Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Ngày 3/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã tổ chức họp báo giới thiệu các hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 - 1/1/2014), tại Thừa Thiên - Huế (quê hương ông) và Hà Nội nhằm tôn vinh những cống hiến to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với cách mạng Việt Nam nói chung và quê hương Thừa Thiên - Huế nói riêng.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: wikipedia.org
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: wikipedia.org

Theo kế hoạch, các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh diễn ra từ ngày 22/12/2013 đến 9/1/2014; điểm nhấn là lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng vào ngày 31/12 tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Dịp này, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế còn phối hợp với các bộ, ban, ngành ở Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên - Huế"; xây dựng bộ phim tài liệu lịch sử về cuộc đời, hoạt động của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; xuất bản sách, phát hành bộ tem đặc biệt về Đại tướng; tổ chức công diễn vở kịch "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong như ngọc một con người"; tổ chức tuyên truyền, trưng bày về thân thế, sự nghiệp và xây dựng tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại quê hương ông.

Theo lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên - Huế, đầu tháng 7/1937, Nguyễn Vịnh (tức Nguyễn Chí Thanh) được kết nạp vào Đảng, ông đã tìm được con đường đúng đắn đi theo cách mạng. Ông được chi bộ giao nhiệm vụ đi tuyên truyền cách mạng ở 2 huyện Quảng Điền và Phong Điền. Để tuyên truyền cách mạng và vận động quần chúng, người cộng sản Thừa Thiên - Huế đã bắt mối liên lạc, tập hợp quần chúng, xây dựng tổ chức, thu hút đông đảo quần chúng ở các huyện Quảng Điền và Phong Điền hăng hái tham gia cách mạng. Trải qua thử thách trong đấu tranh chính trị, Nguyễn Vịnh tỏ ra là người chiến sỹ tiên phong của giai cấp công nhân. Đầu năm 1938, Nguyễn Vịnh được chỉ định tham gia Tỉnh ủy lâm thời rồi được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.

Từ năm 1938-1943, Nguyễn Vịnh bị Pháp bắt nhiều lần, giam tại các nhà lao Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Mê Thuột, tháng 3/1945 ông ra tù. Tháng 8/1945, ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (lấy bí danh Nguyễn Chí Thanh). Năm 1950, ông làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1951, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng. Năm 1959, ông được phong Đại tướng. Từ năm 1960 - 1964, ông làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương. Từ năm 1965-1967, ông vào Nam, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Ở cương vị công tác nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Phong trào "gió Đại Phong" gắn liền với tên tuổi Nguyễn Chí Thanh khi ông làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau và đều có khả năng phát triển lĩnh vực đó thành ngọn cờ đầu nên còn được gọi là "Vị tướng phong trào". Ông còn nổi tiếng với việc đề ra chiến thuật đánh áp sát của Quân Giải phóng miền Nam với phương châm "Nắm thắt lưng địch mà đánh". Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất ngày 6/7/1967 tại Hà Nội do một cơn đau tim, trước khi nhận lệnh trở lại chiến trường miền Nam.

Quốc Việt

Nguồn: baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast