Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình: Động lực mới cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Các chuyên gia đều chung nhận định chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời giữa hai quốc gia, hai dân tộc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao Huân chương Hữu nghị tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Theo Thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 12-13/12/2023.

Chuyến thăm thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về quan hệ hai nước.

Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang phát triển đúng hướng

Theo các chuyên gia, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ ghi dấu ấn nổi bật, là điểm nhấn quan trọng đúng dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc (2008-2023).

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tiến sỹ Đào Ngọc Báu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quan hệ Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh năm 2008, hai quốc gia đã thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện.

Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, bởi Trung Quốc là nước đầu tiên mà Việt Nam xây dựng quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện; Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập khuôn khổ quan hệ này.

Đó chính là động lực thúc đẩy quan hệ hai nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, hướng tới tương lai. Trong 15 năm qua, hai nước đã đạt được rất nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.

Trong quan hệ hợp tác hai nước, Tiến sỹ Đào Ngọc Báu quan tâm đến hợp tác trao đổi lý luận giữa hai Đảng.

Theo Tiến sỹ Đào Ngọc Báu, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đặc biệt coi trọng trao đổi kinh nghiệm, hợp tác lý luận. Ngay cả trong những năm thế giới chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hai nước vẫn tổ chức hội thảo lý luận theo hình thức trực tuyến.

Công tác trao đổi lý luận giữa hai Đảng, hai nước nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sát của hai nhà lãnh đạo Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Điều đó cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của hoạt động này, có thể thấy đây là hoạt động độc đáo, mẫu mực trong quan hệ hợp tác giữa hai chính Đảng trên thế giới, thể hiện tinh thần cầu thị, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để phát triển.

“Việc hai Đảng, hai Nhà nước trao đổi lý luận cũng chính là chia sẻ những bài học kinh nghiệm cho nhau, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác và định hình một hình mẫu hợp tác hiệu quả, đoàn kết giữa hai chính Đảng trên thế giới,” Tiến sỹ Đào Ngọc Báu cho hay.

Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, nguyên Công sứ-Phó Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, là người nghiên cứu sâu về Trung Quốc và quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

Ông nhận định, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang phát triển thuận lợi. Sau đại dịch COVID-19 các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn được khôi phục, mở đầu là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022).

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, có thể nói là mang tính lịch sử, mở ra giai đoạn mới cho quan hệ hai nước và một số vấn đề khó khăn giữa hai nước được tháo gỡ. Sau chuyến thăm đó, nhiều lãnh đạo cấp cao, bộ, ngành, địa phương của hai nước đã tiếp xúc, qua lại với nhau.

"Trong một khoảng thời gian ngắn, sự giao lưu, gặp gỡ, tiếp xúc nhiều như vậy là hiếm có. Bởi hai bên đã nhận thức được ý nghĩa chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhận thức được quan hệ hai nước đang ở giai đoạn phát triển thuận lợi nhất," ông Nguyễn Vinh Quang nhận định.

Ông Nguyễn Vinh Quang cho biết thêm: "Không chỉ chính trị, ngoại giao mà cả kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân... cũng được tăng cường, thúc đẩy. Và thật trùng hợp khi năm 2023 là năm hai nước kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện (2008-2023). Nhìn lại có thể thấy quan hệ hai nước phát triển rất đúng hướng và khuôn khổ mà lãnh đạo cấp cao hai nước xác lập cách đây 15 năm là rất chính xác."

Chuyến thăm mở ra nhiều mối quan hệ hợp tác mới

Nhấn mạnh đây là lần thứ 3 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam, ông Nguyễn Vinh Quang cho biết, kể từ khi bình thường hóa quan hệ, đây là lần đầu tiên có một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc thăm Việt Nam đến 3 lần.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này diễn ra chỉ hơn 1 năm sau chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/2022).

"Chuyến thăm đó rất thành công với Tuyên bố chung gồm 13 điểm, được truyền thông rộng rãi, cả hai nước và thế giới biết đến. Những thỏa thuận đạt được giữa hai Tổng Bí thư vào năm ngoái đang được triển khai rất tốt. Lần này lãnh đạo cấp cao lại gặp nhau lần nữa, tôi nghĩ rằng quan hệ hai nước đã tốt rồi, sẽ tốt hơn,“ông Nguyễn Vinh Quang chia sẻ và bày tỏ:”Tôi cũng như nhiều người Việt Nam kỳ vọng chuyến thăm sẽ có những kết quả tốt đẹp, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Tôi cho rằng hai nước có thể sẽ đạt được những thỏa thuận mới hoặc triển khai cụ thể hơn những thỏa thuận đã có đi vào thực tế hơn."

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chung nhận định với ông Nguyễn Vinh Quang, Tiến sỹ Đào Ngọc Báu cho rằng chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho thấy, quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đang phát triển rất tốt đẹp, thể hiện đúng tinh thần "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai."

Theo Tiến sỹ Đào Ngọc Báu, về phía Trung Quốc, ngay từ năm 2012, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đưa ra quan điểm ngoại giao láng giềng "thân, thành, huệ, dung."

Điều này được nhắc lại tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, diễn ra vào tháng 10/2022. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sắp tới là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hóa chính sách ngoại giao này.

Với Việt Nam, chuyến thăm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc tới Việt Nam cho thấy vị trí và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc trên cả ba phương diện đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

“Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ góp phần khẳng định và củng cố quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời giữa hai quốc gia, dân tộc, chắc chắn sẽ mở ra nhiều mối quan hệ hợp tác mới trong tương lai, cũng như nâng tầm các mối quan hệ đã có theo hướng ngày càng sâu sắc hơn, thực chất hơn, góp phần vào sự phát triển của hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới,” Tiến sỹ Đào Ngọc Báu nhận định.

Tiến sỹ Đào Ngọc Báu phân tích thêm, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc sẽ tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại song phương phát triển theo hướng cân bằng, bền vững.

Cùng với đó, hoạt động giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, khoa học, giáo dục giữa hai nước sẽ ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, qua đó củng cố truyền thống hữu nghị giữa hai quốc gia, dân tộc, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói lúc sinh thời “Việt-Trung hữu nghị, vạn cổ trường thanh”./.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói