Sản phẩm dầu lạc Hòa Thống hiện đã có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường
Anh Nguyễn Văn Thống - chủ cơ sở dầu lạc Hòa Thống cho biết: “Ý tưởng lập xưởng sản xuất dầu lạc của tôi bắt đầu từ 3 năm trước, lúc ấy một số người dân cũng đã bắt đầu ép dầu lạc bằng cách làm thủ công nhưng chất lượng dầu không cao. Mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm dầu lạc, trở thành một thương hiệu hàng hóa có thể cạnh tranh trên thị trường đã thôi thúc tôi mày mò học hỏi để áp dụng”.
Ý tưởng "sản xuất dầu lạc chuyên nghiệp, hiện đại" của anh Thống đã bị nhiều người "nghi vấn" bởi họ cho rằng, trên thị trường đã có hàng chục hãng dầu nổi tiếng, giá cả phải chăng nên sản phẩm dầu lạc sẽ rất khó cạnh tranh.
Tuy vậy, với lợi thế có vùng nguyên liệu dồi dào và những kinh nghiệm học tập được từ một số cơ sở sản xuất lớn ở các tỉnh phía Bắc đã khiến anh Thống mạnh dạn bắt tay vào thực hiện ý định.
Cơ sở ép dầu lạc Hòa Thống hiện đang tạo việc làm cho 20 lao động địa phương
Từ máy quay thủ công 50 triệu đồng ban đầu, qua quá trình sản xuất, anh Thống đã thay đổi các loại máy ép ngày càng hiện đại, phù hợp hơn. Cùng với việc đầu tư hàng trăm triệu đồng cải tiến máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm, anh Thống cũng từng bước hoàn thiện các thủ tục giấy tờ để hoàn tất "thương hiệu" cho sản phẩm dầu lạc của mình.
“Tôi đã phải nhiều lần ra Bộ Y tế để tìm hiểu các thủ tục kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Cứ mỗi lần kiểm tra chưa đạt chất lượng là thêm một lần mày mò nghiên cứu tìm ra cách khắc phục. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng sản phẩm của tôi cũng đã đủ các điều kiện và được đăng ký nhãn hiệu” - Anh Thống cho hay.
Ban đầu là ép lạc sống, sau đó, anh Thống mày mò ép lạc chín để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng
Với việc đăng ký thành công nhãn hiệu vào năm 2016, cơ sở dầu lạc Hòa Thống trở thành cơ sở đầu tiên trên địa bàn tỉnh có nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ. Đây cũng là cơ sở ép dầu lạc có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù đã được chứng nhận chất lượng, thương hiệu sản phẩm với mã vạch đầy đủ nhưng việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cũng hết sức khó khăn bởi người dân không ưa chuộng dầu lạc ép sống.
Lạc nguyên liệu được tuyển lựa trước khi xay thành bột, hông chín
Để chiếm lĩnh thị trường, anh Thống đã tìm tòi, nghiên cứu, chế tạo ra cách sản xuất dầu từ lạc ép chín. Với quy trình này, lạc nguyên liệu được tuyển đem xay mịn thành bột rồi hông (hấp). Khi lạc chín đều, bọc lại thành từng gói nhỏ rồi đem đi ép, tạo ra nguồn dầu vàng trong, sóng sánh. Dầu trải qua nhiều lần lọc lắng cặn sẽ đóng chai thành phẩm và ra thị trường.
Để chủ động nguồn nguyên liệu, anh Thống đã liên kết với người dân ở Đức Thọ và một số xã thuộc huyện Hương Khê, Vũ Quang... cung cấp nguồn giống, phân bón, đồng thời bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con. Sự liên kết chặt chẽ đôi bên cùng có lợi đã giúp cơ sở có được nguồn nguyên liệu sạch - yếu tố quan trọng nhất để có được sản phẩm dầu chất lượng tốt.
Bã dầu lạc được tái sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm
Nhờ chất lượng tốt và quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả phải chăng (70.000 đồng/lít - PV) nên sản phẩm của cơ sở dầu lạc Hòa Thống ngày càng khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong tỉnh và các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn...
Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất khoảng 3.000 lít dầu lạc, riêng những tháng đầu năm nay, cơ sở đã sản xuất được khoảng 4.000 lít với doanh thu gần 3 tỷ đồng. Không những nâng cao thu nhập cho gia đình, cơ sở còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương từ 3 đến 12 triệu đồng/người/tháng.