Chè được mùa, được giá, hứa "cho" nông dân đón tết đủ đầy

(Baohatinh.vn) - Chè đã trở thành cây kinh tế chủ lực của nhiều địa phương Hà Tĩnh. Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi cận kề, chè càng được mùa, được giá, nông dân phấn khởi bởi sẽ có một cái tết đủ đầy hơn.

Tấp cây guột quanh rãnh gốc chè kết hợp bón phân đã tạo độ mùn, độ ẩm và đất tơi xốp, giúp chè phát triển khỏe mạnh

“Chất đất, khí hậu thích hợp đã đành, song muốn cây chè phát triển tốt, cho vị ngọt đậm đà thì công chăm sóc, cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây đóng vai trò quan trọng. Để có vụ chè tết bội thu, sau khi cắt bỏ cành, làm cỏ sạch sẽ, tôi lên núi tìm cây guột (có nơi gọi là cây tiến hay cây bổi) về phơi khô và tấp ở các rãnh quanh gốc chè. Đồng thời, kết hợp bón phân để tạo độ mùn, độ ẩm, độ tơi xốp cho đất và hạn chế cỏ dại phát triển. Xuân sang, 4 sào chè khỏe mạnh, cây đâm chồi nảy lộc, cành bụ bẫm" – ông Trương Công Xanh, người đã gắn bó với cây chè 40 năm ở xã Bắc Sơn, Thạch Hà chia sẻ.

Ông Trần Văn Trình (thôn Kim Sơn – xã Bắc Sơn) phấn khởi: “Nhà tôi trồng 1,1 ha chè trong trang trại nhà mình. Nay chè đã vào vụ thu hoạch, vừa được mùa lại được giá. Bình thường giá chè bán tận gốc từ 35 – 40 ngàn đồng/yến thì nay đã lên từ 60 – 70 ngàn đồng/yến và càng cận tết giá chè càng tăng cao, có thể từ 100 – 120 ngàn đồng/yến. Với 1,1 ha chè, riêng vụ tết này, gia đình sẽ thu hoạch được trên 5 tấn, giá trị khoảng 35 triệu đồng”.

Với 4 sào chè trồng xen dắm cam, bưởi trong vườn, tết này gia đình ông ông Trương Công Xanh (xã Bắc Sơn - Thạch Hà) dự kiến thu về hàng chục triệu đồng

Chị Lê Thị Hương – thương lái ở TP. Hà Tĩnh cho hay: “Để cung cấp đủ chè phục vụ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tôi đã đặt mua tận vườn của nhiều hộ có diện tích lớn, sản phẩm chất lượng ở xã Bắc Sơn. Mỗi ngày tôi đều lên cắt với số lượng chè lớn để nhập ra TP. Vinh, TP. Hà Tĩnh và các vùng phụ cận. Hiện nay, giá chè đang tăng cao so với ngày thường và dự báo càng cận tết giá sẽ tiếp tục lên nữa.”

Cùng chung niềm vui, bà con nông dân xã Thượng Lộc - Can Lộc đang phấn khởi bước vào vụ thu hoạch quan trọng nhất trong năm. Những người có thâm niên trồng chè ở đây cho biết, để có chè thơm ngon, đậm vị phải tỉ mẩn trong khâu chọn giống, làm đất và chăm sóc.

Sở dĩ chè Thượng Lộc được thị trường ưa chuộng là bởi nét đặc trưng riêng có. Lá chè Thượng Lộc không quá to bản, xanh và rất dày. Nước chè xanh, trong, cho mùi thơm dịu nhẹ. Khi mới uống sẽ có vị chát đầu lưỡi, nhưng càng uống sẽ cảm nhận được vị ngọt tự nhiên, rất đậm đà.

Chè Thượng Lộc được nhiều người ưa dùng

Ông Nguyễn Xuân Diệu – Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: “Chè là cây trồng lâu năm của địa phương. Những năm gần đây, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền đã tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ vườn tạp nên diện tích chè tăng lên với 60 ha, tập trung tại các thôn Sơn Bình, Nam Phong, Thanh Mỹ, Vĩnh Xá… Nhờ tuân thủ quy trình chăm sóc kỹ thuật, cây cho sản phẩm chất lượng, được mùa, được giá. Mỗi ha chè bình quân cho thu từ 100 – 120 triệu đồng/năm, có nhiều hộ riêng vụ tết đã thu về từ 50 - 60 triệu đồng”.

Chè đã trở thành cây kinh tế chủ lực của Hà Tĩnh với diện tích trên 2.421 ha

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, Hà Tĩnh hiện có trên 2.421 ha chè, tập trung ở các huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Thạch Hà… Nhờ áp dụng sản xuất giống mới gắn với quy trình chăm sóc theo khoa học kỹ thuật nên chè đã trở thành cây kinh tế chủ lực của nhiều địa phương, cho năng suất khá cao, khoảng 10 tấn/ha/năm. Dự báo một mùa chè tết bội thu sẽ tạo động lực để người dân Hà Tĩnh tiếp tục bước vào vụ sản xuất mới với tâm thế chủ động, tích cực ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất để cho năng suất cao hơn.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói