Nhà báo Quang Hường và những ký ức thiêng liêng về Đại tướng

Ở tuổi 70 lại đang điều trị tại Bệnh viện, song khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, cựu nhà báo Trương Quang Hường vội đến tìm tôi ở văn phòng Đại diện báo Nhà báo & Công luận.

Hai mắt đỏ hoe, anh cố kìm nén nỗi nhớ thương và những ký ức thiêng liêng của mình về vị Đại tướng huyền thoại khi trò chuyện. Anh lấy từ trong túi áo ra một bức ảnh đen trắng mà anh được chụp cùng Đại tướng đưa cho tôi xem. Tuy thời gian đã hơn ba thập kỷ, song do được giữ gìn cẩn thận nên bức ảnh vẫn rất rõ. Đại tướng với vầng trán rộng, bộ quần áo dạ xám, đôi mắt ngời ngợi tinh anh, chỉ tay về phiá trước. Ngay dưới bức ảnh là chữ ký lưu bút của Đại tướng tặng nhà báo Quang Hường ngày 1/1/2007.

Nhà báo Quang Hường và bức ảnh chụp chung có chữ ký của Đại tướng

Nhà báo Quang Hường và bức ảnh chụp chung có chữ ký của Đại tướng

Quang Hường kể lại trong rân rấn nước mắt: “Tuy là một nhà báo ở địa phương, nhưng được tháp tùng lãnh đạo tỉnh và Tư lệnh Quân khu IV đón và làm việc với Đại tướng nhiều lần nên tôi có cơ may được gặp và chụp ảnh Người khá nhiều. Nghe tin Đại tướng qua đời, tôi nghẹn ngào và khóc nấc lên như một đứa trẻ. Bởi với Người, tôi luôn dành trọn niềm kính trọng, tình yêu sâu sắc khó nói nên lời. Ở Đại tướng luôn toát lên vẻ gần gũi, đôn hậu của một người cha hiền, nhất là mỗi lần người trở về với đồng bào, chiến sĩ Quân khu IV. Tôi nhớ nhất hai lần trong số đó.

Tháng 10/1967, vào một đêm cuối thu, trời se lạnh. Đại tướng và Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng trên đường đi kiểm tra chiến trường phía Nam, rẽ vào thăm đồng bào và chiến sĩ huyện Kỳ Anh. Thời gian này, đế quốc Mỹ đánh phá Nam khu Bốn rất ác liệt. Theo lệnh của Quân khu, tỉnh và huyện Kỳ Anh lên kế hoạch đón và bảo vệ Đoàn công tác của Đại tướng rất chu đáo, nghiêm mật. Đoàn xe của Đại tướng toàn loại U- oat, ngụy trang kỹ lưỡng, chỉ bật đèn gầm, lặng lẽ tiến vào xã Kỳ Tân, nơi sơ tán của huyện ủy và UBND huyện.

Đón tiếp Đại tướng có các đồng chí: Đại tá Đàm Quang Trung –Tư lệnh Quân khu IV; Nguyễn Tiến Chương Phó Bí thư Tỉnh ủy; hai Trung tá Nguyễn Hy Vọng - Chính trị viên và Đỗ Kế Thoa - Chỉ huy trưởng Tỉnh đội; Dương Vấn - Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh, Nguyễn Toán - Chủ tịch huyện và một số người khác tôi không nhớ hết. Đại tướng bước xuống xe trong tiếng chào hoan hỷ của các cán bộ huyện Kỳ Anh. Chỉ đạo chiến tranh trong những năm tháng quyết liệt, cam go nhất nên trông Đại tướng có vẻ gầy đi, tóc bạc hơn, song đôi mắt của Người vẫn ánh lên vẻ sắc sảo,tinh anh đến kỳ lạ.

Nói chuyện với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của huyện, Đại tướng ân cần căn dặn: Kỳ Anh là một địa phương có vị trí chiến lược quan trọng của khu Bốn và cả nước; có Đèo Ngang vắt qua con đường Một huyết mạch vào Nam; có biển sâu, núi rừng hiểm trở. Nơi đây, Mỹ - Ngụy đã từng tung nhiều toán biệt kích vào thăm dò, quấy phá ta. Vì vậy, các đồng chí ở quân khu, tỉnh và huyện phải bố trí lực lượng thường trực chiến đấu mạnh, luôn nêu cao cảnh giác, bất luận trong tình huống nào cũng phải bảo đảm giao thông thông suốt, phục vụ hiệu quả cho việc vận chuyển bộ đội và vũ khí, trạng bị, hậu cần chi viện chiến trường miền Nam.

Chuyến ghé thăm, động viên Kỳ Anh của Đại tướng lần ấy diễn ra chỉ hơn tiếng đồng hồ, song tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm của đồng bào, lực lượng vũ trang trong toàn huyện. Vâng theo lời dạy bảo, động viên của Đại tướng, một phong trào thi đua quyết thắng diễn ra sôi nổi, rộng khắp.

Chỉ sau mấy tháng, LLVT xã Kỳ Lạc phối hợp với tiểu đoàn cao xạ Nguyễn Viết Xuân phục kích bắn rơi 2 máy bay, bắt sống cả giặc lái Mỹ. Trung đội nữ dân quân gái Kỳ Phương xuất hiện và lập tức nổi tiếng cả nước với chiến công bắn rơi 2 máy bay F4 của địch ở ngay chân núi Đèo Ngang. Khẩu đội trưởng Tưởng Thị Diên năm 1968 được vinh dự ra Hà Nội báo công với Bác Hồ và Đại tướng.

Tôi nhớ mãi phút giây hạnh phúc của một phóng viên chiến trường là được cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện và nhà quay phim Thái Dũng của Xưởng phim Thời sự - Tài liệu Trung ương tham gia chụp ảnh, quay phim với bà con chiến sĩ trong bộ phim nổi tiếng: “Hà Tĩnh – những ngày rực lửa”. Sau này, chúng tôi rất cảm động khi được nghe kể lại, chính Đại tướng đã xem bộ phim trên. Người cười rất vui khi thấy cảnh bà mẹ ở Hương Khê vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa hướng dẫn xe vào nơi ẩn nấp. Và khi trông thấy cảnh quay dân quân ta dùng xe trâu chở tên phi công Mỹ bị thương về tuyến sau, Đại tướng rất khoái chí khen: “Độc đáo quá, Việt Nam quá!”

Nói đến đây, Quang Hường trân trọng chỉ tay vào bức ảnh đen trắng đang nằm trên bàn, nói tiếp: “Vào khoảng tháng giêng năm 1975, trước lệnh ngừng bắn 4 tháng, Đại tướng từ Hà Nội vào công tác ở Quân khu IV. Thời gian này chiến trường miền Nam đang thắng lớn, tin vui dồn dập báo ra. Có lẽ thế nên trông thần sắc Đại tướng khác trước nhiều. Người bận bộ quân phục dạ xám, đeo quân hàm Đại tướng,cười rất vui.

Sau khi làm việc với Bộ tư lệnh Quân khu và lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đại tướng dành thời gian thăm hỏi, gặp gỡ các cán bộ trung cao cấp thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu tại hội trường lớn trong núi Đại Huệ - Nam Đàn. Đại tướng ân cần thăm hỏi tình hình sinh hoạt, bệnh tật, thuốc men… của bộ đội, đặc biệt là ở các đơn vị tuyến trước.

