Đại biểu Trần Đình Gia phát biểu thảo luận
Trước hết, đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, góp phần xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với xu hướng chuyển đổi sang nền hành chính phục vụ.
Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, đại biểu khẳng định đây là chính sách tiến bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ” quy định còn chung chung, khó xác định.
Do đó, Luật cần xây dựng, bổ sung các tiêu chí cụ thể, chẳng hạn như người có tài năng phải có đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng đem lại hiệu quả thiết thực, giải pháp thực hiện công việc xuất sắc mang lại hiệu quả cao.
Về tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển đối với “sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ” (quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 37 dự thảo Luật), đại biểu đề nghị sửa đổi thành “nhà khoa học trẻ được cơ quan có thẩm quyền công nhận” nhằm đảm bảo tính chặt chẽ trong việc xét tuyển và lựa chọn người có năng lực thật sự.
Đại biểu cũng đề nghị sửa đổi Điểm d, Khoản 3, Điều 37 của dự thảo Luật về tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm công chức cho phù hợp với điểm a, b, c: “Người đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và chức danh tương đương theo quy định của Chính phủ tại doanh nghiệp nhà nước; người đại diện phần vốn nhà nước giữ chức danh là Chủ tịch hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh tương đương theo quy định của Chính phủ tại doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ)” sửa thành “Người đang giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp nhà nước, có đủ 05 năm công tác trở lên phù hợp với lĩnh vực tiếp nhận”.
Đại biểu cho rằng việc đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức yếu kém trong thực tiễn thời gian qua còn rất hạn chế, nhiều báo cáo đều nhận định một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực và phẩm chất yếu kém. Trong khi thực tế số lượng cán bộ, công chức 2 năm liên tiếp xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ rất ít.
Hình thức kỷ luật “buộc thôi việc” chỉ áp dụng đối với 5 hành vi vi phạm quy định tại Điều 14, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 và quy định trong dự thảo Nghị định Quy định về kỷ luật đối với công chức. Với quy định này rất khó để đưa cán bộ, công chức yếu kém ra khỏi bộ máy nhà nước.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về vấn đề trên để việc sửa đổi Luật lần này sẽ tạo được cơ sở pháp lý đào thải những cán bộ, công chức yếu kém ra khỏi bộ máy nhà nước.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm cụm từ “cán bộ, công chức đã chuyển công tác ra ngoài cơ quan nhà nước” tại khoản 5 Điều 84 dự thảo Luật để có chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm khi công tác tại cơ quan nhà nước.