Vừa thưởng thức, khán giả vừa được cười nghiêng ngả với diễn xuất của các nghệ nhân, diễn viên nhưng đồng thời cũng lắng lại bởi những chi tiết về chuyện nghề.
Chẳng hạn, đoạn anh phó nháy hát với cô thôn nữ, nhằm mục đích chớp lấy thời cơ để “tranh giành” với các thợ ảnh khác:
“Ăn thì lo đi trước/ Lội nước phải đi sau/ Chụp ảnh phải cho mau/ Không mau mất cơ hội/ Không là mất cơ hội”.
Hoặc như đoạn tạo dáng cho cô thôn nữ để có bức ảnh đẹp:
Nam: Em nghiêng nghiêng sang phải/ Rồi khép khép tí nào
Nữ: Khép là khép cái chi?
Nam: Khép là khép cánh tay vào/ Mắt phải nhìn làm sao/ Có cái nhìn (ơ) gợi cảm/ Nhìn sao cho gợi cảm...
Video trích đoạn trong hoạt cảnh: Tình anh nhiếp ảnh
Phần hoạt cảnh có những đoạn rất vui nhộn như đến phần cô gái xin xem ảnh:
Nữ: Ôi em đây à! Sao nhìn cao lồng lộng
Nam: Vì anh chụp dưới lên
Nữ: Đây lại thấy hơi lùn?
Nam: Anh chụp trên chụp xuống/ Leo lên rồi (ơ) chụp xuống
Ở phần sau của tác phẩm, khán giả cũng lắng lại tâm hồn khi anh thợ ảnh trải lòng về nghề nghiệp, qua phần ngâm thơ: “Nhưng vì mình trót lỡ đam mê/ cho dù nguy hiểm cận kề một bên/ Sá chi mệt nhọc đâu em/ chỉ cần gửi đến người xem chút tình”.
… và hát dặm khuyên: “Anh ra đi từ khi trời chưa sáng/ Mong làm sao chụp được ánh mai hồng/ Nơi trời biển mênh mông hay núi rừng bất tận/ Vai đeo máy ảnh chân đặt đến muôn nơi/ Nhìn có vẻ thảnh thơi nhưng cũng đầy cơ cực”.
Điều đáng trân trọng của hoạt cảnh này là được nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Chung soạn chỉ trong một đêm trước ngày giao lưu, trong lúc vừa chăm sóc người nhà bị ốm nặng; các nghệ nhân, diễn viên cũng chỉ có đúng 1 ngày để nhớ lời và tập luyện.
Đầy đủ phần lời hát do nghệ nhân Trọng Tuấn và diễn viên Thuý Diễm trình bày.