Cho ý kiến về kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Sáng 22/11, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; kết quả chỉ đạo giám sát, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tài sản công, định giá, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Cho ý kiến về kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: DUY LINH)

Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá, từ sau phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo (tháng 1/2023) đến nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện nghiêm Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương; tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo cơ bản đáp ứng yêu cầu, có vụ vượt kế hoạch đề ra.

Nổi bật là, từ sau Phiên họp thứ 23 đến nay, Ban Chỉ đạo tiếp tục theo dõi, chỉ đạo 68 vụ án, 45 vụ việc; đã khởi tố mới 12 vụ án/45 bị can, khởi tố bổ sung 238 bị can trong 23 vụ án; kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung 20 vụ án/369 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ án/252 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/194 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/82 bị cáo.

Cho ý kiến về kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Các đại biểu dự cuộc họp. (Ảnh: DUY LINH)

Từ sau phiên họp 24 đến nay, đã khởi tố mới 3 vụ án/9 bị can, khởi tố bổ sung 95 bị can trong 12 vụ án; kết luận điều tra 7 vụ án/174 bị can, kết luận điều tra bổ sung 3 vụ án/21 bị can; truy tố 5 vụ án/71 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ án/38 bị cáo; xét xử phúc thẩm 5 vụ án/11 bị cáo.

Các cơ quan chức năng cũng đã chủ động phát hiện, đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, vi phạm có tổ chức, liên quan nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân.

Cho ý kiến về kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: DUY LINH)

Cụ thể như, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan, đã mở rộng điều tra, khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can (trong đó, có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và cán bộ lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương); vụ án xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm đến nay đã khởi tố 114 vụ án, 808 bị can tại 49 địa phương; đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Sài Gòn Co.op.

5 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo đã hoàn thành xét xử sơ thẩm, gồm: Vụ án xảy ra tại Dự án khu thương mại và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; Vụ án xảy ra tại Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; Vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới xảy ra tại khóm 5, phường Châu Phú An, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang; Vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (giai đoạn II); Vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và đơn vị liên quan.

Cho ý kiến về kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Các đại biểu dự cuộc họp. (Ảnh: DUY LINH)

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; các vụ việc nổi cộm, có nhiều dư luận, liên quan đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập,... Trong đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã tiến hành 9 cuộc kiểm tra đối với các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 76 tổ chức đảng liên quan các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC.

Đến nay, đã hoàn thành 3 cuộc kiểm tra. Qua kiểm tra, đã xử lý kỷ luật 26 tổ chức đảng, 57 đảng viên, trong đó có 7 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (gồm: 3 nguyên Bí thư tỉnh ủy; 4 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh).

Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã chuyển 480 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đến các cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định. Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị hơn 232.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được hơn 9.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay là 75.800 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 49,44%).

Cho ý kiến về kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: DUY LINH)

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung xử lý dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Nhất là tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á, Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,...

Từ nay đến hết năm 2023 phấn đấu: kết thúc xác minh, xử lý 10 vụ việc; ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án; xét xử sơ thẩm 7 vụ án, xét xử phúc thẩm 3 vụ án. Nhất là, ban hành cáo trạng truy tố đối với 2 vụ án: Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan; Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS và các công ty liên quan.

Đưa ra xét xử sơ thẩm 4 vụ án trọng điểm: Vụ án xảy ra tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng (liên quan đến hợp tác, nghiên cứu sản xuất kit test Covid-19 với Công ty Việt Á); Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan; Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; Vụ án xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op).

Các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương tăng cường kiểm tra, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực...

Cho ý kiến về kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Quang cảnh cuộc họp tại Trụ sở Trung ương Đảng. (Ảnh: DUY LINH)

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã chuẩn bị chu đáo nội dung báo cáo, vừa bao quát vừa cụ thể và đề xuất được nhiều vấn đề để Thường trực Ban Chỉ đạo thảo luận. Các đồng chí dự họp trên cơ sở vị trí công tác của mình đã có ý kiến rất trách nhiệm, thiết thực nhằm rút ra những kinh nghiệm tốt cần tiếp tục phát huy và những mặt chưa tốt phải điều chỉnh. Qua đó, cuộc họp thống nhất cao tinh thần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cuộc đấu tranh này còn lâu dài, thực tiễn luôn biến động không ngừng cho nên phải kiên trì đấu tranh, vừa làm vừa tổng kết thực tiễn để làm tốt hơn nữa. Từ Trung ương tới địa phương, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, tất cả đồng tâm, nhất trí làm cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã làm tốt và ngày càng tốt hơn, nếu trước kia chủ yếu là chống thì nay phòng là cơ bản. Kết quả đạt được cho thấy đã có nhiều bước tiến lớn và có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn việc chậm trễ, trì trệ ở một số công việc thì cần phải xem xét nguyên nhân do đâu để khắc phục, rút ra kinh nghiệm. Giữa các cơ quan chức năng cần có cơ chế phối hợp, hợp đồng tác chiến tốt hơn nữa để tiếp tục có những bước đi hiệu quả trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Chỉ ra một số bất cập trong quy định của pháp luật, Tổng Bí thư nhấn mạnh đó là những sơ hở cần phải sớm có phương án khắc phục, làm sao để các vụ án, vụ việc phải được xử lý triệt để, bao giờ xong mới thôi, cần thiết thì ra thêm thời hạn; quá trình làm, các cơ quan chức năng thấy pháp luật quy định còn thiếu hoặc chưa phù hợp thì phải kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung. Làm tốt việc này thì cũng sẽ tránh được tình trạng chậm trễ, trì trệ, ảnh hưởng tiến độ công việc.

Tổng Bí thư đề nghị xem xét, đánh giá thực tiễn hoạt động của các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để phát huy những mặt đạt được, rút ra những kinh nghiệm hay nhằm tăng cường hơn nữa vai trò, hiệu quả của các cơ quan này.

Tại Cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm các kiến nghị, đề xuất tại Báo cáo kết quả chỉ đạo giám sát của Đảng đoàn Quốc hội; chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 25.

Cho ý kiến về kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Quang cảnh buổi thông báo kết quả Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chiều cùng ngày, Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tổ chức gặp các cơ quan báo chí, thông báo những nội dung chủ yếu của cuộc họp nói trên. Tại buổi làm việc, các đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Nguyễn Văn Yên và Đặng Văn Dũng đã thông báo tóm tắt kết quả Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trao đổi làm rõ hơn một số nội dung.

Theo Báo Nhân dân

Đọc thêm

Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, từ hơn tháng nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động viết đơn xin nghỉ việc trước tuổi. Đó không đơn thuần là lời tạm biệt sau nhiều năm cống hiến mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm vì việc chung, là những kỳ vọng gửi đến thế hệ kế cận.
Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Sau gần 35 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục cùng cả nước thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa cùng sức mạnh của con người Hà Tĩnh.
Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Cuối tháng 3/1930, tại bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quyết định, mở ra bước phát triển mới với những thắng lợi to lớn của phong trào cách mạng tỉnh nhà.
Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ, không có gì ý nghĩa hơn khi được làm lễ kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Sa - nơi tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng ta không ngừng đưa ra những quyết sách phù hợp, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
[Tổng Bí thư các thời kỳ] Chủ tịch Hồ Chí Minh

[Tổng Bí thư các thời kỳ] Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam là vô cùng to lớn. Song, vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là Người đã xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một đảng kiên cường, giàu bản lĩnh và kinh nghiệm trong lãnh đạo cách mạng cũng như xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.