Sáng mãi tấm gương Tổng bí thư Hà Huy Tập

104 mùa xuân đã qua, tưởng nhớ về đòng chí Hà Huy Tập, Tổng bí thư Đảng chúng ta nhớ về một lãnh tụ cách mạng tài năng kiên cường, nhà lý luận, cây bút chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, chính trị của cách mạng Việt Nam và tấm gương của người chiến sĩ cộng sản anh dũng, chí công vô tư, hy sinh trọn đời vì nước, vì dân

Lễ an táng TBT Hà Huy Tập

Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906 tại thôn Kim Nặc, tổng Thổ Ngoạ, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo nên Hà Huy Tập sớm rèn nghị lực, vun đắp trí tuệ để vượt qua thử thách cuộc đời. Dù không có điều kiện đầy đủ như những đồng niên trang lứa; song nhờ tư chất thông minh vốn có của mình, Hà Huy tập vẫn sớm có người cưu mang đùm bọc để được vào học ở trường ngay từ những ngày còn nhỏ.

Có thể nói những vốn học đầu tiên rất quan trọng đã chắp cánh cho anh bay xa, bay cao. Lúc học tiểu học, thành chung hay đại học, Hà Huy Tập luôn là một người học giỏi, đam mê hoạt động xã hội. Là học sinh, thầy giáo hay công nhân Hà Huy Tập đều nổ lực hết mình trong hoạt động tuyên truyền, truyền bá về lòng yêu nước cho các thế hệ, nhất là tầng lớp thanh niên. Chính vì hoạt động xuất sắc đó Hà Huy Tập sớm được tổ chức đoàn thể lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo và giao trọng trách trong hoạt động cách mạng. Hà Huy Tập đã có cơ may đến sớm với lý luận cách mạng của giai cấp vô sản để trở thành nhà lý luận xuất sắc của đảng. Từ chổ là một thanh niên ưu tú Hà Huy Tập sớm được giác ngộ thành người cộng sản, lãnh đạo nhóm thanh niên hải ngoại và trở thành Tổng Bí thư của Đảng cộng sản. Trên cương vị Thư ký Bộ phận cộng sản ở Hải ngoại, hay Tổng bí thư Đảng, Hà Huy Tập đã toả sáng tấm gương người chiến sĩ cộng sản xuất sắc, nhà lãnh đạo cách mạng tài năng. Mặc dù lúc Hà Huy Tập đến Liên Xô thì đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã rời đất nước Lê Nin để trở về lãnh đạo cách mạng trong nước; song qua việc tiếp xúc các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc như báo “Người cùng khổ”, “Đường cách mạng”…anh vẫn cho rằng đó là những dòng “Kinh thánh”, “Phúc âm” cho những người cộng sản.

Với những hoạt động xuất sắc và ảnh hưởng lớn của anh, kẻ thù đã thường xuyên theo dõi lùng bắt anh, kết án tử hình Hà Huy Tập cùng nhiều cán bộ ưu tú khác của đảng như Nguyễn Văn Cừ, Phan đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai… vào ngày 28-8-1941.

69 năm đã trôi qua kể từ ngày người Tổng bí thư của đảng, người con yêu quý của quê hương Hà Tĩnh đã “đi vắng một thời gian” như anh đã từng căn dặn; song những hiểu biết về anh, sự ngưởng mộ về anh vẫn đọng lại những ấn tượng tốt đẹp, trân trọng lâu bền:

Hà Huy Tập là một người thông minh, tháo vát. Điều đó không chỉ thể hiện qua sự ẩn náu trong các quốc gia thực dân để hoạt động cách mạng; ứng xử trước kẻ thù để chúng chấp nhận rằng mình không hề biết tiếng Việt; trong khi Hà Huy Tập còn thông thạo 3 thứ tiếng ngoại quốc đó là Pháp, Hoa và Anh ngữ. Đây là yếu tố quyết định cho việc giúp anh tiếp cận học thuyết cách mạng và giao lưu với các nhà chính trị quốc tế.

Hà Huy Tập còn là một nhà lãnh đạo, một nhà lý luận, một cây bút chiến đấu trên mặt trận tư tưởng và chính trị của cách mạng Việt Nam, một con người có năng lực hoà đồng và hoạt động trong mọi hoàn cảnh. Anh luôn tìm cách tiếp cận quần chúng, thanh niên để tuyên truyền, giác ngộ, xây dựng đội ngũ. Khi thời cuộc thay đổi anh đã kịp thời điều chỉnh sách lược cách mạng của đảng, nhờ đó đã khơi dậy được phong trào dân chủ rộng lớn trong cả nước thời kỳ 1936-1939. Hà Huy Tập còn là người có công khởi thảo Lược sử Đảng cộng sản Đông Dương khai sinh ra môn khoa học Lịch sử đảng.

Hà Huy Tập là một nhà cách mạng bản lĩnh kiên cường. Trong mọi hoàn cảnh anh luôn thể hiện được ý chí, quyết tâm cua mot chien si cong san. Biết kẻ thù bám riết theo dõi, anh không hề nao núng, vẫn tích cực hoạt động và báo cáo đều đặn với tổ chức đoàn thể. Trước quân thù anh không hề biết sợ hãi, kẻ thù dụ dỗ, đe doạ, tra tấn anh không hề nao núng và khẳng định: “còn sống còn tiếp tục hoạt động”. Vì thế, khi không còn đứng đầu tổ chức đảng anh vẫn bị kẻ thù khép tội “chịu trách nhiệm tinh thần về Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ” để kết tội và thi hành án tử hình.

Hà Huy Tập là một con người kỷ cương, kỷ luật, người chiến sĩ cộng sản anh dũng, chí công vô tư, hy sinh trọn đời vì nước, vì dân. Trong cuộc đời hoạt động của mình, anh luôn có ý thức chấp hành mọi quy định của tổ chức, đoàn thể. Lúc còn học trong trường của đảng anh luôn nghĩ đến việc phải gắn lý luận với thực tiễn. Anh đã xin đi thực tế trong phong trào công nhân; được tổ chức cấp thẻ đi lại miễn phí trên tàu hoả nước Nga. Anh còn xin được học nghề thợ nguội để được gần gủi với công nhân hơn và đã đạt trình độ thợ bậc 3. Nhưng điều đáng trân trọng còn ở chổ sau tháng 3-1938 khi anh không còn giữ cương vị Tổng bí thư của Đảng, anh vẫn hăng say lăn lộn hoạt động cho phong trào cách mạng của Đảng.

Giờ đây khi quê hương đã đón anh về với cội nguồn, để anh yên nghỉ trên vùng đồi cao đất mẹ; nhưng những tư chất vốn quý của anh vẫn mãi toả sáng và gần như đang hàng ngày hàng giờ tiếp sức cho đảng bộ và quê hương có thêm sức sống mới để quyết tâm xây dựng tỉnh nhà xứng đáng với niềm tin yêu của đảng bộ và nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast