Chuyện lão nông nuôi cua đồng

(Baohatinh.vn) - Từ ruộng lúa thấp trũng, ông Võ Văn Thái (60 tuổi, ở xã Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã cải tạo để phát triển mô hình nuôi cua đồng cho hiệu quả kinh tế cao.

Tôi là Võ Văn Thái (60 tuổi, trú tại thôn Tiến Thắng, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên). Tôi bắt đầu thử nghiệm nuôi cua đồng từ cuối năm 2023. Đến nay, lứa cua đầu tiên sinh trưởng tốt, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Trước đây, từ ruộng lúa thấp trũng cho thu hoạch kém, tôi đã thử nghiệm nuôi trồng nhiều loài như: cá, bò, lợn… Dù chăn nuôi ổn định nhưng gặp khó về đầu ra nên tôi đã đưa ra quyết định táo bạo: chuyển đổi 100% diện tích sang mô hình nuôi cua đồng.
Toàn bộ diện tích đồng ruộng của gia đình là 3.600 m2. Từ tháng 12/2023, tôi bắt đầu nạo vét sạch đáy ruộng, gia cố bờ. Ruộng nuôi cua đồng phải bằng phẳng, giữ nước tốt, chất đất thịt và nguồn nước không bị ô nhiễm.
Cải tạo đất hoàn thành, tháng 2/2024, tôi thả xuống 3 tạ cua giống, kích cỡ 300 con/kg. Giống cua được lựa chọn là giống khỏe, không bị bệnh, nhìn trực quan có màu sắc tươi sáng. Cua được thả từ bờ ruộng để tự bò xuống, nhằm đảm bảo không bị sốc môi trường. Tổng chi phí đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu đồng.
Trên bề mặt ruộng, tôi thả bèo tây để cua có nơi trú ngụ, tránh nắng. Trung bình mỗi tuần tôi tiến hành thay nước tại ruộng 1 lần để kích thích cua lột xác, phát triển nhanh.
Đối với thức ăn, tôi sử dụng các loại nhuyễn thể như cá tạp, ốc, hến… Bên cạnh đó, tôi còn nuôi thêm 50 m2 trùn quế để làm thức ăn cho cua, kết hợp với đó là cám gạo, khoai mì.
Mỗi ngày, tôi cho cua ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều tối. Khi cua vào giai đoạn trưởng thành rất mau lớn, ăn khỏe, do vậy, lượng thức ăn được bổ sung đa dạng hơn. Sau 4 tháng thả nuôi, gia đình tôi đã thu hoạch lứa cua đầu tiên từ đầu tháng 6/2024.
Thời điểm này đang vào cao điểm thu hoạch. Để bắt được cua đồng, tôi dậy từ 4h sáng. Dụng cụ bắt cua là lưới lồng bát quái được thiết kế kiểu hình chữ nhật có nhiều cửa, có thể xếp lại nhỏ gọn.
Tại ruộng nuôi cua, tôi chọn khu vực gần bờ để thả lưới. Lưới được kéo thẳng thành hàng dài, nhấn chìm dưới nước khoảng 3/4. Để tránh bị trôi mất, tôi sẽ buộc chặt hai đầu lưới vào bụi cỏ.
Sau 2-3 giờ thả lưới, tôi tiến hành gỡ lưới để thu hoạch. Trung bình mỗi ngày, tôi thu hoạch khoảng 15-20 kg cua đồng.
Giá bán cua đồng ở thời điểm hiện tại là 120.000 – 130.000 đồng/kg. Dù vất vả nhưng mô hình đã giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập khá, ổn định hằng ngày.
Cua đồng được thương lái thu mua, sau đó nhập ra các tỉnh, thành phía Bắc. Cua đồng có thể chế biến thành nhiều món ngon và giàu dinh dưỡng như: lẩu, bún riêu, rang me, nấu canh... Hiện tại, có rất nhiều điểm thu mua tại huyện Cẩm Xuyên, thậm chí các thương lái trực tiếp thu mua tại nhà nên tôi không phải lo lắng về đầu ra.
Nhiều năm nay, tại xã Cẩm Thịnh có rất nhiều ruộng lúa thấp trũng, năng suất kém. Tôi là người tiên phong thử nghiệm mô hình nuôi cua đồng trên những ruộng lúa này. Với tình hình khả quan như hiện tại, tôi có thể chia sẻ để nhiều hộ dân cùng làm giàu trên thửa ruộng của mình.
Bên cạnh cua đồng, mỗi ngày tôi còn thu hoạch được thêm 3-5 kg cá chạch, bán ra với giá 100.000 đồng/kg.
Để có được những "quả ngọt" đầu tiên này, phải kể đến sự đồng hành của vợ tôi - bà Nguyễn Thị Lài (55 tuổi).
Hằng ngày, vợ tôi "luôn tay luôn chân" phụ trách các phần việc như: chăm sóc đàn gà, giun quế, cho cá ăn...
Ở trang trại chỉ có hai ông bà nên lúc nào cũng đỡ đần, hỗ trợ lẫn nhau. Có bà cùng đồng hành, công việc đồng áng cũng đỡ vất vả hơn.
Khi bỏ mấy tháng trời để cải tạo đất, rồi "thả đống tiền" xuống ao để nuôi cua đồng, nhiều người cũng nghi ngại cho tôi. Gắn bó với ruộng đồng quanh năm, được học hỏi, tiếp cận các mô hình kinh tế để gia tăng thu nhập nên tôi vẫn tự tin triển khai.
Dù mới thử nghiệm nuôi cua đồng lần đầu nhưng tôi nhận thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tại địa phương. Đặc biệt, thời gian qua, tôi đã nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp địa phương, từ kỹ thuật, cách chăm sóc, theo dõi dịch bệnh, thu hoạch...
Với những hiệu quả mang lại, tôi đang ấp ủ nhân rộng mô hình, tận dụng lợi thế đất đai, điều kiện sinh thái của địa phương để phát triển kinh tế, phấn đấu làm giàu trên quê hương của mình.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói