Chủ nhân giải VinFuture 2022 kể chuyện phía sau chiến thắng

Sau buổi vinh danh VinFuture tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), sáng 21/12, các nhà khoa học đoạt giải có buổi gặp mặt, chia sẻ tại Trường Đại học Vin Uni.

Buổi giao lưu mang tên Chào tương lai được tổ chức với hàng trăm khán giả là các nhà khoa học, sinh viên. Tại đây, các chủ nhân giải thưởng chia sẻ hành trình dài giúp họ đến với thành công. Để làm nên những công trình vĩ đại giúp thay đổi cuộc sống của hàng triệu người, không chỉ có sự cống hiến, hi sinh thầm lặng, mà còn là “những cái bắt tay” tiếp nối nền móng được xây dựng từ rất nhiều năm trước.

Giáo sư Ấn Độ: "Hóa học lãng mạn như thơ ca"

Mở màn chương trình là phần diễn thuyết của GS Thalappil Pradeep, người giành giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, trị giá 500.000 USD với công trình công nghệ chi phí thấp để loại bỏ Asen khỏi nước ngầm. Pradeep tìm ra các vật liệu phù hợp và tiên tiến nhất để loại bỏ các chất gây ô nhiễm cụ thể trong nước theo cách tiết kiệm chi phí nhất và bền vững.

Chủ nhân giải VinFuture 2022 kể chuyện phía sau chiến thắng

GS Thalappil Pradeep giới thiệu vật liệu loại bỏ asen. Ảnh: Phương Linh

Kể về hành trình bản thân, GS Thalappil nhắc tới quá khứ hàng chục năm trước khi còn là cậu bé sinh ra ở làng quê nghèo, năm ông 21 tuổi mới bắt đầu có điện. Thơ ấu trong ông là những ngày đi bộ chân trần hơn 4 cây số qua cánh đồng lúa đến trường. Ông bảo so với nhiều người, ít ra vẫn đủ đồ ăn nhưng cũng chỉ vỏn vẹn mặc 2 bộ đồng phục. Ban đầu, cậu bé nghèo mong muốn theo học ngành ngôn ngữ, nhưng sau đó sớm nảy sinh hứng thú với môn Hoá học. “Thật thú vị khi trộn các chất lại với nhau, môn hoá học cũng có màu sắc mùi vị, lãng mạn như thơ ca, điều mà người bố nhà thơ của tôi theo đuổi”, GS Thalappil nói.

Tình yêu với hoá học nhen nhóm dần và nảy nở khi ông theo học ở trường đại học hàng đầu ở Ấn Độ. Đó là khoảng thời gian ông gặp được nhiều giáo sư và những gương mặt nổi tiếng. “Thế giới khoa học mở ra trước mắt tôi. Vài năm trước đọc sách là buồn ngủ, nhưng khi gặp được người tuyệt vời rồi, không đọc sách hoá tôi lại không ngủ được”, ông nói và kể thêm sự thay đổi đó nhờ khoa học mang lại.

Ở trường, nhóm của GS Thalappil nghiên cứu về hệ thống liên kết lỏng, tần số sóng rung. Khi thành giảng viên, ông tự đặt câu hỏi liệu Hoá học giúp được gì cho người Ấn Độ. Câu hỏi khiến ông trăn trở cho đến thời điểm năm 2000, một số vùng xuất hiện nước nhiễm thuốc trừ sâu, cao 20-30 lần so với thông thường chuẩn. Và thế rồi, ông mày mò tìm hiểu và chế tạo vật liệu phù hợp, có được bằng sáng chế đầu tiên.

Bước ngoặt trong quyết định chế tạo vật liệu loại bỏ asen được GS Thalappil thực hiện khi ông đi tìm giải pháp sao cho không gây ra phát thải carbon. Ông phát hiện ra các hạt nano kim loại có thể được sử dụng để phá vỡ các liên kết mà kết nối và vận chuyển asen trong nước ngầm. Công nghệ phá vỡ liên kết này làm sạch nước ngầm hiệu quả với chi phí rất thấp, giúp hàng triệu hộ gia đình đang bị ảnh hưởng.

