Tổng Giám đốc AP: Ấn tượng về Việt Nam rất tích cực

Trả lời phỏng vấn nhân dịp mở triển lãm ảnh về Chiến tranh Việt Nam tại Hà Nội, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hãng thông tấn Mỹ AP Gary Pruitt cho hay ấn tượng của ông về Việt Nam trong lần đầu đến thăm rất tích cực.

Tổng Giám đốc AP: Ấn tượng về Việt Nam rất tích cực ảnh 1

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hãng thông tấn AP Gary Pruitt (Ảnh: AP)

Xin ông cho biết sứ mệnh của hãng thông tấn AP trong Chiến tranh Việt Nam?

Sứ mệnh lớn nhất của AP trong chiến tranh là nói lên sự thật về cuộc chiến với thế giới và để thế giới tự đưa ra đánh giá. AP không đưa ra ý kiến của riêng mình mà chỉ đưa tin về cuộc chiến một cách khách quan và trung thực nhất, về những sự thật và nỗi kinh hoàng của chiến tranh và để thế giới tự phán quyết.

Các phóng viên AP đã gặp khó khăn gì khi tác nghiệp trong Chiến tranh Việt Nam?

Mục tiêu của AP là đưa tin tới thế giới, vì vậy mỗi khi xảy ra xung đột hoặc có các sự kiện lớn, chúng tôi đều cử các phóng viên viết, các phóng viên ảnh và các nhà quay phim. Chiến tranh Việt Nam là một câu chuyện quan trọng, cũng là một câu chuyện nguy hiểm. Như phóng viên ảnh Nick Út đã nói ông ấy mất người anh ruột (PV- Huỳnh Thanh Mỹ - cũng là một phóng viên chiến trường làm việc cho AP - đã chết trong Chiến tranh Việt Nam) và bản thân ông ấy cũng bị thương 3 lần trong quá trình tác nghiệp. Chúng tôi đã mất 4 đồng nghiệp trong cuộc chiến này, nhưng chúng tôi muốn đưa tin về cuộc chiến một cách trung thực và khách quan nhất, vì vậy việc chúng tôi có mặt ở đây là rất quan trọng, dù cuộc chiến rất nguy hiểm.

Tôi phải nói rằng nhiều lần AP từng bị chỉ trích là đăng tải các bức ảnh về cuộc chiến quá chân thực và một số người còn nói các bức ảnh quá đau thương. Nhưng chúng tôi cho rằng điều quan trọng là mọi người cần hiểu chân thực về cuộc chiến, để biết cuộc chiến thực sự diễn như thế nào và không có suy nghĩ dễ chịu về chiến tranh. Chiến tranh không bao giờ là điều dễ chịu với bất kỳ ai.

Tại sao AP lại quyết định mở triển lãm về Chiến tranh Việt Nam tại Hà Nội vào thời điểm này mà không phải trước đây?

Cuộc triển lãm gắn liền với việc ra mắt cuốn sách ảnh về Chiến tranh Việt Nam 2 năm trước và các bức ảnh này được trích từ cuốn sách đó. Năm nay kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh và chúng tôi đã tổ chức các cuộc triển lãm tương tự tại New York (Mỹ), London (Anh) và tôi nghĩ rằng quan trọng nhất là nên tổ chức triển lãm tại Việt Nam. Chúng tôi cũng cần thời gian để chuẩn bị và kết nối các sự kiện với nhau. Chính phủ Việt Nam rất ủng hộ cuộc triển lãm này và chúng tôi nhận được sự giúp đỡ tận tình.

Tổng Giám đốc AP: Ấn tượng về Việt Nam rất tích cực ảnh 2

Ông Pruitt (trái) trao tặng tượng trưng một bức ảnh cho đại diện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trong lễ khai mạc triển lãm ảnh “Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến” ngày 12/6. Đứng ngoài cùng bên phải là phóng viên ảnh Nick Út của hãng AP, người từng đoạt giải Pulitzer với bức ảnh "Em bé Napalm". (Ảnh: AP)

Cuốn sách ảnh về Chiến tranh Việt Nam của AP có được đón nhận trên thế giới, thưa ông?

Đây là một cuốn sách rất thành công của AP, thành công hơn cả sự mong đợi của chúng tôi. Cuốn sách được đón nhận trên khắp thế giới, như tại Mỹ, châu Âu và giờ đây tại châu Á. Chúng tôi hài lòng với điều đó. Điều này đã cho thấy sức mạnh trường tồn của các bức ảnh. Cuốn sách chứa đựng những bức ảnh cả hạnh phúc lẫn đau thương, nhưng tựu chung lại chúng đã giúp người đọc hiểu được một cuộc chiến thực sự.

Ông đánh giá như thế nào về người đồng nghiệp Nick Út?

Nick Út là một anh hùng có thực. Nick bắt đầu làm việc cho AP khi còn tuổi thiếu niên và đã có một sự nghiệp nổi bật. Nick đã chụp một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của mọi thời đại - "Em bé Napalm". Bức ảnh đó có ảnh hưởng lớn nhất trong số các bức ảnh được chụp trong thời chiến tranh tại Việt Nam. Nick vẫn tiếp tục làm việc cho AP cho tới ngày nay. Đã vài thập niên rồi kể từ khi chiến tranh qua đi, Nick vẫn làm việc hàng ngày, chụp các bức ảnh cho AP tại Los Angeles. Ông ấy là anh hùng đời thực. Nick Út có dáng người nhỏ bé, nhưng các bức ảnh mà ông ấy chụp có ý nghĩa lớn.

Ông có thể nói đôi điều về quyết định tặng các bức ảnh cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam?

Chúng tôi tặng lại các bức ảnh này vì chúng tôi cảm thấy rằng bộ ảnh nên ở lại Việt Nam với người dân Việt Nam. Chúng tôi biết không phải ai cũng có thể đến xem triển lãm. Sự kiện chỉ diễn ra 2 tuần, và tại Hà Nội. Chúng tôi tặng chúng để bộ ảnh có thể ở lại mãi mãi với người dân nơi đây và đây là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là nơi thích hợp nhất để trưng bày.

Cuộc triển lãm này có góp phần vào việc thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ?

Tôi nghĩ rằng cuộc triển lãm này là lời nhắc nhở quý giá về những nỗi đau của chiến tranh và đó là lý do tại sao chúng ta phải tránh nó. Chúng ta cần hiểu rằng chúng ta không được lặp lại điều đó. Và chúng có thể rút ra các bài học từ cuộc chiến. Tôi hài lòng khi cuộc triển lãm này diễn ra đúng vào dịp Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ và đây là một trong dấu hiệu cho thấy một tiến triển thực sự trong mối quan hệ giữa hai nước.

AP có kế hoạch đưa tin như thế nào về dịp kỷ niệm 20 bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ?

Đây là một sự kiện quan trọng và chúng tôi đã có kế hoạch cho dịp kỷ niệm này. AP đã đưa tin rộng rãi về dịp kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh đợt 30/4 vừa qua và chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chú trọng tới lễ kỷ niệm sắp tới. AP có văn phòng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và có các phóng viên giỏi, vì vậy chúng tôi tin tưởng sẽ đưa tin tốt về sự kiện này.

Ông có cảm nghĩ gì sau chuyến thăm Việt Nam?

Đây là chuyến thăm đầu tiên của tôi tới Việt Nam. Ấn tượng của tôi vô cùng tích cực. Người dân Việt Nam rất hiếu khách và thân thiện. Tôi đã có cuộc gặp thân mật với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng như các quan chức khác của Việt Nam. Cuộc triển lãm ảnh cũng được công chúng biết đến đông đảo và được đón nhận. Tôi rất vui vì những điều đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Dân trí

Chủ đề Hội nhập Quốc tế

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast