Mở rộng đối tượng, gia tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội

(Baohatinh.vn) - Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đoàn Hà Tĩnh đã có nhiều ý kiến thiết thực, trách nhiệm, góp phần tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Mở rộng đối tượng, gia tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội

Các ĐBQH đoàn Hà Tĩnh tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tránh tình trạng trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội

Đồng tình với việc cần thiết sửa đổi Luật BHXH song góp ý vào các điều khoản của dự thảo luật, đại biểu Trần Đình Gia - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Tại điểm a, khoản 1, Điều 3 về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện cần bổ sung cụm từ “thu nhập từ công việc theo thỏa thuận đó”, thành: “Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương, thu nhập từ công việc theo thỏa thuận đó và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, trừ hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động”.

Vì thực tiễn phát sinh nhiều loại hợp đồng hoặc thỏa thuận, giao kết giữa cá nhân, tổ chức hoặc các cá nhân để thực hiện nhiệm vụ, công việc theo thỏa thuận và có hưởng tiền lương, tiền công, thù lao hoặc thu nhập thường xuyên như người lao động làm việc trên nền tảng công nghệ (taxi công nghệ, hướng dẫn viên du lịch...). Đồng thời, tại khoản 1, Điều 24, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc”.

Cùng với đó, tại khoản 4, Điều 24 đề nghị nâng từ “15 tuổi” lên “18 tuổi”, thành: “Người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 điều này”, nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Bởi, 15 tuổi là tuổi đang đi học, độ tuổi này tài chính phụ thuộc hoàn toàn bố mẹ, người thân.

Mở rộng đối tượng, gia tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia tại Kỳ họp thứ 6.

Liên quan đến khoản 1, Điều 15 về chức năng của cơ quan BHXH, cần thay thế từ “đóng” bằng cụm từ “việc chấp hành pháp luật” và bổ sung cụm từ “của người sử dụng lao động và người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách” thành: “Cơ quan BHXH là cơ quan nhà nước do Chính phủ thành lập, có chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách và nhiệm vụ khác theo quy định của luật này”.

Về khoản 2, Điều 48 về điều kiện hưởng chế độ thai sản, đề nghị tăng từ “6 tháng” lên “9 tháng”, thành: “Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 điều này phải đóng BHXH từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi”. Vì nếu để điều kiện người lao động đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì sẽ phát sinh các trường hợp mang thai rồi mới tham gia BHXH để được hưởng chế độ thai sản, đây là kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng trục lợi Quỹ BHXH...; đồng thời, đề nghị Nhà nước có chính sách thai sản đảm bảo quyền lợi cho những phụ nữ sinh con nhưng không có điều kiện tham gia BHXH, tránh tình trạng trục lợi.

Tại khoản 1, Điều 94 về mức hưởng trợ cấp thai sản quy định: “Lao động nữ khi sinh con, lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2.000.000 đồng cho một con mới sinh”. Đây là một chính sách ưu việt, góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho những đối tượng được hưởng BHXH tự nguyện... Tuy nhiên, trong trường hợp phụ nữ đơn thân sinh con, đối tượng chăm sóc không phải là chồng sẽ không được hưởng chính sách này. Do đó, đề nghị xem xét, bổ sung chính sách đối với những phụ nữ đơn thân, người nuôi dưỡng, chăm sóc phụ nữ đơn thân khi sinh con.

Không vì mục tiêu gia tăng số người nộp BHXH mà bỏ qua nhu cầu và nguyện vọng của các đối tượng

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, Dự thảo Luật BHXH có nhiều quy định mang tính nhân văn, tác động sâu rộng hơn đến các đối tượng người lao động trong xã hội. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần phối hợp, rà soát quy định giữa chế độ tiền lương mới và chế độ BHXH, bảo đảm sự thống nhất trong các đối tượng đóng nộp, phạm vi, nội dung và căn cứ tính đóng BHXH.

Mở rộng đối tượng, gia tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ tham gia góp ý.

Dự thảo luật mở rộng thêm một số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có: Chủ hộ kinh doanh và người quản lý doanh nghiệp... quản lý điều hành hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX không hưởng lương, tỷ lệ đóng BHXH hằng tháng là 25% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm (vào quỹ ốm đau, thai sản 3% và quỹ hưu trí, tử tuất 22%). Trong khi các đối tượng khác như cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong các doanh nghiệp, cũng tỷ lệ đóng nộp 25% có 2 bên tham gia (người lao động 8% và người sử dụng lao động 17%), thì theo quy định như dự thảo luật, chủ hộ kinh doanh và người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành HTX, liên hiệp HTX không hưởng lương sẽ phải gánh hai vai (vừa là người sử dụng lao động, vừa là người lao động).

Mới đây, thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ dưới hình thức phỏng vấn sâu tới một số đối tượng là chủ hộ kinh doanh và người quản lý điều hành HTX không hưởng lương, khi được hỏi quan điểm của họ về việc tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc với tỷ lệ đóng và căn cứ đóng như quy định trong dự thảo luật thì 70% người được hỏi trả lời là không muốn tham gia và không có nhu cầu tham gia; còn 30% trả lời là việc tham gia này không thể là bắt buộc, mà phải là tự nguyện... Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo phải tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động bởi dự án luật, bảo đảm công bằng đối với các đối tượng này so với các đối tượng đóng BHXH khác. Không vì mục tiêu gia tăng số người nộp BHXH mà bỏ qua nhu cầu và nguyện vọng của các đối tượng; theo đó, cũng cần nghiên cứu, cân nhắc thêm các đối tượng trên nên tham gia BHXH là bắt buộc hay tự nguyện.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế vận dụng linh hoạt về quy định chế độ BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về nước trong trường hợp thu nhập không ổn định và liên tục; bảo đảm thu đúng, thu đủ nhưng cũng đáp ứng được quyền lợi cho người lao động... Theo đó, thời gian đi lao động ở nước ngoài quy định đóng BHXH bắt buộc, nhưng khi người lao động đó về nước nếu thu nhập không ổn định và liên tục, có thể chuyển sang đóng BHXH tự nguyện và được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với loại hình BHXH này, thời gian đóng BHXH được tính liên tục kể từ khi bắt đầu đóng BHXH.

Về điều kiện hưởng chế độ thai sản, Dự thảo luật mở rộng đối tượng được hưởng chế độ thai sản, trong đó có lao động nam đang tham gia BHXH có vợ sinh con (điểm e khoản 1 Điều 48). Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay một số phụ nữ có xu hướng không kết hôn nhưng vẫn có nhu cầu có con (đối tượng này tuy không nhiều nhưng cũng nên được hưởng chính sách của nhà nước về người chăm sóc khi sinh con)... Do vậy, đề nghị bổ sung thêm 1 điểm f khoản 1 Điều 48 về điều kiện đối tượng hưởng chế độ thai sản như sau: “Người lao động đang tham gia BHXH đăng ký phục vụ người phụ nữ sinh con”.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

HĐND các địa phương bàn giải pháp phát triển KT-XH thời gian tới

HĐND các địa phương bàn giải pháp phát triển KT-XH thời gian tới

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tú Anh tham dự kỳ họp của HĐND huyện Nghi Xuân, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Hà Văn Trọng tham dự kỳ họp của HĐND huyện Can Lộc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia tham dự kỳ họp của HĐND TX Hồng Lĩnh.
Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Đổi mới hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của cử tri

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Đổi mới hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của cử tri

2024 tiếp tục là năm thành công, ghi dấu nhiều kết quả nổi bật, toàn diện của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh với sự đổi mới, quyết tâm cao, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, thống nhất về nhận thức và hành động, bồi đắp niềm tin, kỳ vọng trong lòng cử tri và Nhân dân tỉnh nhà.
Phát huy truyền thống, xây dựng LLVT Hà Tĩnh theo hướng “tinh - gọn - mạnh”

Phát huy truyền thống, xây dựng LLVT Hà Tĩnh theo hướng “tinh - gọn - mạnh”

Cách đây 80 năm, trước yêu cầu của cách mạng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập và đánh dấu sự ra đời, phát triển của LLVT cách mạng Việt Nam. Hòa chung trong dòng chảy lịch sử đó, LLVT Hà Tĩnh đã ra đời và không ngừng chiến đấu, trưởng thành để hôm nay đã lớn mạnh theo hướng “tinh - gọn - mạnh”.
Tổng đại diện Giáo phận Hà Tĩnh chúc mừng Bộ CHQS tỉnh

Tổng đại diện Giáo phận Hà Tĩnh chúc mừng Bộ CHQS tỉnh

Thay mặt các linh mục, chức sắc, chức việc cùng bà con giáo dân tỉnh nhà, linh mục Gioan Baotixta Nguyễn Khắc Bá - Tổng đại diện Giáo phận Hà Tĩnh chúc mừng cán bộ, chiến sỹ LLVT Hà Tĩnh nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.