Tiếp đó, Người thông báo nhanh tình hình quốc tế và trong nước; diễn biến chiến sự ở các chiến trường. Quay xuống phía Trung tướng Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Lê Quang Hòa và các đồng chí trong Bộ tư lệnh, Đại tướng nhấn mạnh: Tình hình trên chiến trường và quốc tế rất có lợi cho ta. Các đồng chí phải chuẩn bị tổng lực chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng. Với Quân khu IV và các tỉnh, trước mắt cần tập trung vào việc đảm bảo giao thông thật thông suốt trong mọi tình huống, nhất là ở các trọng điểm như Bến Thủy- Ngã ba Đồng Lộc – Đèo Ngang… Sắp tới sẽ có diễn biến bất ngờ, vì thế nên toàn quân khu phải đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, có lệnh là lên đường, đã đi là chiến thắng. Những lời căn dặn của Đại tướng chứa đựng hàm ý sâu xa. Một nhật lệnh tuy ngắn gọn nhưng có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo ra hiệu ứng quyết tâm đánh thắng kẻ thù một cách cao độ trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Tranh thủ lúc giải lao, Quang Hường đề nghị Đại tướng chụp ảnh với Bộ Tư lệnh Quân khu và lãnh đạo các tỉnh. Chụp xong tấm ảnh cuối cùng giữa Đại tướng và Trung tướng Lê Quang Hòa, Quang Hường bỗng thấy Đại tướng tiến lại bên mình. Người cười rất hiền từ, cầm xem một trong hai chiếc máy ảnh Quang Hường đang sử dụng, rồi hỏi han sức khỏe, gia đình và công việc của anh. Đại tướng chỉ tay ra cánh đồng thẳng hướng về Làng Sen và bảo: “Cậu có thể lấy được toàn cảnh quê nội của Bác Hồ không?” Rất may và cũng hạnh phúc vô cùng cho Quang Hường, phóng viên nhiếp ảnh Triệu Hùng ở báo Quân đội đi tháp tùng Đại tướng đã làm được điều đó. Và tấm ảnh diệu kỳ, niềm hạnh phúc Quang Hường không ngờ lại tự đến! Triệu Hùng đã thu vào ống kính bức hình lịch sử: Đại tướng chỉ tay ra phái trước, bên cạnh đó là nhà báo Quang Hường cười tươi như hoa!

Số phận may mắn một lần nữa lại đến với anh. Sau 32 năm, nhân một chuyến ra chơi với cô con gái út Trương Mỹ Hạnh, Quang Hường được biết, anh Võ Hồng Nam – con trai út của Đại tướng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn HIPT – chính là thủ trưởng của con gái mình. Hai cha con được anh Võ Hồng Nam sắp xếp cho vào thăm và tặng lại Đại tướng bức ảnh nói trên.

Tuy đã không ít lần được phục vụ Đại tướng, nhưng lần diện kiến này lòng Quang Hường rất bồn chồn, hồi hộp. Nhưng rồi mọi lo lắng đã qua nhanh khi cha con anh được chính Đại tướng ân cần bắt tay,kéo vào phòng khách và hỏi han nhiều điều sau bao năm gặp lại.

Khi Quang Hường dâng tấm ảnh lên tặng ông, Đại tướng tỏ ra rất ngạc nhiên. Tuy đã ở tuổi 97 nhưng trí óc của Người vẫn vô cùng minh mẫn. Đại tướng nhớ ra ngay hoàn cảnh xuất xứ của bức ảnh này. Người nói, tôi rất yêu quý đồng bào và chiến sĩ Quân khu Bốn. Không phải chỉ ở đó có quê tôi, mà quân và dân Quân khu Bốn quả thật là rất anh hùng, đói nghèo nhưng thời nào cũng tận trung với đất nước.

Thấy Đại tướng đang vui, Quang Hường ngỏ ý xin Người ký tên vào tấm ảnh để làm kỷ niệm. Đại tướng đồng ý ngay. Người ký tên mình và đề ngày 1 tháng 1 năm 2007 vào phía dưới, mặt trước tấm ảnh. Trong sự xúc động cao độ, Quang Hường nói với tôi: “Anh xem, Đại tướng chẳng những là một thiên tài quân sự mà còn là một nhà tâm lý học bậc thầy. Hiểu rõ nguyện vọng của em, Người không lật ký phía sau mà ký ngay vào mặt trước của tấm ảnh…”

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast