Các nhà thám hiểm khám phá miệng hố Batagaika. Video: Reuters
Thước phim quay bằng drone hé lộ chi tiết miệng hố Batagaika trải dài một kilomet ở vùng Viễn Đông, Nga, hình thành miệng hố đóng băng vĩnh cửu lớn nhất thế giới.
Trong video, hai nhà thám hiểm leo trèo qua địa hình gồ ghề ở đáy vùng trũng, với bề mặt mấp mô và nhiều gò nhỏ. Miệng hố Batagaika bắt đầu hình thành sau khi khu rừng xung quanh bị chặt phá vào thập niên 1960 và đất đóng băng vĩnh cửu dưới lòng đất bắt đầu tan chảy, khiến mặt đất sụt xuống, Reuters hôm 22/7 đưa tin.
“Người dân địa phương chúng tôi gọi đó là ‘chỗ sụt’”, nhà thám hiểm Erel Struchkov chia sẻ khi đứng ở rìa miệng hố. “Nó phát triển vào thập niên 1970, đầu tiên như một khe núi. Sau đó, do rã đông dưới hơi nóng trong những ngày nhiều nắng, miệng hố bắt đầu mở rộng”.
Các nhà khoa học cho biết Nga đang ấm lên nhanh hơn ít nhất 2,5 lần so với phần còn lại của thế giới, làm tan chảy vùng lãnh nguyên đóng băng suốt thời gian dài, chiếm khoảng 65% đất đai của Nga và giải phóng khí nhà kính lưu trữ trong đất rã đông.
“Cổng địa ngục” theo cách gọi của người dân địa phương ở Cộng hòa Sakha thuộc Nga còn có tên khoa học là hố sụt khổng lồ (mega-slump). Sự mở rộng của hố sụt là dấu hiệu nguy hiểm, theo Nikita Tananayev, nhà nghiên cứu ở Viện đất đóng băng vĩnh cửu Melnikov tại Yakutsk. “Trong tương lai, với nhiệt độ ngày càng tăng và áp lực cao hơn từ con người, chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều hố sụt hình thành cho tới khi tất cả đất đóng băng vĩnh cửu biến mất”, Tananayev dự đoán.
Đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy cũng đe dọa các thành phố và thị trấn trên khắp miền bắc và đông bắc của Nga, làm đường cong vênh, nhà cửa nứt vỡ, đường ống bị gián đoạn. Những trận cháy rừng lớn trở nên dữ dội hơn trong thời gian gần đây khiến vấn đề thêm trầm trọng.
Giới khoa học không biết chính xác tốc độ mở rộng của miệng hố Batagaika. Nhưng Tananayev nói đất bên dưới hố sụt ở độ sâu khoảng 100 m tại một số chỗ, chứa lượng carbon hữu cơ khổng lồ, có thể giải phóng vào khí quyển trong quá trình đất đóng băng tan chảy, góp phần đẩy nhanh tốc độ ấm lên toàn cầu.