Hôm 28/5, Bộ Quốc phòng Nga công bố thông tin việc nước này thử nghiệm thành công tên lửa hành trình siêu thanh Zircon trên biển Barents. Theo thông tin từ phía Nga, tên lửa Zircon là một phần trong kế hoạch phát triển các thế hệ vũ khí siêu thanh mới có tốc độ gấp 9 lần vận tốc âm thanh và là một “vũ khí bất khả chiến bại”.
Các cường quốc quân sự thời gian qua đang đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh. (Nguồn: Naval Post) |
Trước đó, hôm 10/5, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố thông tin cho biết, từ đầu cuộc xung đột tại Ukraine, Nga đã sử dụng tên lửa siêu thanh ít nhất 10-12 lần, chủ yếu “nhằm vào các mục tiêu quân sự” của Ukraine.
Hai thông tin liên tiếp của Mỹ và Nga trong tháng 5/2022 đang làm nóng lên cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh mới giữa các cường quốc. Giữa tháng 3/2022, Mỹ cũng đã thử thành công tên lửa thuộc chương trình HAWC (Hypersonic-Air-breathing Weapon Concept) từ máy bay ném bom B-52.
Những bước tiến của Nga
Trở lại với cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine, ngày 19/3, quân đội Nga đã gây bất ngờ với giới quan sát khi thông báo việc lần đầu tiên sử dụng tên lửa Kinjal vào thực chiến.
Tên lửa Kinjal được Nga thử nghiệm thành công năm 2018 có tầm bắn lên đến 3000km với vận tốc tối đa đạt 12000km/h. Theo các chuyên gia, giống như tên lửa Zircon được phát triển cho tàu chiến và tàu ngầm, Kinjal, phiên bản trang bị cho các máy bay chiến đấu, có đặc tính đáng sợ là gần như không thể phát hiện và không thể đánh chặn nhờ vào khả năng thay đổi quỹ đạo bay, vô hiệu hoá các hệ thống radar cảnh báo hiện có.
Cũng theo các chuyên gia phương Tây, trong những năm gần đây, cùng với chương trình hiện đại hoá quân đội, Nga đã vượt khá xa Mỹ và phương Tây trong việc phát triển các chương trình vũ khí siêu thanh tầm ngắn và tầm trung.
Ngoài tên lửa Kinjal đã được sử dụng thực chiến trên chiến trường Ukraine, tên lửa Zircon có tầm bắn 1000km được trang bị cho tàu chiến và tàu ngầm đang là lợi thế của Nga trong cuộc chạy đua này.
Tuy đã được đưa vào sử dụng tại chiến trường Ukraine nhiều lần như báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, các chuyên gia phương Tây cũng cho rằng các chương trình phát triển vũ khí siêu thanh của Nga, trong ngắn hạn, không mang lại lợi thế lớn cho Moscow trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Nguyên nhân là bởi hiện quân đội Nga chưa được trang bị với số lượng lớn tên lửa hiện đại này để có thể thay đổi cục diện chiến trường.
Chính vì vậy, theo họ, việc Nga sử dụng một số lượng hạn chế tên lửa Kinjal từ cuối tháng 3/2022 và thử nghiệm thành công tên lửa Zircon hôm 28/5 chủ yếu “tác động tức thời về mặt tâm lý” và “mang tính răn đe” về dài hạn.
Tính năng vượt trội
Vũ khí siêu thanh được xác định là loại vũ khí nằm giữa “vũ khí quy ước” và “vũ khí răn đe”, tức loại vũ khí mang tính huỷ diệt cao vốn đến nay, ngoại trừ lần duy nhất được sử dụng tại Hiroshima và Nagasaki năm 1945, chỉ được sử dụng để đe dọa.
Nhưng cũng chính nằm ở vị trí này, vũ khí siêu thanh được xem như là có khả năng sử dụng ở cả hai hình thức: trong các cuộc chiến tranh quy ước và chiến tranh huỷ diệt bởi các tính năng hiện đại của nó.
Nền tảng công nghệ chính của vũ khí lửa siêu thanh là Hệ thống vũ khí tấn công từ quỹ đạo thấp (FOBS). Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đều nghiên cứu về FOBS. Liên Xô đã từng triển khai một hệ thống FOBS từ những năm 1970, trước khi loại bỏ chúng vào giữa những năm 1980.
