Cuộc sống diệu kỳ!

Trong cơn đại hồng thuỷ, con người trước thiên nhiên thật nhỏ bé, đáng thương nhưng khi cơn lũ đi qua, điều tôi cảm nhận là con người thật phi thường và cuộc sống thật diệu kỳ! Chính tình yêu thương đồng loại đã khiến con người gắn kết nhau thành một khối bền vững, chiến thắng tất cả: sự cuồng nộ của thiên nhiên, buồn đau và đói nghèo.

Sau lũ, trở lại Phương Điền, Phương Mỹ, nơi chúng tôi từng đến cứu trợ trong trận lũ 2007, nhìn những ngấn lũ bê bết trên ngọn cây, những đống bùn đất đặc quánh trên sân trường, tôi tự hỏi: Những ngày qua, con người ở đây đã sống thế nào? Đáp lời tôi, dù khuôn mặt không dấu được mệt mỏi vì đói rét và mất ngủ, chị Hoàng Thị Hương ở xóm Mỹ Trung vẫn mỉm cười: “Ban ngày bọn em bơi thuyền ra chỗ cứu trợ lấy mì tôm hoặc di lại trong xã, ban đêm thì nguy hiểm lắm, không đèn không trăng, cả nhà quàng ni-lon ngồi trên thuyền, neo thuyền vào gốc cây để khỏi bị trôi. Nhà em chẳng còn gì cả, chỉ còn người thôi!”. Chỉ còn người thôi! Điều quý giá nhất vẫn còn, nghĩa là rồi sẽ có tất cả. Có phải vậy không mà giọng nói em vẫn bình thản lạ lùng?.

"Nắm cơm nghĩa tình" mà Hội LHPN Hương Khê triển khai trong trận lũ vừa qua đã giúp hàng ngàn người dân vượt qua cơn đói
"Nắm cơm nghĩa tình" mà Hội LHPN Hương Khê triển khai trong trận lũ vừa qua đã giúp hàng ngàn người dân vượt qua cơn đói

Hôm ấy chúng tôi đã chứng kiến cuộc hội ngộ đầy cảm động của chị em vùng lũ Phương Mỹ với chị Nguyễn Thị Tình - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hương Khê, người đã phát động phong trào nắm cơm cứu đói cho chị em. Những bàn tay nắm chặt bàn tay: Chị ơi! Nắm cơm của chị với bọn em lúc đó qúy hơn vàng!. Chính chị Tình đã đi trong lũ từ Hà Linh qua Phúc Đồng, Phương Mỹ để kiểm tra, điều hành công việc. Qua Phúc Đồng, xuồng chị cũng suýt bị lật. Gần 10 ngày chống chọi cùng chị em, chị định dành một ngày thứ Bảy để dưỡng sức thì điện thoại liên tiếp gọi về yêu cầu hướng dẫn, phân phối hàng cứu trợ. “Không biết ai đã dựng tôi dậy để đi như thế này, súc lực từ đâu tôi cũng không biết nữa!”, vừa nhai trẩu bỏm bẻm, chị vừa chia sẻ. Tôi biết, với những người như chị, như Thiếu tá Ninh, ông Ký, anh Thuật, em Chung, anh Vượng… sức mạnh của trái tim đầy yêu thương và trách nhiệm đã giúp họ làm nên điều kỳ diệu của cuộc sồng.

Lần này về Đức Lạng (Đức Thọ), xã bên bờ con sông Ngàn Sâu nên có nhiều nhà bị cuốn trôi nhất. Cạnh những ngôi nhà đổ nát, hoang tàn, tôi đã nhìn thấy khói bếp, nhìn thấy những con gà hiếm hoi sống sót đang đi kiếm mồi. Ngồi trong khu vườn nhà ông Đậu Quang Trung, nơi gia đình ông đang sống tạm bợ bằng mái bạt vào ban ngày và ràn bò (nơi để cỏ cho bò) vào ban đêm, tôi đã chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của cơn lũ. Điều kỳ lạ mà tôi cảm nhận được không phải là sự tồn tại của gia đình ông những ngày qua mà chính là vẻ vô tư như chưa từng trải qua nỗi kinh hoàng trên gương mặt đứa con gái thứ 4 của ông (cháu Đậu Thị Thắm, học lớp 6 Trường THCS Đồng Lạng). “Cháu đến trường rồi, cùng các bạn dọn vệ sinh trường lớp. Sách vở không còn, cô giáo bảo nay mai sẽ có. Ban ngày cháu đi trường, tối về chui vào ràn ngủ cùng bố mẹ và anh, cháu không muốn ở nhờ nhà bạn, phiền lắm!”, Thắm hồn nhiên bảo.

