Khoa giáo - rường cột trong công tác tư tưởng của Đảng

(Baohatinh.vn) - Công tác khoa giáo của Đảng ra đời vào năm 1968, khi đất nước chuẩn bị bước vào công cuộc xây dựng mới sau chiến tranh. Do đó, khoa giáo là bộ phận công tác tư tưởng của Đảng gắn liền với công cuộc xây dựng đất nước.

Kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2015)

Đã có một thời, trong các ban tham mưu của tỉnh, thành ủy và trung ương có ban khoa giáo riêng, bên cạnh ban tuyên huấn. Nay, do yêu cầu giảm bớt đầu mối nên trung ương đã có chủ trương sáp nhập tuyên huấn với khoa giáo thành ban tuyên giáo. Bộ phận khoa giáo ở địa phương chỉ để lại phòng khoa giáo trong ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy. Ở Hà Tĩnh, theo Quy định số 217QĐ/TU ngày 23/11/2001 của BTV Tỉnh ủy thì Ban Tuyên giáo là cơ quan tham mưu giúp cấp ủy hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo các lĩnh vực tuyên giáo, trong đó có khoa giáo.

Khoa giáo - rường cột trong công tác tư tưởng của Đảng ảnh 1

Đội ngũ làm công tác tuyên giáo có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và định hướng dư luận

Ban có nhiệm vụ giúp cấp ủy nghiên cứu, theo dõi, tổng hợp tình hình tư tưởng, hoạt động của các lĩnh vực khoa giáo; chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức học tập quán triệt, triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của trung ương và cấp ủy địa phương; tham gia chuẩn bị các nghị quyết, quyết định của cấp ủy; giúp cấp ủy thẩm định các đề án, chỉ đạo một số vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực công tác tư tưởng, văn hóa, khoa giáo của tỉnh; tham gia công tác cán bộ và chính sách cán bộ trong khối thuộc diện Tỉnh ủy quản lý.

Nói cấp ủy Đảng lãnh đạo toàn diện, nhưng hiệu quả của nó tùy thuộc rất lớn vào các bộ phận tham mưu. Thực tiễn cho thấy, trong công cuộc đổi mới hôm nay, rất nhiều vấn đề tư tưởng nảy sinh từ lĩnh vực khoa giáo: những nguyên tắc chung, vận dụng thành tựu nghiên cứu khoa học, chỉ đạo thực tiễn, công tác đào tạo cán bộ đến các lĩnh vực an sinh xã hội, vui chơi giải trí... Các lĩnh vực sự nghiệp trong khối khoa giáo phần lớn liên quan mật thiết đến lợi ích cộng đồng xã hội. Nếu không có tham mưu tốt, chắc chắn không ít vấn đề đặt ra làm phức tạp thêm cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp.

Hiện nay, bộ phận chuyên trách khoa giáo của cấp ủy từ trung ương đến địa phương còn lại rất ít. Bởi vậy, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo đúng yêu cầu công việc gặp nhiều khó khăn. Phần lớn cán bộ khoa giáo chỉ mới tập trung làm công tác theo dõi, phản ánh với cấp trên, chứ chưa đảm nhận được nhiều chức trách khác. Từ đó, trên các lĩnh vực khoa giáo cũng xuất hiện rất nhiều vấn đề khiến xã hội quan tâm, đặt ra yêu cầu phải có biện pháp giải quyết.

Từ thực tiễn hoạt động công tác khoa giáo có thể thấy, bản chất của công tác khoa giáo là công tác tri thức. Khác với hoạt động bề nổi của tuyên truyền cổ động, công tác khoa giáo thường chìm lắng và đòi hỏi chiều sâu về trí tuệ. Theo dõi, tham mưu, giúp cấp ủy thường ngày chỉ đạo giải quyết các vấn đề cơ bản theo định hướng, quan điểm của Đảng, chứ không can thiệp giải quyết các vụ việc chuyên môn trong từng lĩnh vực. Công tác khoa giáo theo dõi, giám sát đòi hỏi “bác sĩ chữa bệnh”, “thầy giáo dạy học” theo hướng nào, ai nên khen, ai đáng chê và làm sao để kết quả, chất lượng phục vụ nhân dân được tốt hơn. Bởi vậy, không quan tâm đầy đủ đến hoạt động khoa giáo là chưa quan tâm đầy đủ đến hoạt động tri thức trên lĩnh vực này.

Mặt khác, công tác trong lĩnh vực khoa giáo đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ am hiểu sâu sắc lĩnh vực phụ trách; vừa có trình độ chuyên môn, vừa có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Điều này giúp cán bộ khoa giáo khi đưa ra những quan điểm, nhận định đánh giá, tham mưu cấp ủy không bị cản trở hoạt động chuyên môn, trái lại, làm cho hoạt động chuyên môn càng thêm thuận lợi. Mặt khác, chính công tác khoa giáo giúp cấp ủy và các ngành chuyên môn tránh được những chủ trương, kế hoạch không sát với thực tiễn, độc quyền, không phù hợp với lợi ích chung.

Thứ nữa, đội ngũ làm công tác khoa giáo không chỉ cần trình độ chuyên môn tốt, nắm chắc quan điểm cơ bản của Đảng mà còn phải có bản lĩnh, dám đương đầu với những biểu hiện lệch lạc và dám nói lên tiếng nói trung thực của mình với các cấp lãnh đạo.

Hiện nay, khi nhân loại đang tiến sâu vào nền kinh tế tri thức, con đường hội nhập, toàn cầu hóa với sự tiến nhanh như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, thì công tác khoa giáo càng có vai trò to lớn trong tiến trình phát triển của đất nước nói chung, mỗi địa phương nói riêng. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng công tác khoa giáo, các cấp ủy đảng không chỉ cần quan tâm, bố trí cán bộ có chất lượng, tạo điều kiện về phương tiện, thiết bị làm việc mà điều quan trọng nhất là phải có cơ chế phát huy cao vai trò trí tuệ, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ hoạt động trên lĩnh vực đòi hỏi chiều sâu trí tuệ này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast