưng dòng máu Xô viết anh hùng mấy chục năm qua vẫn chảy hừng hực trong huyết quản của người dân vùng quê cách mạng.

Can Lộc phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa ảnh 2

Đưa cáp treo vào sử dụng làm tăng lượng du khách đến với chùa Hương Tích

Can Lộc là một trong những huyện đầu tiên giành chính quyền sớm nhất ở Hà Tĩnh năm 1945 và là nơi nuôi dưỡng, hun đúc khí tiết cho những người con gái, con trai trong cuộc kháng chiến chống Mỹ: La Thị Tám, Nguyễn Tri Ân, Phan Như Cẩn, Nguyễn Xuân Lực, 10 cô gái Đồng Lộc… Làng Hạ Lội, xã Tiến Lộc, nghèo khó với những người dân bình dị nhưng những ngày cao điểm của năm 1968 đã làm nên huyền thoại K130: 130 ngôi nhà được dỡ ra để lát đường và nhường đường cho 130 chiếc xe chở hàng phục vụ chiến trường miền Nam đánh Mỹ.

Hiểu rõ tiềm năng, lợi thế của quê hương, 5 năm qua, Đảng bộ huyện Can Lộc đã chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể theo hướng xã hội hóa. Toàn huyện hiện có 65 di tích được xếp hạng (15 di tích cấp quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh), trong đó, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt trong hệ thống di tích đường Trường Sơn; một số câu lạc bộ dân ca ví, giặm được phục hồi, thành lập và đi vào hoạt động.

Trong 5 năm qua, huyện đã huy động, kêu gọi được hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, phục hồi nhiều di tích như: Khu di tích Xô viết ngã ba Nghèn, chùa Hương Tích, đền thờ Đặng Tất - Đặng Dung, Ngô Phúc Vạn, Phan Kính, Nguyễn Thiếp, Hà Tôn Mục, nhà tưởng niệm liệt sĩ Cầu Nhe, nhà lưu niệm Xuân Diệu, đền Linh Nha… Dự án cabin cáp treo chùa Hương với tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng đã phát huy hiệu quả. Lễ hội chùa Hương Tích và lễ hội Đồng Lộc trở thành các lễ hội thường niên của huyện.

Phát triển du lịch, thương mại thành ngành kinh tế mũi nhọn

“Tập trung phát triển dịch vụ du lịch, thương mại; đẩy mạnh xã hội hóa để nâng cao chất lượng theo hướng chuyên nghiệp hóa công tác quản lý, dịch vụ và xây dựng các sản phẩm du lịch; kết hợp dịch vụ du lịch với thương mại, đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm dịch vụ du lịch trên cơ sở ưu tiên các trọng tâm, trọng điểm (khu du lịch Chùa Hương, khu di tích Đồng Lộc...)”. Đó là một trong 3 nội dung được chọn làm mũi đột phá trong mục tiêu, phương hướng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXV.

CLB Dân ca ví, giặm Trường Lưu thực hành diễn xướng. Ảnh tư liệu

CLB Dân ca ví, giặm Trường Lưu thực hành diễn xướng. Ảnh tư liệu

Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Đại hội Đảng bộ huyện lần này xác định: phấn đấu phát triển ngành du lịch, thương mại và dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến năm 2020 chiếm tỷ trọng trên 40% trong cơ cấu kinh tế của huyện; tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các khu du lịch, điểm du lịch theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, quản lý, khai thác các khu du lịch.

Đồng thời, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng để quảng bá, phục vụ du khách tại các điểm như chùa Hương, Ngã ba Đồng Lộc, Ngã ba Nghèn, Làng văn hóa Trường Lưu gắn với các di tích trên địa bàn để hình thành và phát triển tour, tuyến du lịch; đa dạng hóa loại hình, hình thành loại hình du lịch kết hợp tham quan và mua sản phẩm tại các trang trại vùng Trà Sơn, các làng nghề truyền thống. Tăng cường hợp tác trong hoạt động du lịch, hình thành các tuyến du lịch giữa các vùng, các địa phương trong, ngoài tỉnh và quốc tế, đáp ứng nhu cầu của du khách và góp phần tăng thu ngân sách địa phương.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của quê hương, với những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân Can Lộc đang từng bước hiện thực hóa những mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, biến vùng đất địa linh nhân kiệt thành địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách gần xa, góp phần vào sự phát triển của quê hương Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Tôi không biết điều kỳ diệu nào đã giữ bà tôi gắng gượng ở lại đón cái Tết cuối cùng với gia đình năm đó. Nhưng mãi về sau này, trên những hành trình xuôi ngược, tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn len màu xanh bà trao cho tôi ngày ấy...
Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Nỗi nhớ bỗng thắt chặt ngực tôi lúc này khi chợt nhận ra, đã bao nhiêu năm mình lỗi hẹn, đã bao nhiêu cái Tết cứ vội vã trở về để rồi lại vội vã đi...
CNN lan tỏa vẻ đẹp du lịch Việt Nam ra thế giới

CNN lan tỏa vẻ đẹp du lịch Việt Nam ra thế giới

Video clip về hình ảnh du lịch Việt Nam được phát sóng trên kênh truyền hình và các nền tảng kỹ thuật số của CNN. Chỉ gói gọn trong 30 giây song video đã vẽ nên một bức tranh sống động và lôi cuốn về mảnh đất hình chữ "S" xinh đẹp, chạm đến trái tim của khán giả và du khách.
Xem trận địa pháo hoa mừng ngày lễ trọng ở Hà Tĩnh

Xem trận địa pháo hoa mừng ngày lễ trọng ở Hà Tĩnh

500 quả pháo hoa tầm cao và 90 giàn pháo hoa tầm thấp đã sẵn sàng khai hỏa vào tối nay (27/12) tại Quảng trường Thành Sen (TP Hà Tĩnh) sau khi kết thúc Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Ngọn đuốc nhân văn của văn hóa nhân loại

Ngọn đuốc nhân văn của văn hóa nhân loại

Trong dòng chảy lịch sử văn hóa Việt Nam, Đại thi hào Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hiện lên như một ngọn đuốc sáng rọi, vượt lên cả thời gian và biên giới, điểm tô cho văn hóa nhân loại bằng sự nghiệp văn chương bất hủ và những di sản chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc.