Cổ tích không có hậu của Maria Sharapova

Hình tượng sụp đổ, Maria Sharapova khiến bao người sốc nặng khi thông báo chuyện cô dương tính với chất cấm meldonium tại giải Australian Open 2016. Nhưng trên hết, Masha vừa dội gáo nước lạnh lên chính bản thân cô và cha mẹ. Masha và gia đình đã nỗ lực bao công sức trong bao năm để viết nên hành trình cổ tích. Thế mà…

NỖ LỰC PHI THƯỜNG

Quốc tế Phụ nữ 8/3 đáng ra phải là ngày tất cả phụ nữ được hưởng niềm vui trọn vẹn. Vậy mà Maria Sharapova lại phải cúi mặt sau khi cô thông báo kết quả thử doping dương tính và sẽ tạm bị cấm thi đấu kể từ ngày 12/3 tới.

Sharapova sắp bước sang tuổi 29. Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, Masha bị cấm thi đấu 4 năm thì cũng đồng nghĩa sự nghiệp cầm vợt của cô chấm dứt từ đây. Thật khó có thể tin câu chuyện cổ tích của Masha lại có hồi kết đen tối như vậy.

Sharapova bắt đầu cầm vợt hồi cô lên 4 tuổi, khi cô cùng gia đình sống tại Sochi, Nga. Cha mẹ cô, những người sinh ra tại Belarus, chuyển từ Gomel (Belarus) tới đây khi cô mới 2 tuổi vì sợ ảnh hưởng từ thảm họa hạt nhân Chernobyl. Ông bố Yuri của Masha chơi thân với Aleksandr Kafelnikov - người có con trai là Yevgeny Kafelnikov sau này 2 lần vô địch Grand Slam và trở thành tay vợt Nga đầu tiên trong lịch sử leo lên ngôi vị số 1 thế giới.

Năm 1993, Masha vào học viện quần vợt ở Moscow của huyền thoại Martina Navratilova. Cô bé 6 tuổi được giới thiệu sang Mỹ theo học tại học viện Nick Bollettieri danh tiếng, nơi đã ươm mầm tài năng của những tên tuổi như Andre Agassi, Monica Seles…

Nhà nghèo nhưng thấy con gái quá đam mê tennis, Yuri đánh liều một phen. Năm 1994, cha con Yuri - Masha sang Mỹ. Lúc ấy, họ vẫn chưa biết nói tiếng Anh. Toàn bộ gia tài của hai cha con chỉ có 700 USD tiền vay mượn. Ông Yuri phải chịu khó đi làm đủ mọi việc, kể cả rửa bát thuê, để kiếm tiền vì giấc mơ cầm vợt chuyên nghiệp của Masha.

Do vấn đề về visa, bà mẹ Yelena của Masha vẫn phải ở lại Nga. Masha kể: “Tôi phải xa mẹ suốt 2 năm trời. Ngày ấy chúng tôi làm gì có điện thoại di dộng hay thư điện tử. Tôi viết thư cho mẹ và có khi hàng tháng trời sau thư mới đến tay bà. 6 tháng một lần, mẹ con tôi mới lại có dịp trò chuyện cùng nhau qua điện thoại”.

Masha rưng rưng tâm sự tiếp: “Tôi vất vả nhưng dù sao vẫn được thỏa ước mơ được theo nghiệp cầm vợt, được làm quen với ngôn ngữ và văn hóa mới. Còn mẹ tôi, bà đã phải hi sinh quá nhiều. Bà phải cắn răng xa chồng, xa con khi mới 27 tuổi”.

ĐOẠN KẾT BUỒN?

Những nỗ lực phi thường của Masha và cha mẹ cô dần được đền đáp xứng đáng. Cô vô địch Wimbledon khi mới 17 tuổi, lên số 1 thế giới khi mới 18 tuổi. Đến nay, Masha đã có 5 chức vô địch Grand Slam và liên tục giữ ngôi vị nữ VĐV có thu nhập cao nhất thế giới.

Hành trình cổ tích của Masha thực ra không êm đềm như phép thống kê kể trên. Cô liên tục bị chấn thương vai hành hạ. Có giai đoạn cô phải nghỉ thi đấu tới 10 tháng.

“Chỉ có tình yêu tennis và khát vọng chinh phục cháy bỏng mới ngăn tôi khỏi bỏ cuộc”, Masha chia sẻ.

Nhìn Masha xuất hiện trên sân đấu, đằng sau ngoại hình xinh đẹp hút hồn luôn là ánh mắt khát khao và những tiếng hét quyết tâm. Người ta có thể chói tai vì những tiếng hét ấy. Nhưng thử tưởng tượng nếu một ngày các sân banh nỉ không còn tiếng hét của Masha…

Bản thân Masha là người khó có thể tưởng tượng đến kịch bản đó nhất. Cô nghẹn ngào phát biểu vào rạng sáng qua: “Không thể diễn tả hết tôi yêu tennis nhường nào. Tôi biết mình sẽ phải nhận hậu quả vì vụ việc này. Nhưng tôi không muốn kết thúc sự nghiệp theo cách như vậy. Tôi thực sự hi vọng mình sẽ có cơ hội được tiếp tục cầm vợt”.

HỒ SƠ SHARAPOVA

- Sinh ngày: 19/4/1987

- Bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp từ: 2001

- Số danh hiệu WTA: 35

- Số danh hiệu Grand Slam: 5 (Wimbledon 2004, US Open 2006, Australian Open 2008, French Open 2012, French Open 2014)

- Tổng số tiền thưởng: 36,7 triệu USD

Theo Bongdaplus

Đọc thêm

Ronaldo - còn gì nữa?

Ronaldo - còn gì nữa?

Dù Ronaldo đã nỗ lực hết mình, ghi những bàn thắng đẹp mắt, những đóng góp cá nhân của anh vẫn chưa đủ để đưa Al-Nassr lên đỉnh vinh quang.
Tuchel đồng ý dẫn dắt tuyển Anh

Tuchel đồng ý dẫn dắt tuyển Anh

Lịch sử bóng đá Anh sắp được viết thêm một chương mới khi Thomas Tuchel chính thức trở thành huấn luyện viên trưởng đội tuyển.