Bà con nông dân xã Thượng Lộc (Can Lộc) khôi phục sản xuất
Bà con nông dân xã Thượng Lộc (Can Lộc) khôi phục sản xuất

Bên kia sông là xã Đức Lĩnh, Đức Bồng của huyện Vũ Quang, những ngôi trường lại rộn ràng và tươi sáng trong nắng chiều, như chưa hề qua cơn lũ kép. Bên ấy, năm nay được bồi, bên này lở sâu vào đến tận vườn nhà. Anh Chung - Xóm trưởng Yên Thọ nói. Tôi thầm nghĩ, quy luật lở bồi của sông cũng như quy luật lở bồi của cuộc sống. Con người tự bù đắp cho nhau, nhường nhịn cho nhau để mọi người đều qua được sự lở lói, đều được nhìn thấy ánh mặt trời, đều được ngửi mùi thơm của bát cơm dẻo thơm sau trận đói. Theo bước chân anh Chung, chúng tôi đến thăm 4 hộ dân còn lại của xóm bị trôi nhà. Chị Nguyễn Thị Vinh chỉ lên ngấn lũ gần nóc nhà nói: “Chị biết bơi nên ở lại, nhường ba bố con lên thuyền anh Chung đi sơ tán. Chị ngồi trên chạn bếp suốt một ngày đợi nước xuống, dự định nếu nước ngập cả chạn thì chị sẽ bơi ra sau vườn, ngồi trên gốc mít cho đến khi nước xuống.”. Đó là phương án tồn tại của chị và gia đinh. Trong gian nan, mọi sự tính toán đều bắt đầu từ sự hy sinh cá nhân, nhường sự sống cho người thân và đồng loại. Đó là điều kỳ diệu của cuộc sống.

Ngồi cùng chuyến xe với chúng tôi về xã Liên Minh hôm ấy có một chị phụ nữ ăn mặc giản dị, gương mặt không có gì nổi bật. Chị không phải là chủ doanh nghiệp mà là một hộ làm ăn cá thể ở Bình Đà (Hà Nội). Chị chỉ có ìt hàng đóng thùng và ít tiền nên xin đi theo Hội Doanh nghiệp quận Long Biên. Đến nhà nào chị cũng bắt anh bạn đi cùng phải đưa vào tận nơi, rồi cùng cả đoàn rút tiền túi cho các gia đình bị nạn, không phong bì, không ghi tên tuổi. Mãi sau tôi mới quan sát bước đi khó nhọc của chị. Thì ra chị vừa bị ngã, gãy một ngón chân, đang bó bột. Vậy mà khi nghe tin đồng bào miền Trung bị lũ lụt, chị năn nỉ xin đi cùng, anh bạn chị phải đi theo để đỡ chị lên xuống xe. Chị có vẻ rất bực vì cái chân bởi trong lòng thì muốn đi thật nhiều nhưng không đi được. Hỏi tên thì chị chỉ nói: Cứ gọi em là Hằng béo, chủ quán ăn ở Bình Đà, ai cũng biết! Tôi thầm cám ơn chị, chính những người như chị đã thúc giục bước chân tôi nhiều hơn, buộc tôi phải làm việc nhiều hơn cho đồng bào. Phải chăng đó cũng là điều kỳ diệu của con người, của cuộc sống!

Khi tôi ngồi viết những dòng này cũng là lúc những cụ bà ở Hà Đông đang theo đường Hồ Chí Minh về rốn lũ Hương Khê, là lúc đồng nghiệp của chúng tôi, chị Thu Thuỷ ở Báo Ninh Bình đang dẫn cả đoàn doanh nghiệp phường Đông Thành và cán bộ nhân dân khối phố 4 của phường về xã Vượng Lộc (Can Lộc), xã Thạch Tân (Thạch Hà) và xã Hoà Hải (Hương Khê) cấp phát 12 tấn gạo, đồ dùng cho bà con vùng lũ. Anh Thức, chủ doanh nghiệp Huy Hoàng (TP Ninh Bình), nói: “Tôi sinh ra ở vùng lũ nên biết nỗi khổ của bà con vùng lũ. Những ngày lũ kép ở Hà Tĩnh, tôi không ngủ được vì thương bà con. Trước khi qua đây, chúng tôi đã vào thăm 4 đứa con tội nghiệp của chị Huyền ở Quang Lộc. Tôi không cầm được nước mắt”.

Triệu con người chung một tấm lòng. Nhiều cách làm hay, nhiều phương án cứu trợ kịp thời đã khiến cho Hà Tĩnh hồi sinh. Xin cảm ơn tất cả tấm lòng của đồng bào cả nước dành cho Hà Tĩnh, cho khúc ruột miền Trung. Xin cảm ơn mọi người đã làm nên điều kỳ diệu của cuộc sống!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast