
Chùa Thiên Tượng được khởi dựng từ thế kỷ XIV, đời nhà Trần, trên ngọn núi Thiên Tượng của dãy Hồng Lĩnh thuộc làng Quỳnh Lâm xưa, nay là phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh). Chùa từng được xem là "Hoan Châu đệ nhị danh thắng" (sau chùa Hương Tích, huyện Can Lộc). Hướng của chùa được tiền nhân lựa chọn theo thuyết “Tiền thủy, hậu sơn”. Chùa được bố trí xây dựng theo lối chữ công (T) bao gồm: Thượng Tịnh, Hạ Tịnh, Nhà tăng, Nhà thờ Đạt ma sư tổ.

Theo lời kể của Thượng tọa Thích Chánh Thành - Trưởng ban Trị sự Phật giáo thị xã Hồng Lĩnh, Trụ trì chùa Thiên Tượng: Tương truyền trước khi chọn đất dựng chùa để khai sáng Đạo phật, vị Hòa thượng Thích Khuông Lộ đã mơ thấy voi trắng Thiên đình về đỉnh ngự chính nơi đây. Sáng ra, hòa thượng xem xét thấy còn vết chân và khối đá rất giống hình voi, vì vậy ông đã chính thức chọn vùng đất này để dựng chùa và lấy tên Thiên Tượng (voi trời).

Vào khoảng đầu thế kỷ thứ XVII, vị Thiền sư Chuyết Công người Trung Hoa cùng đệ tử của mình sang Việt Nam truyền đạo, khi đi qua đây thấy khung cảnh nên thơ, tĩnh mịch, trang nghiêm nên đã dừng chân tu tập tại chùa gần 3 năm trước khi tiếp tục hành hương ra Bắc lập nên dòng Thiền Lâm Tế phía đàng ngoài. Vì vậy, Thiên Tượng được xem như là Ngôi Tổ Đình của Phật giáo Miền Trung.

Trải qua trên 700 năm kể từ khi Hòa thượng Thích Khuông Lộ khai sơn, phá thạch dựng chùa, Thiền sư Chuyết Công hoằng dương phật pháp khai sáng đạo Phật trên mảnh đất này, đã có nhiều vị tổ sư đạo cao, đức trọng về chùa tu tập, hoằng khai chánh pháp, nhờ đó chùa vẫn giữ được dáng vẻ của ngôi cổ tự như buổi ban đầu khởi dựng.

Đến năm 1885, khi phong trào Cần Vương bùng nổ, nghi ngờ chùa Thiên tượng là nơi che giấu cho các sỹ phu yêu nước nên giặc Pháp đã cho phóng hỏa đốt chùa, chùa trở thành phế tích. Đến năm Thành Thái thứ 12 (1901), Tổng đốc An Tĩnh thời bấy giờ là cụ Đào Tấn sau khi ghé thăm chùa, đứng trước cảnh đổ nát của ngôi cổ tự vang danh một thuở, ông đã cho trùng tu, tôn tạo.

Thời kỳ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), chùa lại bị thực dân Pháp triệt hạ lần nữa bằng việc đập phá Hạ Tịnh, tẩu tán đồ tế khí, nghiêm cấm tu hành, từ đây tiếng chuông chùa tưởng như đi vào quên lãng.
Vào những năm 1990, trước sự đổi mới của quê hương, đất nước, sự chấn hưng của Phật giáo nước nhà, chùa Thiên Tượng lại được Nhân dân, bà con phật tử góp công, góp sức trùng tu, tôn tạo.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, chùa Thiên Tượng được công nhận là Di tích danh thắng quốc gia vào năm 2004.

Có tuổi đời hơn 700 trăm năm, chùa Thiên Tượng không chỉ đẹp về cảnh sắc thiên tạo mà còn gắn với bao truyền thuyết tâm linh về một vùng đất linh thiêng Hồng Lĩnh, trở thành điểm đến thu hút du khách gần xa về vãn cảnh, chiêm bái lễ Phật và tận hưởng những giây phút thật bình yên giữa thiên nhiên tuyệt đẹp.