Đặc điểm đầu tiên của loại vũ khí này được phản ánh trong tên gọi của chính nó. Về định nghĩa, “vũ khí siêu thanh là loại các loại tên lửa hoặc thiết bị lượn/bay có thể thay đổi quỹ đạo trong hành trình bay trong khi vẫn có thể duy trì tốc độ ở trên mức Mach 5, tức gấp 5 lần tốc độ âm thanh”.
Tốc độ tối thiểu của một tên lửa siêu thanh phải vượt ngưỡng 6000km/h. Để so sánh, tờ South China Morning Post cho biết tên lửa Tomahawk của Mỹ được phóng từ tàu chiến cần hơn 1 giờ để bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 1.000 km, trong khi đo tên lửa siêu thanh mới chỉ cần khoảng 8 phút.
Đặc điểm thứ hai của vũ khí siêu thanh là việc chúng được phát triển dưới nhiều hình thức chẳng hạn như các tên lửa hành trình siêu thanh (Hypersonic Cruise Missile) và các thiết bị lượn/bay siêu thanh (Hypersonic Glide Vehicle -HGV).
Các tên lửa siêu thanh có thể được phóng đi từ mặt đất, tàu thuỷ, tàu ngầm (Kinjal) hoặc máy bay chiến đấu (Zircon) hay máy bay ném bom (HAWC). Còn các “phương tiện bay siêu thanh” HGV có thể mang theo các đầu đạn hạt nhân, được tên lửa phóng lên độ cao từ 50-100km trước khi đẩy các đầu đạn tới mục tiêu.
Năm 2018, Nga đã thử nghiệm thành công tổ hợp lượn Avangard có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân và đạt tới tốc độ Mach 28 ở độ cao 100km.
Thứ ba là khả năng điều khiển và thay đổi hành trình trong quá trình bay. Theo đánh giá của các chuyên gia vũ khí, cả hai loại vũ khí HCM và HGV đều cho phép khả năng điều khiển dễ dàng hơn rất nhiều so với các loại tên lửa đã được phát triển trước đó.
Đặc điểm thứ tư là khả năng không thể bị đánh chặn do có thể thay đổi hành trình, độ cao trong khi duy trì tốc độ bay/lượn rất cao. Nếu như các tên lửa đạn đạo thế hệ cũ, dù có tốc độc bay Mach 23 vẫn có thể được phát hiện từ xa và đánh chặn thì việc các HCM và HGV với khả năng thay đổi hành trình, bay ở tầm cao thấp giúp chúng có thể vượt qua hầu hết các hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện được các quốc gia trang bị.
Theo tính toán của quân đội Trung Quốc, xác suất bắn trượt của các hệ thống phòng không trước các tên lửa có tốc độ Mach 5 là 78% trong khi xác suất này đối với tên lửa bay ở tốc độ Mach 6 là 90%.
Máy bay chiến đấu MiG-31 phóng tên lửa siêu thanh Kinzhal trong cuộc thử nghiệm tại một địa điểm không được tiết lộ ở Nga vào năm 2018. (Nguồn: AP) |
Cuộc đua khốc liệt
Được phân loại nằm ở ranh giới giữa vũ khí quy ước và vũ khí huỷ diệt, vũ khí siêu thanh vừa có thể mang các đầu đạn thông thường hoặc cũng có thể được trang bị các đầu đạn phi quy ước. Và chính cũng vì lẽ đó, chỉ một nhóm nhỏ các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có thể tập trung phát triển loại vũ khí hiện đại này.
Nếu như Nga là nước đi đầu trong phát triển và đưa vào sử dụng thực chiến, từ nhiều năm nay Mỹ cũng đã ưu tiên phát triển một số chương trình tên lửa siêu thanh. Trên thực tế, Mỹ từng chiếm ưu thế về công nghệ vũ khí siêu thanh trước khi gián đoạn đầu tư một thời gian dài.
Vụ thử nghiệm thành công tên lửa thuộc chương trình HAWC hồi tháng 3 của Mỹ là lần thử thứ hai của loại tên lửa được thiết kế để tích hợp trên máy bay F-35. Ngày 16/5, không quân Mỹ thông báo thử thành công một loại tên lửa thứ hai có tên AGM-183A ARRW, sau 3 lần thử nghiệm thất bại trong năm 2021.
Trước đó, tướng Heath Collins, Giám đốc chương trình vũ khí của Không quân Mỹ, cho rằng đã có thể bắt đầu sản xuất tên lửa bội siêu thanh trong năm tài khóa 2022, nếu hoàn tất khâu thử nghiệm. Không quân Mỹ đã đề xuất 161 triệu USD để mua 12 tên lửa ARRW đầu tiên của Lockheed Martin.
Trong giai đoạn 2015-2025, chương trình nghiên cứu phòng thủ tiên tiến của Mỹ (DARPA) được Lầu Năm Góc tài trợ 15 tỷ USD. Hôm 9/5, chương trình này cho biết đang xây dựng ngân sách bổ sung 60 triệu USD cho năm 2023. Trước sự phát triển nhanh của các đối thủ, Mỹ cũng đưa nội dung phát triển vũ khí siêu thanh vào trong các chương trình hợp tác với các nước đồng minh.
Cuộc đua vũ khí siêu thanh cũng không chỉ là cuộc chơi giữa Nga và phương Tây. Tờ Financial Times ngày 17/10/2021 tiết lộ thông tin Trung Quốc vừa thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mới vào tháng 8/2021.
Tên lửa này được phát triển từ “hệ thống vũ khí tấn công từ quỹ đạo thấp” (FOBS), sử dụng phương tiện lướt siêu thanh với động năng rất lớn, có thể bay nhiều vòng quanh Trái đất ở quỹ đạo thấp và tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa hàng ngàn km.
Trước thông tin về việc Trung Quốc thử nghiệm thành công vũ khí siêu thanh được Financial Times công bố, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho rằng đây là động thái “rất đáng lo ngại” và thậm chí ví sự kiện này như là một “thời khắc Sputnik” trong so sánh lực lượng Mỹ - Trung.
Trong khi đó, ông Gregory Hayes, Giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng Raytheon của Mỹ nhận định rằng Mỹ đang bị Trung Quốc bỏ xa nhiều năm về vũ khí siêu thanh.
Ngoài Nga, Mỹ và Trung Quốc, hiện có ít nhất 4 quốc gia khác đang phát triển công nghệ siêu thanh trong lĩnh vực quân sự. Không gây ồn ào như các nước kể trên, Pháp cũng đang theo đuổi hai chương trình phát triển vũ khí siêu thanh.
Được khởi động từ năm 2010, một trong hai chương trình này hướng tới việc phát triển một loại tên lửa không đối đất thế hệ thứ tư có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (AS4NG) nhằm thay thế cho các tên lửa ASMP-A vào năm 2035. Một chương trình phát triển “phương tiện bay” siêu thanh khác cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Bên cạnh đó, các nước như Nhật Bản, Ấn Độ và thậm chí là Triều Tiên cũng sẽ sở hữu vũ khí siêu thanh. Tháng 9/2021, Triều Tiên đã lần đầu thử nghiệm thành công tên lửa Hwasong-8 với tốc độ Mach 5. Theo thông tin từ Hàn Quốc, tại cuộc thử nghiệm ngày 3/1 vừa qua, tên lửa này đã đạt tốc độ tối đa Mach 10 và có tầm bắn khoảng 5000km.
Theo các chuyên gia, việc một số quốc gia đi đầu về công nghệ vũ trang tập trung phát triển vũ khí siêu thanh chính thức là cách thức các quốc gia này đáp trả lại các chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của các đối thủ.
Trước thách thức này, Doug Loverro, cựu trưởng bộ phận chính sách không gian tại Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định rằng “chúng ta (Mỹ) cần phải suy nghĩ lại về cách thức thực hiện phòng thủ tên lửa”.
Và đó phải chăng cũng chính là lý do ba nước thành viên AUKUS, trong một tuyên bố tháng 4/2022, đã quyết định “hợp tác ba bên phát triển vũ khí siêu thanh và chống siêu thanh”?