Công nghệ sinh học tạo bước chuyển cho nông nghiệp Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc ưu tiên đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học (CNSH) trong phát triển nông nghiệp là một chủ trương đúng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Tái cơ cấu nông nghiệp

Xác định được vai trò, tầm quan trọng của CNSH, những năm qua, Hà Tĩnh đã tích cực phát triển và ứng dụng CNSH vào sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng phát triển KT-XH. Đặc biệt, việc ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo bước chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu mùa vụ, tăng năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất. Về giá trị kinh tế, sản xuất nông nghiệp năm 2016 đạt trên 70 triệu đồng/ha, tăng gấp 3,1 lần so với năm 2005. Sản lượng lương thực tăng từ 48,6 vạn tấn (năm 2005) lên 56,6 vạn tấn (năm 2016).

cong nghe sinh hoc tao buoc chuyen cho nong nghiep ha tinh

Cán bộ kỹ thuật nuôi cấy giống nấm tại Trung tâm Phát triển nấm ăn và Nấm dược liệu Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Thông qua ứng dụng CNSH trong công tác giống đã góp phần chuyển đổi hình thức nuôi, cơ cấu lại các đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng từ 100 ha năm 2005 lên gần 1.767 ha năm 2016, trong đó có 820 ha nuôi trên cát ứng dụng CNSH”.

Theo ông Hoàng, đạt kết quả này là nhờ áp dụng mạnh mẽ CNSH từ khâu con giống đến cả quá trình nuôi. Hà Tĩnh đã du nhập, đưa nhanh các giống mới có năng suất, chất lượng và giá trị vào nuôi trồng, như: Tôm thẻ chân trắng, cá chẽm, cá hồng mỹ, cá diêu hồng... 2 trại giống của Công ty Growbest, Công ty Thông Thuận đi vào hoạt động, đã ương dưỡng, cung cấp hơn 650 triệu con giống/năm.

Trên lĩnh vực giống cây trồng, ngành khoa học tỉnh nhà đã nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô tế bào một số loại cây trồng như chuối, phong lan, cúc; công nghệ vi ghép, công nghệ mô - hom, công nghệ nhân giống vô tính (kỹ thuật giâm cành) để sản xuất một lượng giống cây ăn quả sạch bệnh, bảo đảm chất lượng tốt, nhất là các loại giống cây ăn quả như cam, bưởi; bảo tồn và lưu giữ được các nguồn gen sinh học quý của địa phương. Các nghiên cứu CNSH đã giúp làm chủ công nghệ từ phân lập giống gốc đến giống cấp 2, cấp 3 đối với nhiều loại nấm. Đến nay, Trung tâm Nấm ăn và Nấm dược liệu Hà Tĩnh đủ khả năng sản xuất, cung ứng nấm giống phục vụ nhu cầu trên địa bàn và các tỉnh lân cận.

cong nghe sinh hoc tao buoc chuyen cho nong nghiep ha tinh

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Văn Trí giới thiệu về chương trình chuyển giao kỹ thuật khôi phục vườn bưởi Phúc Trạch sau lũ lụt

Cần chính sách phát triển CNSH đủ mạnh

Trước yêu cầu phát triển ngày càng nhanh và bền vững, việc ưu tiên đẩy mạnh phát triển CNSH là một chủ trương đúng đắn, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tiền đề giúp giải quyết những vấn đề bức thiết đang đặt ra đối với sản xuất và đời sống. Ngoài yếu tố về con người, cần thiết phải có những chính sách và giải pháp về huy động các nguồn lực để thúc đẩy nhanh ứng dụng CNSH vào thực tiễn.

Đề án về phát triển CNSH tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo đã “dự trù” kinh phí cho đầu tư, ứng dụng CNSH lên đến hơn 168 tỷ đồng, tập trung cho các chương trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao CNSH phục vụ công tác giống cây trồng, vật nuôi; cải tạo đất, xử lý chất thải, bảo quản sau thu hoạch, khắc phục và bảo vệ môi trường… Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giải quyết cơ bản việc chọn tạo giống có ưu thế từ kỹ thuật CNSH để từ đó xác lập quy hoạch sản xuất hàng hóa với một số sản phẩm chủ lực. Đồng thời, hỗ trợ phát triển hoàn thiện các sản phẩm mang tính đặc sản từng địa phương theo hướng “mỗi xã, phường 1 sản phẩm”.

Theo ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN, trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc huy động xã hội hóa các nguồn đầu tư cho phát triển CNSH là rất cần thiết. Theo tính toán, trong số 168 tỷ đồng đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng CNSH, ngân sách nhà nước chỉ chiếm 55%, còn lại là vận động, kêu gọi xã hội hóa từ doanh nghiệp, theo hình thức công - tư (PPP). Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần chủ động xây dựng các chương trình, đề tài, dự án hợp tác song phương và đa phương với các tỉnh, các nước có nền CNSH phát triển để trao đổi thông tin, dữ liệu, tranh thủ những kinh nghiệm, tiếp nhận tài trợ và đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển CNSH.

Với quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là chủ trương huy động xã hội hóa nguồn lực sẽ tạo nên bước đột phá, góp phần thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNSH vào sản xuất và đời sống.

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.