Dồn sức khắc phục hậu quả lũ lụt, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống

Đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 29-9 đến 5-10 vừa qua đã gây ngập lụt hoàn toàn và làm cô lập 42 xã thuộc các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Cẩm Xuyên và Hương Sơn. Đặc biệt nghiêm trọng là mưa lũ đã làm 12 người chết, gần 20 ngàn hộ dân bị ngập, trong đó gần 2.000 nhà bị sập đổ. Những ngày này, cả nước đang hướng về "khúc ruột miền Trung" nói chung và nhân dân vùng lũ Hà Tĩnh nói riêng bằng những tình cảm và vật chất thiết thực nhất...

Đợt lũ lớn lại trùng vào thời điểm sản xuất vụ đông, khi Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta chưa khắc phục xong hậu quả của cơn bão số 3 (ngày 25-8) làm cho tình hình thiệt hại vô cùng to lớn. Theo thống kê ban đầu, 1.708 ha lúa mùa, 2.412 ha ngô đông, 682 ha khoai đông, 1.638 ha rau màu bị ngập; 32.150 con gia súc, gia cầm bị trôi chết; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, cầu cống, trường học, trạm xá, cột điện bị hư hỏng, gãy đổ. Thiệt hại ban đầu ước gần 846 tỷ đồng.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và tỉnh Hà Tĩnh tặng quà cho người dân vùng lũ Hương Khê.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và tỉnh Hà Tĩnh tặng quà cho người dân vùng lũ Hương Khê.

Cơn lũ vừa qua được đánh giá là một trong những cơn lũ lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh ta. Mưa to kéo dài làm nước dâng rất nhanh nên dẫu đã xác định "sống chung với lũ" nhưng nhiều người vẫn không kịp trở tay.

Điều đáng ghi nhận là với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, ý thức cao của người dân trong công tác phòng chống bão lũ với phương châm "4 tại chỗ" nên ngoài thiệt hại bất khả kháng, chúng ta đã hạn chế được tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Ngay trong mưa lũ, Tỉnh ủy đã có chủ trương hoãn tất cả cuộc họp, kể cả kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa XV đã được ấn định vào ngày 5-10, phân công các đồng chí trong BTV, BCH Tỉnh ủy cùng các ban ngành, đoàn thể tổ chức các đoàn công tác xuống các địa phương bị ngập lụt giúp người dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống.

Người dân Hương Khê nhận hàng cứu trợ.

Người dân Hương Khê nhận hàng cứu trợ.

Giữa mưa lũ, nước dâng, trong đói rét bủa vây, người dân vùng lũ không hề đơn độc với sự có mặt kịp thời và những tình cảm thân thương, sẻ chia sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, của tỉnh. Cảm động làm sao hình ảnh Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy vượt lũ mang từng gói mì tôm đến tận tay từng người dân, giúp họ qua cơn đói. Trong mưa lũ, các lực lượng công an, bộ đội, biên phòng, thanh niên tình nguyện đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc để người dân vượt qua mọi đau thương, thử thách. Những nghĩa cử ấm lòng đó là biểu tượng đẹp đẽ của niềm tin, của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thể hiện mục tiêu cao đẹp nhất của Đảng ta là lo cho dân, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh giúp dân vùng lũ khắc phục hậu quả.

Cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh giúp dân vùng lũ khắc phục hậu quả.

Với truyền thống sẻ chia "tương thân tương ái" của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử, từ trong bão lũ càng sáng ngời thêm lòng nhân ái, "thương người như thể thương thân". Những ngày này, cả nước đang hướng về "khúc ruột miền Trung" bằng những tình cảm và vật chất thiết thực nhất. Trên địa bàn tỉnh ta, ngay khi mưa dứt, UB MTTQ Việt Nam tỉnh đã ra lời kêu gọi vận động toàn dân ủng hộ đồng bào bị thiệt hại và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, cán bộ công chức, lao động.

Đặc biệt, nhiều địa phương, đơn vị, các doanh nghiệp, tổ chức, các cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã trực tiếp về Hà Tĩnh để trao những đồng tiền, món quà tình nghĩa. Đến chiều 11-10, đã có 241 cá nhân, tổ chức, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở Hà Tĩnh với số tiền 10,3 đồng (đã chuyển vào tài khoản 2,8 tỷ đồng), 40 tấn gạo, mỳ tôm, bánh kẹo, 15 ngàn bộ quần áo và một số loại hàng hóa khác. Riêng Chính phủ hỗ trợ Hà Tĩnh 100 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo. Báo Hà Tĩnh (báo viết và báo mạng) với những thông tin kịp thời, với sự năng động của BBT đã tranh thủ được sự giúp đỡ của đồng nghiệp Báo Hà Nội mới, Công ty Bảo hiểm Prudential với số tiền 570 triệu đồng ủng hộ đồng bào vùng lũ.

ĐVTN tình nguyện tham gia làm vệ sinh môi trường tại các trường học vùng lũ Hương Khê và Vũ Quang.

ĐVTN tình nguyện tham gia làm vệ sinh môi trường tại các trường học vùng lũ Hương Khê và Vũ Quang.

Dẫu nắng đã lên, nước đã rút nhưng chính quyền địa phương và bà con vùng lũ đang phải đối mặt với chồng chất khó khăn. Đó là thiếu lương thực, quần áo, tiền bạc sửa sang, dựng xây nhà cửa, ổn định cuộc sống, mua cây con giống phục vụ sản xuất, hạ tầng cơ sở hư hỏng, xuống cấp. Đó là nguy cơ thiếu nước sạch, dịch sốt xuất huyết, mắt đỏ, tiêu chảy hoành hành… Do vậy, các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đặc biệt là 2 huyện Vũ Quang, Hương Khê cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, phối hợp với ngành Y tế để nước rút đến đâu tiến hành làm vệ sinh và xử lý môi trường đến đó, quyết không để dịch bệnh xẩy ra, lây lan diện rộng, khẩn trương dọn dẹp vệ sinh trường lớp để các em tiếp tục được đến trường.Đồng thời làm tốt công tác phân phối hàng cứu trợ đến tận tay người dân , đảm bảo kịp thời ,minh bạch, công khai.

Lực lượng công an chuyển hàng cứu trợ cho người dân vùng lũ.

Lực lượng công an chuyển hàng cứu trợ cho người dân vùng lũ.

Trong tình hình kinh tế khu vực cũng như cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn, mỗi một cán bộ công chức cũng như mỗi người dân càng phải thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí, gom góp từng đồng tiền, bát gạo để giúp đỡ người dân gặp hoạn nạn. Bản thân người dân bị thiệt hại cũng phải gượng dậy từ những mất mát đau thương để sớm bắt tay ổn định cuộc sống. Với sự quan tâm, giúp đỡ của đồng bào trong và ngoài nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền, chắc chắn Hà Tĩnh sẽ sớm khắc phục khó khăn, từng bước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast