Cánh rừng chứa đầy chum đá khổng lồ

Một nhóm nhà nghiên cứu tìm thấy vô số chum đẽo từ đá liền khối trong rừng rậm nhưng không rõ mục đích sử dụng hay lý do chúng bị chôn vùi.

Cánh rừng chứa đầy chum đá khổng lồ

Chum đá trong cánh rừng ở Assam. Ảnh: Tilok Thakuria

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Quốc gia Australia (ANU) phát hiện cánh rừng ở tỉnh Dima Hasao, Assam, Ấn Độ, trong lúc khảo sát khu vực vào năm 2020. Những chum đá vôi kỳ lạ chôn dưới đất được phát hiện lần đầu tiên ở Assam vào đầu thập niên 1900, nhưng không được ghi chép hệ thống cho tới giữa những năm 2010, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Asian Archaeology. Trong đợt khảo sát năm 2020, nhóm nghiên cứu tìm thấy 4 khu vực chum đá cự thạch. Ban đầu, họ lên kế hoạch kiểm tra khu vực đã biết ở Assam, nhưng khi bắt đầu khám phá khu rừng rậm, họ tìm thấy ngày càng nhiều chum đá vôi hơn.

Trước đây, những chum đá cổ đại từng được tìm thấy ở nhiều nước khác, bao gồm Indonesia và Lào. Các nhà nghiên cứu cho rằng khu vực Assam có liên quan tới cánh đồng chum ở Lào, nằm cách đó khoảng 805 km về phía đông nam. Tại Lào, một số chum đá có kích thước khổng lồ, cao tới 3 m và rộng 2 m. Số chum này chứa hài cốt hỏa táng, chứng tỏ chúng được tạo ra để mai táng người chết.

Tác giả nghiên cứu Nicholas Skopal cho biết tại Assam, họ mới chỉ khai quật gần mặt đất và chắc chắn càng tìm kiếm, số lượng chum sẽ ngày càng nhiều hơn. Skopal và cộng sự chưa xác định niên đại chum đá ở Assam, nhưng chum đá ở Lào có từ năm 1.000 trước Công nguyên. Họ không biết hai khu vực có thuộc cùng nền văn hóa hoặc liệu có những nhóm dân cư mới chuyển tới trong vùng hay không.

Nhóm nghiên cứu có thể tính niên đại chum đá ở Assam bằng kỹ thuật lấy mẫu trầm tích và phân tích để xem xét khi nào ánh sáng Mặt Trời chiếu tới đó lần cuối. Sau khi biết độ tuổi của chum đá ở Assam, họ có thể giải đáp nền văn minh chuyển từ Lào tới Assam hay ngược lại. Các chum đá nằm ngoài trời và trong nhiều năm, đồ vật bên trong đã bị đem đi.

Skopal và cộng sự hy vọng có thể tìm thấy nhiều chiếc chum nguyên vẹn ở khu vực hẻo lánh hơn nhằm tìm hiểu nhiều hơn về mục đích sử dụng và lý do chúng bị chôn vùi. Theo ông, ở vài địa điểm, những chiếc chum nhỏ được chôn quanh chum lớn hơn. Chúng dường như đẽo từ đá tảng. Có bằng chứng về một mỏ đá ở Assam, nhưng đá dùng để sản xuất chum có thể đến từ lòng sông hoặc suối. Có thể hàng trăm người đàn ông đã được huy động để kéo tảng đá hoặc đẩy bằng ròng rọc.

Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch quay trở lại Assam để tìm kiếm thêm trước khi chum đá bị thất lạc do hoạt động phát quang rừng để trồng trọt.

Theo An Khang/VNE (Newsweek )

Đọc thêm

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.