Ông cho biết, một giải pháp có thể phát hiện trong vài tháng nhưng mất tới 8-10 năm để có thể đưa vào hiện thực và nhân rộng. Nhờ phát minh của ông, một lít nước sạch chỉ còn giá 7,5 đồng, giúp đỡ cho hơn 7,5 triệu người ở Ấn Độ. Kể thêm về cuộc sống, ông thừa nhận “24h là không đủ cho một người làm nghiên cứu”, và ông đã phải “vay” thời gian của gia đình. Song với Thalappil, người không đeo theo bất cứ phụ kiện đắt đỏ nào, mọi điều ông tìm kiếm đều dành cho người khác.

Nghiên cứu có thể giúp được người khác

GS Pamela C. Ronald (61 tuổi), người Mỹ, được trao giải cho nhà khoa học nữ với nghiên cơ bản của bà về các giống lúa có khả năng chịu ngập và tạo ra các giống lúa mới năng suất cao. Pamela kể câu chuyện về tuổi thơ với người bố là dân tị nạn - điều đã khích lệ bà tình yêu với khoa học và giúp đỡ người khác trong cuộc sống. “Bố tôi không có quốc tịch trong 12 năm, ông chạy trốn nhiều nơi và tới Mỹ, do đó, ông luôn bảo chúng tôi phải quan tâm, giúp đỡ người khác”, bà kể.

Chủ nhân giải VinFuture 2022 kể chuyện phía sau chiến thắng

GS Pamela trong buổi giao lưu sáng 21/12. Ảnh: Phương Linh

GS Pamela dành phần lớn sự nghiệp để nghiên cứu về cây trồng. Năm 1995, đồng nghiệp của bà là David Mackill, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) phát hiện gene chịu lụt trong một giống lúa Ấn Độ. Họ đã cùng nhau cô lập gene và mã hóa để đưa gene đó vào cây lúa với mục đích tạo giống cây mới vẫn giữ được năng suất, chất lượng, nhưng cộng thêm gene chịu ngập. Bà thành công sao chép chính xác vùng gene Sub1 mã hóa cho 3 nhân tố điều hòa phiên mã các yếu tố quan trọng trong phản ứng miễn dịch thực vật với stress (các điều kiện khắc nghiệt), ethylene-responsive factor (ERF).

Phát minh của bà đã giúp tạo ra các giống lúa biến đổi gene có tính chịu ngập vượt trội ở đem lại lợi ích khổng lồ cho toàn thế giới và đã được hơn 6 triệu nông dân ở Ấn Độ, Bangladesh và Nepal đưa vào trồng trọt. bà cho biết tiếp tục nghiên cứu.

Là nhà nghiên cứu gene, Pamela nói cách gọi như cải tiến gene, sản phẩm biến đổi, chỉnh sửa gene không quá quan trọng mà cần hướng tới giống cây phát triển tốt trong các điều kiện, mang lại lợi ích cho người nông dân. “Thay vì phun thuốc trừ sâu, ta đưa sẵn tính trạng đó vào cây trồng để có thể thu hoạch rồi năm sau gieo trồng, giúp nông dân có thu nhập tốt hơn”, bà nói.

Với những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực, GS Pamela được vinh danh giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ với tiền thưởng 500.000 USD. Bà cho biết thêm trong tương lai nhờ kỹ thuật hiện đại không chỉ dừng ở giống hiện tại, còn đưa nhiều giống thơm hơn, ngon hơn.

Trong chia sẻ bên lề với báo chí sáng 21/12, bà cho biết từng nghiên cứu về thực vật. Nhưng khi bắt đầu sự nghiệp sau này, bà quyết định nghiên cứu về giống gạo, vì gạo là nguồn thực phẩm của một nửa dân số thế giới. “Tôi hy vọng rằng một số đóng góp của tôi có thể hữu ích cho những người nông dân và gia đình họ, đôi khi là những người có mức sống dưới 3 USD/ngày. Vì vậy, đó là ước mơ của tôi: Giúp đỡ những người nông dân trồng lúa”, bà nói và cho biết may mắn được làm việc với một nhóm các nhà khoa học quốc tế tuyệt vời để có thể đóng góp giúp đỡ nông dân ở Nam Á và Đông Nam Á.

Phát minh là tình cờ

Ba trong số 5 chủ nhân Giải chính VinFuture Grand Prize trị giá lớn nhất (3 triệu USD), công trình giúp biến Internet và mạng lưới toàn cầu thành hiện thực, tin điều quan trọng nhất giúp người làm nghiên cứu thành công là trí tò mò.

“Hãy quan tâm tới cả những thứ không thuộc chuyên ngành của mình, điều ấy giúp suy nghĩ rộng hơn và để trí não phát hiện ra vấn để liên quan đến nghiên cứu”, TS Emmanuel Desurvire (67 tuổi, Pháp) cho hay.

Chủ nhân giải VinFuture 2022 kể chuyện phía sau chiến thắng

Ba nhà khoa học của giải thưởng chính trên sân khấu sáng 21/12. Ảnh: Phương Linh

Desurvire được biết đến với nghiên cứu tiên phong về vật lý của bộ khuếch đại sợi quang pha tạp Erbium (EDFA) và hoạt động đa kênh. Công trình cho phép tăng cường tín hiệu nội tuyến ánh sáng đa màu sắc trong mạng cáp nội bộ, cáp xuyên lục địa, và cáp ngầm dưới biển, rất cần cho cơ sở hạ tầng cáp quang để tạo nền tảng cho mạng World Wide Web và Internet.

Nhưng ông bảo, phát minh là hoàn toàn tình cờ, gọi đó là một phần của may mắn. Ban đầu, TS Desurvire nghiên cứu về máy tính quang học. Người cố vấn nói tại sao ông không nghiên cứu về hiệu ứng sợi quang. Khi đưa điện vào, ánh sáng không thể phát tán đúng, bị khuếch tán khắp nơi. Thủy tinh làm ảnh hưởng quá trình truyền tín hiệu, tức là vật liệu ảnh hưởng việc truyền tải sóng ánh sáng.

Do đó nếu dùng bộ khuếch đại Erbium, thay vì khuếch tán thì nén lại và đi đường thẳng với hiệu suất cao và có thể đi qua biển. Theo nhà khoa học Pháp, mỗi người nghiên cứu có thể đưa ra giả thuyết khi nghiên cứu. Trong vật lý một lý thuyết hiệu quả có thể áp dụng ở các lĩnh vực khác, như khoa học máy tính.

Còn với TS Vinton Gray Cerf, nhà khoa học người Mỹ, trí tò mò giúp thu hẹp khoảng cách và tạo động lực tới câu trả lời. Trong thế giới của mình, Ceft nói ông thường xuyên thử nghiệm, đưa ra một dự đoán và thử nghiệm dự đoán đó. “Đó là biểu đồ hình cong của dự đoán, thử nghiệm, đo đạc”, ông nói thêm những giả thuyết phỏng đoán sẽ kết hợp để hiểu sâu về cách vận hành thế giới.

GS người Anh, Sir. David Neil Payne đồng tình, cho biết thế hệ trẻ rất tò mò và hiếu học, cần khuyến khích tinh thần đó. Tuy nhiên nghiên cứu từ tò mò mới ở mức “level 1”, muốn một sản phẩm hoạt động nhanh và hiệu quả cần cả một hệ sinh thái ở các quốc gia. Cho rằng điều này đặc biệt khó tại các nước mới nổi với điều kiện có hạn, ông gợi ý cần trợ giúp từ Chính phủ trong việc quan tâm và đầu tư trong nghiên cứu và phát triển.

Giải thưởng do Quỹ VinFuture trao hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người. Quỹ ra mắt vào 20/12/2020 hoạt động độc lập, phi lợi nhuận do tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân sáng lập với mục tiêu tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới. Sau 2 mùa giải đã có 16 nhà khoa học được tôn vinh.

Chủ nhân giải VinFuture 2022 kể chuyện phía sau chiến thắng
Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast