Neuralink tập trung vào phát triển chip máy tính có thể cấy vào não người. Ảnh: Neuralink
Neuralink, công ty khởi nghiệp do tỷ phú Mỹ Elon Musk thành lập để kết nối trí não con người với máy tính, thông báo bước tiến mới hôm 30/11 ở hai lĩnh vực y tế là giúp người mù nhìn được và người bị thương ở cột sống đi lại hoặc sử dụng tay, theo Cnet. Neuralink đang phát triển công nghệ để xếp hàng nghìn điện cực mỏng hơn sợi tóc người lên bề mặt bộ não. Mỗi điện cực là một dây điện nhỏ nối với con chip hoạt động bằng pin và sạc từ xa gắn ở một điểm trên hộp sọ. Con chip có tên N1 sẽ liên lạc không dây với thế giới bên ngoài.
Công nghệ trên vẫn cần trải qua chặng đường dài trước khi ứng dụng y học và cuối cùng là giao tiếp với trí tuệ nhân tạo (AI) siêu thông minh. Nhưng Neuralink đã đạt nhiều bước tiến, bao gồm xin giấy phép từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) để bắt đầu thử nghiệm ở người trong vòng 6 tháng tới.
Trước đây, Neuralink từng chứng minh các điện cực có thể lắng nghe hoạt động bộ não. Bằng cách thu tín hiệu não từ con khỉ tên Pager chơi video game, những máy tính Neuralink học được cách giải nghĩa tín hiệu điều khiển vận động. Sau đó, con khỉ có thể điều khiển trò chơi thông qua tín hiệu não. Tại sự kiện mới nhất của Neuralink, công ty để con khỉ tên Sake sử dụng trí óc để làm theo các gợi ý và gõ lên bàn phím ảo. Thiết bị cấy ghép sạc không dây với con khỉ ngồi bên dưới bộ sạc gắn vào nhánh cây phía trên đầu.
Một thí nghiệm sử dụng điện cực ở tủy sống lợn để điều khiển những chuyển động chân khác nhau, công nghệ có thể giúp những người bị liệt tứ chi đi lại hoặc sử dụng tay. Phương pháp của Neuralink không chỉ bao gồm chặn lệnh chuyển động của bộ não và chuyển hướng tới chân mà còn nghe tín hiệu cảm giác từ các chi và truyền trở lại bộ não để bộ não biết điều gì đang xảy ra.
Một thí nghiệm khác đưa dữ liệu hình ảnh quay bằng camera vào vỏ não thị giác của khỉ, cho con vật thấy những tia sáng ảo khiến nó nghĩ bản thân đang ở các nơi khác nhau. Đó là công nghệ Neuralink hy vọng có thể giúp người mù nhìn thấy nhiều hình ảnh.
Công nghệ Neuralink thế hệ đầu sử dụng 1024 điện cực, nhưng công ty giới thiệu mô hình thế hệ tiếp theo với hơn 16.000 điện cực, giúp tăng đáng kể độ chính xác của hình ảnh mà người mù có thể nhìn thấy, theo nhà nghiên cứu Dan Adams.
Neuralink không phải công ty duy nhất theo đuổi công nghệ giao diện bộ não - máy móc (BMI) hoặc bộ não - máy tính (BCI). Các công ty khởi nghiệp cũng phát triển công nghệ này là BlackRock Neurotech, Precision Neuroscience, Synchron Medical và Paradromics. Synchron bắt đầu thử nghiệm trên người vào tháng 4 với 6 bệnh nhân, sử dụng một thiết bị giúp đỡ người bị liệt.
Theo Musk, công ty Neuralink sẽ sản xuất hàng triệu chip não và bản thân ông cũng sẽ cấy một con chip. Để đạt mục tiêu, công ty đang tìm cách tự động hóa công nghệ hết mức có thể. Robot R1 của công ty sẽ xâu các điện cực vào bộ não mà không gây tổn thương mạch máu. Thế hệ máy móc tiếp theo được thiết kế để xử lý những ca phẫu thuật phức tạp hơn, bao gồm cắt xuyên qua bộ não.