Ưu thế của Ronaldo
Tứ kết Champions League, Cristiano Ronaldo là mối nguy hại lớn nhất đối với hàng phòng ngự trứ danh của Juventus. Siêu sao người Bồ Đào Nha rất có duyên với mành lưới Bà đầm già và đang có được phong độ cực cao. Thế nên, trước khi bước vào cuộc thư hùng, chính thủ thành Gianluigi Buffon chia sẻ rằng anh mất ngủ mấy đêm vì nghĩ đến chuyện phải đối mặt với CR7.
Phân tích về Ronaldo, trong vòng 2 năm trở lại đây anh không còn sắm vai một tiền đạo cánh, thay vào đó anh tiến vào vòng cấm địa để trở thành một trung phong thực thụ. Phong cách mới và sự lợi hại của siêu sao người Bồ Đào Nha được thể hiện rõ rệt qua màn trình diễn trên sân Thiên niên kỷ (chung kết Champions League 2016/17) mùa trước và sân Công viên các Hoàng tử mùa này (vòng 1/8 Champions League 2017/18).
Cả cú đúp vào lưới Juve lẫn 2 bàn thắng (không tính quả 11m) vào lưới PSG ở 2 lượt trận đều được Ronaldo thực hiện cùng một phong cách. Đó là tăng tốc chiếm lĩnh không gian rồi dứt điểm một chạm. Và để thấy rõ các hậu vệ bất lợi như thế nào trước CR7, đặc biệt là hàng thủ Juve, có thể dựa trên việc số hóa màn trình diễn của siêu sao người Bồ Đào Nha này.
Trước nhất, điều hàng thủ Juve lo ngại nhất là tần suất di chuyển ở tốc độ cao (trên 21km/h) của Ronaldo. Trung bình mỗi trận, CR7 có khoảng 720,5m di chuyển với tốc độ trên 21km/h. Trong khi đó, trung vệ của Bà đầm già có quãng đường di chuyển ở tốc độ cao nhiều nhất còn chưa quá 400m (395m).
Ronaldo luôn biết cách qua mặt hậu vệ đối phương nhờ khả năng bứt tốc
Tiếp đến, kịch bản tương tự xảy ra với khả năng bứt tốc. Trung bình mỗi trận Ronaldo có khoảng 46,5m di chuyển với gia tốc trên 3m/s2 còn trung vệ Juve bứt tốc nhiều nhất cũng chỉ 34,3m. Giải thích thêm, gia tốc là đại lượng vật lý đặc trưng cho sự thay đổi của vận tốc theo thời gian. Ví dụ một cầu thủ di chuyển ở gia tốc 3m/s2, tức là trong 1 giây, họ có thể tăng tốc độ thêm 11km/h.
Hai thông số vừa nêu đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, trong phạm vi hẹp của vòng cấm địa, chiếm lĩnh không gian đồng nghĩa nâng cao đáng kể cơ hội dứt điểm thành bàn, như các pha lập công của Ronaldo vào lưới Juve và PSG. Và để chiếm lĩnh không gian, yếu tố tiên quyết là kỹ năng chuyển tốc. Trong khía cạnh này, Ronaldo đạt gia tốc tối đa nhanh hơn các hậu vệ Juve tới 35%.
Nguồn năng lượng từ Lucas Vazquez và Marco Asensio
Trong tay Zidane hiện có 4 tiền vệ tấn công là Isco, Bale, Vazquez và Asensio. Tại Cardiff (chung kết Champions League 2016/17), Zizou sử dụng Isco và để ba cầu thủ còn lại trên băng ghế dự bị. Cuối tuần qua, Bale tỏa sáng giúp Real đánh bại Las Palmas. Trước đó, ở cuộc chạm trán PSG, bộ đôi tiền vệ người Tây Ban Nha đem đến màn trình diễn siêu việt giúp Real mở toang cánh cửa vào tứ kết.
Thế nên, chọn lựa ai đá chính là cơn đau đầu dễ chịu dành cho vị chiến lược gia người Pháp. Vì Isco và Bale ít khi sát cánh cùng nhau, bởi vậy để so sánh trực quan, chúng ta sẽ xem xét khả năng di chuyển giữa bộ đôi Bale-Benzema, hai ngôi sao hỗ trợ cho Ronaldo trong những năm qua và bộ đôi Vazquez-Asensio, hai tài năng trẻ mới nổi trong vai trò dự bị. Đầu tiên, mỗi khi Real có bóng, Bale-Benzema thời gian di chuyển cường độ cao (trên 21km/h) ít hơn Vazquez-Asensio khoảng 4%. Chênh lệnh này không quá đáng kể.
Asensio và Vazquez di chuyển tích cực hơn hẳn hai ông sao Bale và Benzema
Tuy nhiên, mỗi khi bóng trong chân đối phương, chênh lệch giữa hai bộ đôi này lên tới 8%. Có nghĩa với sự hiện diện của Vazquez và Asensio, đội hình trở nên cân bằng và hàng phòng ngự được hỗ trợ phòng ngự tốt hơn. Tiếp đến, trung bình mỗi trận cặp Vazquez-Asensio thực hiện 52 pha bứt tốc và đạt đến tốc độ tối đa. Trong khi đó, con số này bên phía bộ đôi Bale-Benzema chỉ là 40.
Cầu thủ Real biết chạy hơn Juve
Thống kê tại Champions League 2017/18, trung bình mỗi trận các cầu thủ Juve di chuyển tốc độ cao nhiều hơn các cầu thủ Real 929,82m. Riêng Sami Khedira (454,02m) có quãng đường di chuyển cường độ cao nhiều gấp đôi so với Toni Kroos (210,31m). Dù vậy, ở vị trí tiền vệ trung tâm, tốc độ chưa bao giờ là yếu tố được đặt nặng. Khu vực này đòi hỏi khả năng tranh chấp và chuyền bóng, hai yếu tố Kroos hoàn toàn vượt trội.
Nơi đòi hỏi chạy nhiều là hai hành lang. Và ở vị trí hậu vệ biên, bộ đôi Dani Carvajal và Marcelo di chuyển có bóng nhiều hơn các hậu vệ biên Juve tới 445,91m. Một khía cạnh khác, so sánh giữa hai hiệp, các cầu thủ Juve di chuyển cường độ cao ở hiệp 2 ít hơn hiệp 1 tới 22,15%. Ngược lại, thống kê tại màn chạm trán PSG, các cầu thủ Real di chuyển cường độ cao ở hiệp 2 nhiều hơn hiệp 1 khoảng 10,61%. Điều này cho thấy các cầu thủ áo trắng duy trì được thể trạng cho đến cuối trận tốt hơn hẳn.
Một số thống kê đáng chú ý dưới triều đại Zidane - Lucas Vazquez là cầu thủ ra sân nhiều nhất với 110 trận. Tuy nhiên, có đến 49 trận cầu thủ này vào sân từ băng ghế dự bị. - Cristiano Ronaldo là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho Real dưới thời Zidane, với 105 bàn thắng, cao gấp 2,5 lần cầu thủ xếp thứ hai Benzema (40 bàn). - Asensio và Isco cùng ghi được 20 bàn cho Real dưới thời Zidane nhưng Asensio thi đáu ít hơn tới 2.000 phút. - Cầu thủ có hiệu suất ghi bàn cao nhất của Real dưới thời Zidane khá bất ngờ là Enzo Zidane. Cậu con trai của Zizou chỉ ra sân 45 phút và có 1 bàn. Xếp sau là Mariano Diaz (60,6 phút có 1 bàn) và Morata (93,7 phút có 1 bàn). - Đội hình những cầu thủ được đá chính nhiều nhất: Keylor Navas; Dani Carvajal, Nacho, Sergio Ramos, Raphael Varane, Marcelo; Casemiro, Toni Kroos, Luka Modric; Karim Benzema, Cristiano Ronaldo. |