Chiếc đồng hồ cổ nhất còn hoạt động trên thế giới

Đồng hồ 1505 hình quả cầu nhỏ bằng đồng mạ vàng, là sự kết hợp giữa kỹ thuật của Đức và bản sắc phương Đông.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đồng hồ 1505 được chế tác vô cùng tinh xảo. Ảnh: Wikimedia
Đồng hồ 1505 được chế tác vô cùng tinh xảo. Ảnh: Wikimedia

Năm 1987, trong chuyến dã ngoại tới London, một thợ làm đồng hồ tập sự tình cờ bắt gặp món đồ hiếm ở cửa hàng đồ cổ. Bị che khuất trong chiếc hộp chứa đầy đồ vật linh tinh bằng kim loại cũ kỹ là một chiếc đồng hồ thú vị. Quả cầu bằng đồng nhỏ này có thể mở ra, để lộ hình bán cầu nhỏ hơn ở bên trong. Ở mặt trên của hình bán cầu là đĩa số khắc chữ số La Mã và Arab, đặc điểm của thiết kế đồng hồ nổi tiếng rất thịnh hành ở Đức thế kỷ 16.

Không biết tầm quan trọng của phát hiện, người thợ tập sự bán lại chiếc đồng hồ, khởi đầu chuỗi giao dịch cuối cùng khiến món đồ rơi vào tay một nhà sưu tập tư nhân năm 2002. Khi đó, tầm quan trọng và độ tin cậy của chiếc đồng hồ mới sáng tỏ. Mang tên Đồng hồ 1505 hay Đồng hồ táo hổ phách 1505, món đồ tạo tác đặc biệt này được cho là chiếc đồng hồ cổ nhất còn hoạt động trên thế giới, theo Amusing Planet.

Đồng hồ 1505 là đồ chế tác thủ công của thợ khóa kiêm nhà làm đồng hồ nổi tiếng đến từ Nuremberg Peter Henlein, một trong những người tiên phong phát triển đồng hồ trang trí di động nhỏ. Những chiếc đồng hồ cỡ nhỏ này thường được đeo như mặt dây chuyền hoặc gắn trên quần áo, cả để trang trí và xem giờ.

Henlein sinh ra và lớn lên ở Nuremberg. Là con trai của một thợ rèn, ông nhanh chóng theo nghề thợ khóa. Vào thời đó, thợ khóa nằm trong số ít những thợ thủ công có kỹ năng và công cụ để bước vào lĩnh vực mới là làm đồng hồ. Năm 1504, sau tai nạn không may dẫn tới cái chết của một người bạn cũng là thợ khóa, Henlein lánh nạn trong tu viện Franciscan ở Nuremberg và sống ở đó cho tới năm 1508. Phía sau những bức tường tu viện, Henlein tìm thấy môi trường giàu tri thức khoa học và thiên văn học. Nhiều khả năng trong suốt thời gian ở ẩn, Henlein ngày càng am hiểu hơn về chế tác đồng hồ, thậm chí tạo ra kiệt tác như đồng hồ 1505.

Các nhà nghiên cứu có thể xác định năm chiếc đồng hồ ra đời bởi Henlein đã khắc ngày tháng và chữ cái đầu tên ông ở bên trong chiếc đồng hồ. Dưới thời đó, thợ khóa không được phép lưu tên trên những đồ vật họ tạo ra, vì vậy nhà phát minh phải giấu chữ cái đầu tên ông trong hình khắc thô sơ cao chưa đến một milimet, chỉ có thể nhìn được qua một chiếc kính lúp lớn. Ngoài chữ viết tắt tên riêng, tên vỏ đồng hồ, Henlein còn khắc dòng chữ bằng tiếng Latinh có nghĩa "1505 – Thời gian sẽ trốn tránh ta (Henlein), nhưng ta (chiếc đồng hồ) sẽ nhận ra được thời gian chính xác".

Chiếc đồng hồ này chủ yếu ra đời nhờ khả năng thu nhỏ con lắc xoắn và cơ cấu lò xo đàn hồi tới quy mô chưa từng thấy mà Henlein đạt được, một thành tựu công nghệ mới mẻ đương thời. Thông qua biến đồng hồ thành thiết bị đo giờ di động cơ thể đeo trên người, Henlein không chỉ cá nhân hóa đồng hồ mà còn thay đổi cách con người đo và quản lý thời gian.

Trong suốt cuộc đời, Henlein đã tạo ra nhiều chiếc đồng hồ và thiết bị, bao gồm đồng hồ nhỏ hình trống mang tên trứng Nuremberg. Ông cũng xây dựng một tháp đồng hồ cho lâu đài Lichtenau năm 1541 và chế tác nhiều thiết bị khoa học tinh vi. Chỉ có hai chiếc đồng hồ táo hổ phách còn tồn tại trên thế giới. Một chiếc là Đồng hồ 1505 nằm trong bộ sưu tập tư nhân, còn lại là Đồng hồ táo hổ phách Melanchthon thuộc sở hữu của Bảo tàng nghệ thuật Walters tại Baltimore từ năm 1530.

vnexpress.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast