Cụ bà “giữ lửa” hát sắc bùa ở thị xã Hồng Lĩnh

(Baohatinh.vn) - Năm nay đã 84 tuổi nhưng cụ Phan Thị Hồng (tên thường gọi là cụ Nghinh) SN 1935, trú thôn Thuận Sơn, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh) vẫn luôn say mê sáng tác lời hát sắc bùa. Với cụ, đây không chỉ là niềm vui, mà còn là cách gìn giữ nét văn hóa độc đáo của quê hương.

Dù tuổi cao, mắt kém nhưng cụ Nghinh vẫn miệt mài với công việc sáng tác lời bài hát sắc bùa

Khoảng sân nhỏ nhà cụ Nghinh mấy hôm nay trở nên rộn ràng. Người đánh thử điệu trống, người nhẩm thơ, ai ai cũng mong chờ tác phẩm chào năm mới của bà cụ đã ở độ tuổi ngoài bát thập.

Sau gần 1 tiếng sáng tác, cụ Nghinh vội vàng khoe lời bài hát mang tên “Chào xuân 2020” với những câu thơ sôi nổi, hào hứng: “Đầu xuân năm mới bước vào - Nay đoàn văn nghệ kính chào toàn gia - Mừng xuân mừng Đảng chúng ta - Chúc mừng năm mới thật là an khang...”.

Những lời hát sắc bùa được cụ Nghinh sáng tác, lưu giữ cẩn thận

Cụ Nghinh chia sẻ: “Bài hát, điệu sắc bùa đã in vào trí nhớ của của tôi từ lúc lên 5. Những năm tháng đất nước chiến tranh, tôi tham gia vào đoàn thanh niên xung phong. Có năng khiếu sáng tác lại say mê văn nghệ, nên tôi được đơn vị giao phó viết lời điệu hò, vè mang ý nghĩa động viên, khích lệ cán bộ, chiến sỹ, toàn dân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc...”.

Tham gia viết lời bài hát cho đoàn sắc bùa tại xã Thuận Lộc từ năm 2003, đến nay, gia tài sáng tác của cụ Nghinh đã có hơn 200 tác phẩm lớn nhỏ. Mỗi lời bài hát được cụ “xuất khẩu thành thơ” chỉ trong 1 buổi.

Không chỉ mang ý nghĩa mừng Đảng, mừng xuân vào mỗi dịp năm mới, những tác phẩm của cụ còn là lời chúc các cụ cao niên; chung vui cùng các em nhỏ vào dịp Trung thu; chúc bà con nông dân có vụ mùa tốt tươi hay phản ánh sự thay đổi của quê hương nhờ nông thôn mới...

Chồng và con trai đầu của cụ Nghinh là cụ Võ Hoan và anh Võ Văn Nghinh cũng là những nghệ nhân hát sắc bùa lâu năm tại thôn Thuận Sơn.

Cụ Nghinh cho hay: “Theo thông lệ, cứ vào 0h ngày mồng 1 Tết hằng năm, các phường sắc bùa sẽ gõ cửa gia chủ để biểu diễn những giai điệu mừng năm mới. Bài hát sắc bùa có nhạc điệu giống nhau, dễ hát, dễ nhớ và gần gũi với đời sống dân dã rất hấp dẫn người nghe; là sự kết hợp hài hòa thanh âm trống, cồng, thanh la và lời ca sắc bùa”.

Các bài hát do phường sắc bùa tại xã Thuận Lộc sử dụng vào ngày đầu năm mới đều do cụ Nghinh sáng tác.

Một đội hát sắc bùa có từ 7 đến 9 người, trong đó có người cầm trịch (gọi là hát cái), người đánh trống, người đánh cồng, người đánh thanh la, người đánh tam vông, người đánh thanh tiền...

Bố cục mỗi bài hát sắc bùa có 2 phần, gồm phần trịch và phần sắc. Phần trịch là người cầm trịch (nhạc trưởng) lĩnh xướng hát trước, cả đội sẽ trợ giọng hát 2 chữ sau. Phần sắc là cả đội cùng hát theo...

Cụ Nghinh khảo lại lời bài hát để chuẩn bị cho phường sắc bùa biểu diễn vào ngày đầu năm sắp tới

Hiện nay, toàn xã Thuận Lộc có 3 thôn phát triển về văn hóa sắc bùa là Thuận Sơn, Thuận Trung và Thuận Giang; tuy nhiên, chỉ thôn Thuận Sơn duy trì loại hình này được thường xuyên.

Chính vì vậy, cụ Nghinh vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm, đó là không để mất đi loại hình nghệ thuật truyền thống từ bao đời của cha ông. Bởi vậy, dù đôi mắt đã kém, cụ vẫn luôn cố gắng truyền lửa sắc bùa cho người dân Thuận Sơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói