Theo sử sách, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn sinh năm 1254 tại làng Vạn Phần - nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông có võ nghệ cao cường, đặc biệt có tài bơi lặn dưới nước. Khi đất nước bị quân Nguyên Mông xâm lược, ông đã hưởng ứng lời kêu gọi của Triều đình nhà Trần chống giặc ngoại xâm. Với tư chất thông minh, lắm cơ mưu và tài nghệ của mình, ông đã được Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn sung vào đội thủy quân và tham gia nhiều cuộc chiến quan trọng, lập được nhiều chiến công. (Ảnh: Quang cảnh cờ lọng rợp trời khi rước tượng trên đường quê Yên Điềm).
Năm 1288, trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, do có công lớn dụ hàng quân địch, bắt sống Ô Mã Nhi (một đại tướng tin cẩn của vua Nguyên Mông), Hoàng Tá Thốn đã được vua Trần Nhân Tông phong danh hiệu “Sát Hải chàng lại đại tướng quân”. Sau này, ngài được giao thống lĩnh thuỷ binh, trông coi 12 cửa sông và bảo vệ vùng duyên hải.
Trong một lần đi tuần thú, do tuổi cao, sức yếu, ông đã mất trên đường đi vào ngày 15/3 năm Ất Hợi 1339, hưởng thọ 85 tuổi. Tiếc thương vị danh tướng tận trung với nước, vua Trần Hiến Tông đã ban thuyền rồng, cho đội quân danh dự chở linh cữu ông về an táng tại Vạn Phần và cho lập đền thờ. (Ảnh: Đoàn rước thả thuyền trên bãi biển).
Ngoài nơi mai táng được lập đền thờ tại xứ Mả Cháy, tổng Vạn Phần thì Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn còn được Nhân dân nhiều làng ven biển lập đền thờ. Trong đó, đền ở thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Vào các ngày rằm, mùng 1, ngày giỗ, Nhân dân trong vùng đều đến đền thờ để dâng hương tưởng niệm, thể hiện lòng thành kính, sự ngưỡng vọng đối với một vị tướng đã có nhiều công lao với dân, với nước.
Pho tượng Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn cao 72 cm, rộng 45 cm, nặng 12 kg được rước về đền do một người dân tự tay điêu khắc.
Người dân cúng giỗ Sát Hải Đại Vương.