Nước mắt ngày độc lập

(Baohatinh.vn) - Dẫu rằng những mất mát, hy sinh của người vợ liệt sỹ vẫn hằn in trong sâu thẳm trái tim, nhưng hôm nay, bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm (xã Thạch Trị, Thạch Hà, Hà Tĩnh) cảm nhận rõ niềm hạnh phúc khi gia đình nhỏ luôn sum vầy, bình yên và quê hương đang từng ngày đổi mới.

Khác với hình dung của tôi, người phụ nữ ở vùng biển, người vợ liệt sỹ một mình vật lộn với muôn vàn gian khó, hơn 40 năm thờ chồng, nuôi con khôn lớn có hình dáng rất mảnh mai, nhỏ nhắn. Dù đã sang tuổi 72, nước da vẫn trắng xanh, nét mặt hiền và vẫn giữ nét duyên. Bà tên là Nguyễn Thị Hồng Cẩm - vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Hợi - hy sinh trong đợt tổng động viên giải phóng miền Nam. Chuyện trò mới biết, bà Cẩm là giáo viên tiểu học và chồng là giáo viên dạy môn Toán cấp 2, ông bà nên duyên từ nghề “gõ đầu trẻ”. Cưới nhau được 1 năm, đầu năm 1972, lúc bà chuẩn bị sinh con thì ông nhận lệnh tổng động viên. 1 tháng sau khi huấn luyện, ông được về thăm vợ con 3 ngày rồi cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam.

nuoc mat ngay doc lap

Bà Cẩm hạnh phúc trong tình yêu thương, sự sum vầy cùng con cháu.

“Mỗi tuần, ông đều đặn gửi thư về cho tôi. Hầu hết những khó khăn, khốc liệt, ông ấy đều không nhắc đến, chỉ nói đùa vui để động viên tôi. Nhưng đến lá thư cuối cùng, ông nói như lời trăng trối: “Chiến tranh ác liệt quá, chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Anh mong em vững lòng, thương anh thì chăm sóc con chúng ta cho nên người”. Chỉ 1 tuần sau đó, tôi liên tục nhận được những lá thư của học trò đi cùng anh gửi về báo tin dữ: Cô ơi, thầy đã hy sinh ở chiến trường Quảng Bình. Một thời gian sau, xã mang giấy báo tử, tư trang của ông ấy về và tổ chức lễ truy điệu. Cả tháng trời, tôi ngất lên ngất xuống nhiều lần và không còn đủ sức để dự lễ truy điệu ông ấy”.

Thời gian đó, trong nhà chỉ có con trai 5 tháng tuổi và bố chồng đã trên tuổi 75. Ông sốc nặng khi nhận tin con hy sinh và ngã bệnh từ đó. Người vợ trẻ yếu ớt gắng gượng đứng dậy thay chồng chăm cha, nuôi con với lời thề thủy chung đến trọn đời. Cuốn sổ gạo của giáo viên ngày đó không đủ sống, bà Cẩm buổi chiều đi dạy, buổi tối nấu rượu, nuôi lợn, sáng sớm lại đi bán hàng ở chợ quê. Dẫu tất bật xoay xở đủ đường, bà Cẩm vẫn nhiều năm là giáo viên giỏi, chiến sỹ thi đua cấp tỉnh và được tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.

Người con duy nhất của ông bà - anh Nguyễn Hồng Loan lớn lên trong tình yêu thương, nỗi vất vả và cả nỗi buồn thương dai dẳng của mẹ. “Càng lớn, tôi càng thấm thía nỗi buồn của mẹ và sự thiệt thòi của một đứa trẻ mất mát người cha trụ cột. Cuộc sống gia đình thiếu thốn đủ đường. Ám ảnh mãi trong tôi là những bữa cơm độn sắn và hạt bo bo; học đến cấp 3 rồi cũng duy nhất có một chiếc quần dài, đêm đến thèm có ngọn đèn dầu để ngồi học… Nhưng, biết mình chính là trụ cột gia đình, là tương lai của mẹ, tôi nén chịu mọi nỗi thiệt thòi và cố gắng học hành chăm chỉ”.

nuoc mat ngay doc lap

Bà Cẩm thường kể với các cháu về những kỷ vật mà ông - liệt sỹ Nguyễn Văn Hợi để lại.

Không đủ điều kiện để đi học đại học như ước mơ ấp ủ, học xong cấp 3, anh Loan tích cực tham gia hoạt động đoàn ở địa phương. Năm 1992, anh được bầu làm Phó Bí thư, sau đó là Bí thư Đoàn xã kiêm Văn phòng UBND xã. Vừa làm, vừa tiếp tục học tập nâng cao trình độ, đến năm 2004, anh được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND xã, rồi tiếp tục giữ các trọng trách: Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã. Đến Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, anh Nguyễn Hồng Loan được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Thạch Trị.

Giờ đây, trong ngôi nhà được xây dựng khang trang trên mảnh đất tổ tiên để lại, bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm sống đầm ấm, hạnh phúc cùng gia đình con trai. Tuổi cao, nhiều bệnh, bà được con dâu chăm sóc ân cần từng bữa ăn, giấc ngủ. Cháu gái làm trong BCH Đoàn xã, giống bà như đúc, lấy chồng cùng làng, ngày nào cũng về âu yếm, nũng nịu bà. Cháu trai giống ông đang dùi mài bút nghiên để vào đại học, viết tiếp ước mơ dang dở của bố. “Bây giờ, bà chỉ mong được khỏe mạnh để chứng kiến con cháu trưởng thành” - bà Cẩm chia sẻ cùng chúng tôi với nụ cười ấm áp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast