Tiến sĩ Ignat Kulkov, nhà khoa học tại Đại học Malardalen (MDU), cho biết tuổi thọ con người có thể đạt 100 đến 120 vào khoảng năm 2070, ít nhất là ở các nước phát triển. Đây là kết quả nghiên cứu do ông cùng các đồng nghiệp tại Phần Lan, Pháp và Anh thực hiện, công bố trên tạp chí khoa học Futures, ngày 30/7.
Theo tiến sĩ Kulkov, ngày càng nhiều người đeo thiết bị theo dõi sức khỏe cá nhân. Các thiết bị này thường được kết nối với bệnh viện, giúp bác sĩ đưa ra những lời khuyên cho người dùng, đề nghị họ cải thiện lối sống, thay đổi các thói quen có hại ngay từ khi còn trẻ, từ đó nâng cao tuổi thọ.
Ngoài ra, tiến bộ trong những lĩnh vực khác cũng có thể giúp con người sống lâu hơn. Chẳng hạn, Covid-19 giúp nhân loại thêm kiến thức theo dõi virus hiệu quả. Trong bối cảnh đại dịch, ngành y tế cũng ứng dụng AI vào chẩn đoán bệnh và phát triển các phương pháp điều trị mới.
“Y học cá nhân hóa, các loại thuốc phù hợp với thể trạng của từng bệnh nhân cũng là công cụ tiềm năng để cải thiện sức khỏe”, tiến sĩ Kulkov nói thêm.
Người máy của Tesla trong Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới (WAIC) 2023 ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 6/7. Ảnh: Xinhua
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo thế giới sẽ đối diện những thách thức mới, chẳng hạn biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến hệ thống y tế và cuộc sống con người, trong cả hiện tại và tương lai.
Trên thực tế, tuổi thọ con người tăng vọt trong 200 năm qua. Tháng 11/2022, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc dự báo tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 77,2 vào năm 2050 nhờ các tiến bộ y học, điều kiện vệ sinh, sinh hoạt, thực phẩm và dinh dưỡng được cải thiện.
Thành tựu phát triển quan trọng nhất của nhân loại trong 200 năm qua là vaccine và kháng sinh. Các chiến dịch tiêm phòng giúp xóa sổ bệnh truyền nhiễm ở nhiều nơi trên thế giới, làm giảm tỷ lệ tử vong nói chung. Trong khi đó, kháng sinh giúp tuổi thọ trung bình của thế giới tăng lên từ 5 đến 10 năm.