Trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ IX - năm 2014

(Baohatinh.vn) - Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21 /6/2015) và lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ IX năm 2014 đã diễn ra tối 21/6 tại Hà Nội.

Đây là dịp để những người làm báo cả nước cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng và tôn vinh các nhà báo có tác phẩm báo chí xuất sắc trong năm 2014 với nhiều sự kiện sôi động.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: Nguyễn khang – TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: Nguyễn khang – TTXVN


Đến dự và chia vui với giới báo chí cả nước nhân sự kiện ngày có các đồng chí: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; đồng chí Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam; đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư kí Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đông đảo lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, các nhà báo lão thành và các nhà báo cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi lẵng hoa chúc mừng đội ngũ những người làm báo cả nước nhân dịp Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

Kết quả chung cuộc Giải báo chí quốc gia lần thứ 9-2014 có 118 tác phẩm được giải, gồm 9 giải A, 26 giải B, 54 giải C và 29 giải Khuyến khích.

Đặc biệt, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 9 đánh dấu một năm “bội thu” của các cá nhân tác giả với 2 giải A, 12 giải B, 18 giải C và 10 giải Khuyến khích. Trong số 59 tác phẩm được chọn vào chung khảo nhưng chưa được giải cũng có 19 cá nhân. Đây là con số ấn tượng hơn hẳn giải các năm trước.

Số tác phẩm nhiều nhất, có chất lượng hơn cả trong mùa Giải năm nay phải kể đến chủ đề xây dựng Đảng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, về các vấn đề kinh tế, nông nghiệp, nông thôn; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và chống các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ; khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt; các vấn đề phát triển gắn với bảo vệ môi trường…

Trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ IX - năm 2014 ảnh 2
Tác giả Cao Thị Thùy Giang (VietnamPlus) đạt Giải C - loạt bài "Chất thải y tế nguy hại" - Cần chấm dứt lỗ hổng quản lý trên giấy tờ, cùng tác giả Nguyễn Thị Tuyết Mai. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Một số loại giải, chất lượng tác phẩm tốt: nhóm Phóng sự, phóng sự điều tra báo in; phóng sự, phóng sự điều tra truyền hình có chất lượng đồng đều hơn; nhóm Tin, bài phản ánh, bút ký trên báo in có nội dung phong phú hơn, nhiều bài được đầu tư công phu; Xã luận, bình luận, chuyên luận trên báo in có số lượng tham gia giảm nhưng nội dung bám sát thực tiễn hơn, bớt tính lý luận hàn lâm).

Một số loại giải chất lượng vẫn còn yếu như: Giải bình luận, giao lưu, tọa đàm; Giải phim tài liệu truyền hình (báo hình); Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, tọa đàm, bình luận, chuyên luận (phát thanh) và Giải ảnh báo chí.

Theo ban tổ chức, Hội đồng Giải năm nay nhận được 1.468 tác phẩm dự thi đến từ 62/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 18/19 Liên Chi hội và 37 Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương. Qua 8 mùa giải, đây là năm thứ ba liên tiếp có số tác phẩm gửi dự thi cao nhất, ở mức trên, dưới 1.500 tác phẩm.

Giải A của 9 thể loại-loại giải:

1/ Giải A Báo in thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn thuộc về loạt bài “Việt Nam khẳng định chủ quyền bằng những chứng cứ pháp lý thuyết phục” (Báo Quân đội Nhân dân).

2/ Giải A Báo in thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép thuộc về loạt bài “Suy ngẫm từ tọa độ nóng” (Báo Năng lượng mới).

3/ Giải A Ảnh báo chí thuộc về nhóm ảnh “Giải cứu thành công 12 công nhân bị nạn ở hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng (Thông tấn xã Việt Nam).

4/ Giải A Phát thanh thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp thuộc về loạt bài “Di chúc Hồ Chí Minh-Di chúc về con người, vì con người (Đài tiếng nói Việt Nam).

5/ Giải A Phát thanh thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký phát thanh thuộc về loạt bài “Tuyên truyền chính trị, phát luật cho công nhân, phải chạy nước rút (Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai).

6/ Giải A Truyền hình thể loại Tin, phóng sự, ký sự về vấn “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng-Nhìn từ tinh giản bộ máy biên chế mới ở tỉnh Quảng Ninh, của Liên chi hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh.

7/ Giải A Truyền hình thể loại Bình luận, giao lưu, tạo đàm thuộc về tác phẩm “Ký ức lịch sử về 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ” (Đài Truyền hình Hà Nội).

8/ Giải A Truyền hình thể loại Phim Tài liệu thuộc về tác phẩm “Từ trái tim đến trái tim” của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.

9/ Giải A Báo điện tử thể loại Tin, bài, phản ánh, phỏng vấn, bình luận thuộc về loạt bài “Câu chuyện Sam Lang: Chui vào túi nilông để… qua suối” của báo Tuổi trẻ online.

10/ Thể loại Xã luận, bình luận, chuyên luận, tiểu phẩm báo chí trên Báo in không có giải A

11/ Thể loại Phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép trên Báo điện tử không có giải A

Đây là năm báo chí Hà Tĩnh thành công nhất tại giải báo chí quốc gia. Tác phẩm phóng sự truyền hình “Cơn sốt lao động chui trên đất Thái Lan” của nhóm tác giả Trần Long – Văn Sơn (Đài PT-TH Hà Tĩnh) đạt giải B, loạt bài phản ánh về xe quá tải của nhóm tác giả Duy Tuấn - Văn Đức (Văn phòng thường trú Vietnamnet tại Hà Tĩnh) đạt giải B, tác phẩm phóng sự phát thanh “Những trăn trở từ chủ trương vay vốn vươn khơi” của tác giả Nguyễn Tâm (Đài PT-TH Hà Tĩnh) đạt giải C, loạt bài "Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả" của nhóm tác giả Mai Thủy, Nguyễn Oanh, Hữu Trung, Ngô Tuấn, Thế Công (Báo Hà Tĩnh) lọt vào vòng chung khảo.

(Tổng hợp)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast