“Cho chữ” ngày xuân

(Baohatinh.vn) - Trong những ngày cuối cùng của năm cũ, trên nhiều con phố, tại nhiều sự kiện văn hóa lớn, nhỏ ở Hà Tĩnh lại xuất hiện hình bóng của “những người muôn năm cũ”. Họ là những “ông đồ” có niềm đam mê với thư pháp Việt - những con người gợi nhắc về không gian xưa...

“Cho chữ” ngày xuân

“Ông đồ” Bùi Đức Lộc.

Chúng tôi gặp “ông đồ” Bùi Đức Lộc (SN 1982) khi anh tham gia sự kiện lễ hội tết xưa tại Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng (Can Lộc). Giản dị với chiếc áo dài mặc cùng quần tây nhưng phong thái của anh Lộc khi mài nghiên mực, vung tay thảo từng nét chữ cũng cho thấy dáng dấp của một người “cho chữ” thực thụ.

Là giáo viên dạy bộ môn giáo dục thể chất của Trường THCS Yên Thanh (Can Lộc) nhưng anh Lộc lại có năng khiếu hội họa, điêu khắc và một niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật viết thư pháp từ khi còn nhỏ.

Anh Lộc cho biết: “Lúc còn bé, mỗi khi xem các cụ cao niên mài mực, viết chữ ngày tết, tôi rất thích. Tôi bắt đầu mày mò tự học thư pháp năm 14 tuổi. Tôi học qua sách vở, qua mạng internet, tìm đến những người có thâm niên viết thư pháp để “tầm sư học đạo”.

“Cho chữ” ngày xuân

Gian hàng thư pháp của “ông đồ” Bùi Đức Lộc thu hút các vị khách xin chữ ở nhiều lứa tuổi.

Kiên trì với niềm đam mê, sau nhiều năm nỗ lực, từ nét chữ giản đơn, thô sơ buổi ban đầu, anh Lộc đã trở thành một trong số ít những “ông đồ” có tiếng ở Hà Tĩnh hiện nay. Hơn 6 năm nay, bên cạnh công việc chính là dạy học, anh Lộc theo nghề viết thư pháp một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Anh Lộc thường xuyên nhận lời tham gia các sự kiện văn hóa truyền thống nhưng tết Nguyên đán mới thật sự là dịp để anh thỏa niềm đam mê với nghệ thuật thư pháp.

Mài nghiên mực, chọn bút, vuốt giấy phẳng phiu, “ông đồ” Đức Lộc vén nhẹ tay áo, cẩn thận đưa từng nét bút thanh, đậm để từng con chữ lấp lánh ánh mực dần hiện ra trên khuôn giấy.

“Cho chữ” ngày xuân

Những con chữ lấp lánh ánh mực dần hiện lên dưới đôi tay khéo léo.

Nghề viết chữ trông thì đơn giản nhưng thực ra lại rất công phu. Với mỗi “ông đồ”, việc đầu tiên là phải chuẩn bị cho mình một bộ đồ nghề thật tươm tất, đầy đủ. Bộ đồ nghề bao gồm rất nhiều thứ như: bút lông, nghiên mực, hộp chứa mực, giấy dó, nẹp tre để treo chữ, dấu triện..., trong đó, bút lông là vật dụng quan trọng nhất.

Theo “ông đồ” Đức Lộc, chọn bút lông không đơn giản bởi chất lượng của bút sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nét chữ được viết ra. Những người có thâm niên trong nghề thường chọn bút được làm từ lông thỏ. Đây là loại bút có độ đàn hồi tốt, cho nét chữ mềm mại, sắc nét hơn so với các loại bút khác.

“Cho chữ” ngày xuân

“Ông đồ” Bùi Đức Lộc nhập tâm trong từng nét chữ.

Để có một tác phẩm thư pháp đẹp, ý nghĩa, phù hợp với thị hiếu của đông đảo khách hàng hiện nay, ngoài kỹ thuật “viên nét” (tạo độ tròn cho nét chữ), biết cách nhấn thả để tạo nét thanh, nét đậm, “ông đồ” còn phải biết sắp xếp bố cục chữ sao cho cân đối trên nền giấy. Ngoài ra, người cho chữ cũng phải thuộc nhiều câu đối, thơ, tục ngữ, thành ngữ để minh họa cho phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

“Cho chữ” ngày xuân

Mỗi con chữ chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn.

“Có khách đến yêu cầu viết chữ theo sở thích nhưng cũng có nhiều khách “xin chữ” đúng nghĩa. Ấy là lúc người “cho chữ” phải nhìn tướng mạo, tính cách của khách mà quyết định cho chữ gì. Nhưng với khách hàng nào thì những con chữ được viết ra cũng đều xuất phát từ cái tâm của người cho, đều chứa đựng những ý nghĩa nhân văn và gửi gắm nhiều phước lành đến người nhận” - anh Lộc trải lòng.

“Cho chữ” ngày xuân

“Ông đồ” Sử Thanh Vân.

Được biết đến là một trong những người có thâm niên viết thư pháp lâu nhất ở Hà Tĩnh, “ông đồ” Sử Thanh Vân (SN 1987) đã có thâm niên 17 năm theo nghiệp mài nghiên, cầm bút.

Anh Vân hiện là giáo viên mỹ thuật của Trường Tiểu học Hà Tông Mục (xã Tùng Lộc, Can Lộc). Dù công việc giảng dạy bận rộn nhưng tranh thủ thời gian rảnh rỗi, ngày nghỉ, anh lại cùng những người bạn có chung niềm đam mê thư pháp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.

“Cho chữ” ngày xuân

Sự hài lòng của khách khi nhận các tác phẩm thư pháp là niềm vui lớn đối với những người cho chữ như “ông đồ” Thanh Vân.

Anh Vân cho biết: “Vào ngày thường, sân chơi cho người viết thư pháp không nhiều nhưng tôi và anh Lộc may mắn được góp mặt trong hầu hết các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống của các địa phương.

Khi có thời gian và điều kiện, chúng tôi cũng tham gia sự kiện tại các tỉnh như: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình... Đó là cơ hội để chúng tôi thỏa niềm đam mê, học hỏi lẫn nhau và truyền bá nét đẹp văn hóa chơi chữ đến người dân”.

“Cho chữ” ngày xuân

Hai “ông đồ” thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong từng nét chữ.

Những ngày cuối năm này, hai “ông đồ” đã gần như kín lịch, kiếm thêm được ít nhiều chi phí mua giấy mực, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, điều đó không làm họ vui bằng việc người dân, xã hội đã dần quan tâm nhiều hơn đến những giá trị văn hóa truyền thống.

Anh Sử Thanh Vân chia sẻ: “Dịp tết này, rất nhiều trường học, đơn vị tổ chức chương trình tết gắn với việc tái hiện không gian văn hóa truyền thống, trong đó, không thể thiếu gian hàng thư pháp. Không chỉ người lớn tuổi mà nhiều em nhỏ cũng háo hức xin chữ, đó là điều khiến chúng tôi rất mừng vì nó sẽ góp phần duy trì phong tục tốt đẹp này”.

“Cho chữ” ngày xuân

Nét văn hóa truyền thống ngày xuân.

Theo quy luật của thời gian, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã bị mai một dần, nghệ thuật thư pháp cũng không nằm ngoài sự biến thiên đó. Để “phục dựng” ý nghĩa nguyên bản của nét văn hóa xin chữ ngày tết là điều rất khó, nhưng những “ông đồ” với niềm đam mê, mong muốn gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc vẫn là hình ảnh đẹp, như một “nốt trầm” ngày xuân giữa cuộc sống hiện đại xô bồ.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

'Săn' mai anh đào nở sớm

'Săn' mai anh đào nở sớm

Thời điểm này, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người dân và du khách đã bày tỏ sự vui mừng khi hoa mai anh đào đã bắt đầu nở rộ tại khắp các vùng ngoại ô TP Đà Lạt.
Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Theo bảng phân vai "Táo quân 2025" được NSƯT Chí Trung đăng tải, buổi chầu năm nay của các Táo sẽ thay bằng hình thức cuộc thi.
Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Tim tôi như đứng lặng trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba...
VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

Mới đây, chương trình "VTV Kết nối" đã thực hiện phóng sự đột nhập phòng tập "Táo quân" lúc nửa đêm. Các nghệ sĩ Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng có những chia sẻ đầu tiên về chương trình.
Podcast tản văn: Mùi của tết

Podcast tản văn: Mùi của tết

Những ngày cuối đông, tiết trời hao hao rét. Giữa khung cảnh ngược xuôi tấp nập của phố phường, ta thoảng nghe trong gió lạnh một mùi vị rất quen thuộc...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...