Ông Đỗ Trọng Xuân (60 tuổi) ở quận 5, TP HCM, từng theo nghiệp diễn xuất từ khi còn trẻ. Thế nhưng, trong một lần tiếp xúc với dàn âm thanh của một người bạn vào năm 1985, ông đã bị các cung bậc của âm thanh thuyết phục. Dù đang trên đà thăng tiến, ông Xuân vẫn quyết định ngừng đóng phim để tập trung toàn thời gian cho việc chơi âm thanh. Biệt danh "gã điên" của ông xuất phát từ đây. "Thời gian đầu, mọi người ngăn cản tôi dữ lắm, bởi không chỉ bỏ ngang nghề, tôi còn lựa chọn thiết bị âm thanh để chơi. Mà thú chơi này hết sức tốn kém cả thời gian lẫn tiền bạc", ông Xuân kể lại.
Ông Xuân có cách chơi âm thanh "có một không hai". Trong căn phòng dài 4 mét, rộng 3,8 mét và cao 1,8 mét, ông bày trí rất nhiều đồ đạc. Nếu nhìn qua, ai cũng nghĩ đây là một mớ bừa bộn.
"Nhiều người gặp tôi, kể cả những người sành sỏi về âm thanh từ nước ngoài cũng nhận xét căn phòng bừa bộn như một vựa ve chai. Thế nhưng, họ đều ngạc nhiên khi tiếng nhạc bật lên", ông Xuân chia sẻ.
Ông Xuân cho biết, nhìn có vẻ bừa bộn nhưng việc sắp xếp các vật dụng rất khoa học và có chủ đích. "Để có được cách sắp xếp này, tôi đã nghiên cứu rất nhiều năm. Nó như hiệu ứng domino vậy, chỉ cần xê dịch một đồ vật dù nhỏ nhất, âm thanh cũng sẽ khác ngay", ông cho biết.
Nổi bật nhất của dàn âm thanh là cặp loa JBL Studio 4343A, được ông sắm cách đây 11 năm. Phía trước mỗi loa là các thanh gỗ được sắp xếp đều đặn do ông tự chế và gọi là "vi cá mập". Bộ phận này có công dụng khuếch tán âm thanh đều hơn ra toàn bộ căn phòng, thay vì chỉ hướng ra phía trước. Do đó, dù không gian nhỏ nhưng âm thanh lan tỏa, khiến người nghe có cảm giác như đang ngồi hàng ghế đầu tại rạp hát.
Setup căn phòng gồm loa JBL Studio 4343A, ampli Mcintosh - gồm 2 module MC75 "đánh" dãy trên và 2 module MC 275 "đánh" dãy dưới, pre-ampli C22, cơ Wadia 7, DAC AMR của Anh. Tất cả đều là phiên bản giới hạn, với tổng giá trị khoảng 40.000 USD. Tuy nhiên, các vật dụng phụ cũng chiếm tới hơn 40.000 USD, nâng tổng giá trị phòng âm thanh này lên hơn 80.000 USD.
Tuy nhiên, chủ nhân của căn phòng không nhấn mạnh vào bộ dàn máy, bởi theo ông, setup mới là thao tác quan trọng và nó đã làm ông tốn hơn 10 năm mày mò tìm hiểu. Những "quả đạn" này, hay những quả chuông, vật trang trí nhỏ cũng do ông tự chế ra nhằm chống rung, chống nhiễu âm thanh. "Tôi chủ yếu mua thiết bị âm thanh, còn dây dẫn đều mua ở các hàng ve chai, sau đó về tái sử dụng, nhờ đó mà tiết kiệm được một khoản để đầu tư vào các vật dụng khác", ông Xuân nói.
Bên cạnh đó, ông Xuân còn bố trí nhiều vật dụng và phụ kiện khác nhau, với các công dụng chủ yếu như tán âm, tiêu âm, định âm hình, chống rung, triệt nhiễu. Đa phần những vật dụng này đều do ông tự nghĩ ra và tự gia công.
Để triệt tiêu các âm vang, cũng như tái tạo âm chuẩn, ông đã dùng vải để gắn vào mọi ngóc ngách của căn phòng. "Ban đầu, tôi chỉ gắn lên một số khu vực nhỏ trên trần phòng, nhưng thấy hiệu quả nên tôi tiếp tục triển khai ra khắp phòng", ông chia sẻ.
Căn phòng nhạc của ông Đỗ Trọng Xuân.
Để biết được âm thanh chuẩn xác nhất, ông Xuân mua từng nhạc cụ về và chơi thử, mục đích là để tham chiếu, từ đó setup sao cho âm thanh giống với thực tế nhất. Trong phòng này, có đầy đủ kèn, trống, chiêng... từ nhạc cụ dân tộc đến nhạc cụ hiện đại. Ngoài ra, ông cũng tham chiếu âm thanh qua bộ tai nghe Audeze LCD-2.
Ông cũng có một bộ sưu tập băng đĩa lớn, lên tới hàng trăm cuốn để phục vụ cho việc nghe nhạc. Chúng được sưu tầm và lưu giữ cẩn thận từ khi ông mới bắt đầu chơi âm thanh đến nay. Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn, ông Xuân hài hước cho biết, điều khó khăn nhất để vượt qua chính là vợ ông. "Ban đầu, cô ấy không đồng ý cho tôi chơi âm thanh vì cho rằng nó tốn thời gian và tiền bạc này, nhưng khi thấy tôi đam mê quá, cô ấy chuyển sang ủng hộ, quán xuyến mọi thứ trong gia đình để tôi tập trung vào sở thích. Đó cũng là niềm hạnh phúc của tôi, và có lẽ là cả những anh em có vợ ủng hộ chơi âm thanh", ông chia sẻ.
Ông Xuân cũng đưa ra lời khuyên, rằng với những ai tập chơi, việc nghe là quan trọng nhất. "Phải luyện nghe, phải cảm thụ âm nhạc được mới nghĩ đến việc chơi âm thanh, nếu không rất dễ bỏ cuộc", ông chia sẻ. Bên cạnh đó, những người mới chơi nên hiểu rõ âm học, từ đó setup tốt hơn. Hoặc nếu có thể, nên thường xuyên tiếp xúc với những người thành công để học hỏi kinh nghiệm của họ.
Nghe nhạc trong căn phòng của ông Đỗ Trọng Xuân