Nhà cách mạng Nguyễn Tạo - Tổng Cục trưởng đầu tiên ngành Lâm nghiệp

Trong những ngày tháng 5 này, lực lượng Kiểm lâm cả nước đang náo nức chuẩn bị tổ chức kỷ niêm 40 năm thành lập ngành (21/5/1973 - 1/5/2013). Trong không khí ấy, nhiều cán bộ kiểm lâm kỳ cựu đã hồi tưởng lại không ít kỷ niệm sâu sắc và xúc động về cố Tổng cục trưởng Nguyễn Tạo, vị thủ trưởng đầu tiên và rất đáng kính trọng của ngành.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nhà cách mạng Nguyễn Tạo
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nhà cách mạng Nguyễn Tạo

Nguyễn Tạo (bí danh là Trần Châu Phong, Nguyễn Phủ Doãn), sinh năm 1905, tại xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình Nho học giàu truyền thống yêu nước và nghĩa khí. Từ trước năm 1926, ông đã tham gia Hội Phục Viêt, tiếp đến là Tân Việt cách mạng đảng (hậu thân của Hội Phục Việt) và cuối cùng là Đảng Cộng sản Việt Nam (1930).

Trong quá trình hoạt động cách mạng trước 1945, Nguyễn Tạo đã nhiều lần bị chính quyền thực dân bắt giam và nhiều lần vượt ngục. Sau Cách mạng tháng Tám, ông từng được giao rất nhiều trọng trách: Phó Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ (1946-1947), Trưởng ty Điệp báo thuộc Nha Công an trung ương (1947-1950), Trưởng ty Công an Hà Nội (1950-1951), Cục trưởng Cục chấp pháp đầu tiên của Bộ Công an (1953-1957), Thứ trưởng Bộ Nông Lâm (1958-1961), Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (1961- 1971), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp TW (1971-1975).

Năm 1975, ông được nghỉ hưu. Ông đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng những huân chương cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Ngoài sự nghiệp chính trị, Nguyễn Tạo còn là một nhà văn. Với văn tài và sự từng trải phong phú, sâu sắc thực tiễn cách mạng, Nguyễn Tạo đã viết nhiều thiên truyện ký hấp dẫn như "Sống để mà hoạt động" (NXB Văn học 1960), "Vượt ngục Đắk - min" (NXB Thanh niên 1976), "Chúng tôi vượt ngục" (NXB Văn học 1977)...Do những thành tựu văn học đó, ông đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1977.

Nhà cách mạng lão thành Nguyễn Tạo tạ thế ngày 23 tháng 5 năm 1994 tức 13 tháng 4 năm Giáp Tuất, hưởng thọ 90 tuổi, được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.

Trong hàng chục lần chuyển công tác, duy nhất chỉ có lần giữ chức trách Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp là lâu nhất, 10 năm. Tuy là một lĩnh vực mới mẻ, bản thân ông lại không sẵn có chuyên môn, nhưng với tấm lòng yêu đất nước nồng nàn, với nghị lực và trí tuệ sẵn có, ông đã học hỏi và lãnh đạo ngành Lâm nghiệp giành được nhiều thành tựu lớn lao.

Đó là những thành quả như quy hoạch bảo tồn Vườn Quốc gia Cúc Phương, vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, và cũng là vườn quốc gia thuộc hạng sớm nhất của thế giới; kiên quyết đề nghị Chính phủ cho thành lập Cục Kiểm lâm để bảo vệ rừng. Đến nay, sau 40 năm, lực lượng Kiểm lâm đã lớn mạnh và đạt được nhiều thành tích trong sự nghiệp bảo vệ rừng.

Cây Chò nghìn tuổi trong Vường quốc gia Cúc Phương
Cây Chò nghìn tuổi trong Vường quốc gia Cúc Phương

Về việc kiên quyết đề nghị thành lập lực lượng kiểm lâm, trong Lễ mừng đại thọ ông Nguyễn Tạo 90 tuổi, có nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nhà cách mạng lão thành đến dự, nhà thơ Cù Huy Cận, nguyên Bộ trưởng đặc trách công tác Văn hóa – Thông tin của Chính phủ lúc bấy giờ, đã kể lại một câu chuyện vui: “Tôi nhớ mãi kỉ niệm với anh Tạo. Hôm đó họp TW, Tổng Bí thư Lê Duẩn hỏi: Thế nào anh Tạo, tình hình Lâm nghiệp ra sao rồi? Anh Tạo đã thẳng thắn trả lời: báo cáo đồng chí Tổng Bí thư: Sự nghiệp phá rừng của chúng ta đã cơ bản hoàn thành." Ông Cận cười và bình luận thêm: "Có thể nói, lời nói của người đứng đầu ngành Lâm nghiệp như thế, không khác gì một tiếng chuông cảnh tỉnh rất lớn cho việc bảo vệ rừng."

Bởi thường xuyên canh cánh nỗi đau xót về việc rừng bị xâm hại, nên trong dịp được gặp Bác Hồ vào giáp tết năm 1965, để báo cáo về tình hình trồng rừng và trình Bác góp ý cho bài viết về tết trồng cây, sau khi đưa ra bản thống kê về rừng ở miền Bắc bị bom đạn Mỹ phá hoại so sánh với số rừng bị dân chặt phá, Tổng cục trưởng Nguyễn Tạo đã mạnh dạn nói thật với Bác: "Cứ đà này vài năm nữa là chúng ta sẽ triệt hạ hết rừng…"

Cả cuộc đời làm cách mạng, Nguyễn Tạo luôn luôn theo đuổi mục đích giải phóng dân tộc và đưa lại hạnh phúc cho nhân dân. Lúc còn hoạt động bí mật ở Tiền Hải, Thái Bình (1932 – 1933), ông đã có công vận động nông dân khai hoang lấn biển ở Cồn Vành và lập nên làng Thủy Lạc của xã Nam Ngư, huyện Tiền Hải ngay nay.

Gần đây, vào ngày 11/8/2011, nhân dân làng Thủy Lạc, sau nhiều năm tìm kiếm tung tích người thanh niên công sản giúp dân lập làng, đã rước chân hương nhà cách mạng Nguyễn Tạo về đình làng Thủy Lạc để suy tôn ông làm Đức Bản cảnh Thành hoàng làng. Thật vinh dự cho quê hương Hà Tĩnh, khi có Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tạo, những người con ưu tú của mảnh đất "địa linh nhân kiệt" này, đã lập công lớn với nhân dân, đất nước, được người dân ở địa phương khác thờ làm những vị phúc thần "hộ quốc tý dân", ngay cả khi còn sống.

Phó TBT Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast